Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Hàu chết la liệt, bà con nông dân Bến Tre chết đứng

Tạp Chí Giáo Dục

Sau hơn một năm rưỡi đầu tư, chăm sóc, thời điểm này đáng lẽ người dân sẽ thu vào tiền tỉ thì bỗng hàu chết hàng loạt.

Hàu chết la liệt, bà con nông dân Bến Tre chết đứng 
Một nông dân bên đống hàu bị chết được vớt lên chất đống bến bờ – Ảnh: Mậu Trường

Hàng trăm nông dân xã Thừa Đức và Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre bỗng nhiên trắng tay, trong khi các cơ quan chức năng cũng rất bối rối vì đến thời điểm hàu chết trên 90% thì vẫn chưa rõ nguyên nhân, còn nông dân thì mường tượng nhận định: hàu chết là do nước nhiễm mặn quá cao.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, ấp Thừa Thạnh, xã Thừa Đức, cho biết mùa hàu năm nay gia đình anh nuôi khoảng 5 tấn nhưng tính đến thời điểm hiện nay đã bị chết trắng.

Chuyền những thùng vỏ hàu từ trên xuồng xuống bờ, anh Hoàng cay đắng nói: “Nếu hàu không chết, gia đình tôi có thể kiếm được hàng chục triệu đồng. Nhưng hiện giờ đến hàu con cũng chết hết. Coi như trắng tay rồi”.

Có nhiều hộ dân đầu tư hàu vụ đầu đã bị trắng tay, thiếu vốn để tái đầu tư. Bà Lê Thị Lung, xã Thừa Đức bị thiệt hại hàng chục tấn hàu thương phẩm, chua xót nói: “Hết thật rồi, hàu chết đột ngột, không kịp trở tay. Mất trắng hàng trăm triệu đồng rồi”.

Ông Nguyễn Văn Biền, cán bộ kinh tế kế hoạch  xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, cho biết chỉ tính riêng địa bàn xã có 150 hộ dân nuôi 66ha hàu, ước tính thiệt hại khoảng 47 tỉ đồng. Ông Biền cho biết: “Ngoài nguyên nhân nước nhiễm mặn, ô nhiễm nguồn nước, thời tiết nắng nóng ban ngày và nhiệt độ hạ thấp đột ngột vào ban đêm làm hàu chết hàng loạt. Ngành nông nghiệp đang lấy mẫu để kiểm tra và tìm nguyên nhân thiệt hại”.

Hàu chết la liệt, bà con nông dân Bến Tre chết đứng 
Trên một giá thể, hàu chết toàn bộ – Ảnh: Mậu Trường

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn La – trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bình Đại, cho biết theo thống kê sơ bộ từ các địa phương, hiện trên 80% trong tổng số 36ha hàu của nông dân Bình Đại bị mất trắng, ước tính thiệt hại hơn 20 tỉ đồng, con số này tiếp tục tăng vì thống kê chưa hết, diễn biến mặn còn phức tạp và hàu sẽ tiếp tục chết.

Vẫn theo ông La, nguyên nhân ban đầu hàu chết hàng loạt được xác định do môi trường nuôi hàu có độ mặn quá cao. Tại cửa sông Cống Bế – khu vực người dân nuôi hàu, độ mặn đo được từ 35%0 – 37%0, cao hơn khoảng 10%0 so với những năm trước, trong khi môi trường nước có độ mặn dưới 25%0 mới thích hợp cho con hàu phát triển.

Giải thích về con số thiệt hại có độ chênh này, theo ông La, là do địa phương thống kê cả hàu nhỏ nhưng tính theo giá hàu thương phẩm.

Ông Huỳnh Văn Cung – chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre (Sở Nông nghiệp Bến Tre), cho biết chi cục đã cử đoàn cán bộ xuống để khảo sát thu thập mẫu nước, hàu chết để về nghiên cứu.

Theo ông Cung, hàu sống nơi cửa sông, điều kiện sống lý tưởng là nguồn nước có độ mặn từ 15%0  – 25%, tuy nhiên chưa có tài liệu nào nói độ mặn trên 30%  hàu sẽ chết.

“Tuy chưa có kết luận chính thức nhưng có khả năng hàu chết vì nước nhiễm mặn quá cao”, ông Cung nói.                       

Hàu chết la liệt, bà con nông dân Bến Tre chết đứng 
Hàu chết chất đống bên bờ, nông dân thiệt hại ước tính hàng chục tỉ đồng – Ảnh: Mậu Trường
Hàu chết la liệt, bà con nông dân Bến Tre chết đứng 
Kể cả hàu thương phẩm lẫn hàu nhỏ đều chết, đến thời điểm hiện nay hơn 90% hàu của nông dân đã chết  – Ảnh: Mậu Trường
Hàu chết la liệt, bà con nông dân Bến Tre chết đứng 
Nông dân xót xa đổ vỏ hàu lên bờ – Ảnh: Mậu Trường
Hàu chết la liệt, bà con nông dân Bến Tre chết đứng 
Nông dân xót xa đổ vỏ hàu lên bờ – Ảnh: Mậu Trường
Hàu chết la liệt, bà con nông dân Bến Tre chết đứng 
Ông Nguyễn Văn Chánh, ngụ ấp Thừa Thạnh, bị thiệt hại 10 tấn hàu, tương đương 200 triệu đồng – Ảnh: Mậu Trường
 

MẬU TRƯỜNG – THANH TÚ (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)