Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hát xoan là di sản cần bảo vệ khẩn cấp

Tạp Chí Giáo Dục

Vào hồi 12h5 – giờ Bali (Indonesia) – tức 11h5 ngày 24.11 – giờ VN, Uỷ ban Liên chính phủ công ước 2003 UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể (DSVHPVT) đã thông qua QĐ số 6.COM.8.23 ghi nhận hát xoan của Phú Thọ (VN) là di sản cần bảo vệ khẩn cấp. 

Có 10 di sản được bảo vệ khẩn cấp lần này trong số 23 di sản của 9 quốc gia.

Theo TS Nguyễn Thị Minh Lý – nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTTDL) – người đang có mặt tại hội nghị: “Hồ sơ hát xoan là hồ sơ duy nhất được sự đồng thuận hoàn toàn của ban thẩm định và đánh giá là hồ sơ làm tốt nhất trên tổng số 33 hồ sơ khẩn cấp được đệ trình lần này”.

Hát xoan còn gọi là hát cửa đình, bao gồm nhạc, hát, múa… nằm trong thành phần các trò diễn hội làng, thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân theo tục giữ cửa đình, phổ biến ở vùng đất Phú Thọ.
So với các hình thức nghệ thuật cổ truyền của VN, hát xoan hiện còn giữ được khá nhiều dấu tích âm nhạc và cũng là loại hình âm nhạc có tính chuyên nghiệp của người Việt. Theo khảo sát của Sở VHTTDL Phú Thọ đầu năm 2010, những điệu xoan cổ hiện chỉ được lưu giữ ở 4 phường xoan gốc ở  TP.Việt Trì.
Khảo sát cho thấy, toàn tỉnh còn 69 nghệ nhân hát xoan, trong đó 31 người có độ tuổi từ 80-104 và chỉ có 8 người có khả năng truyền dạy. Tổng số người tham gia các phường xoan hiện là 81, trong đó có 49 người biết hát xoan. Điều đáng lưu ý là  trong số 30 di tích – không gian diễn xướng của  điệu hát cửa đình này – chỉ có 13 di tích đã được bảo tồn, tôn tạo, còn 2 di tích đã xuống cấp, 15 di tích đã biến mất hoàn toàn.
Như vậy, cho đến nay, VN đã có 5 DSVHPVT được UNESCO công nhận, gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù của người Việt và hát xoan (ảnh). Trong đó, ca trù và hát xoan là hai di sản nằm trong danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp.
Theo Lao Động

 

Bình luận (0)