Gần 2 năm người dân dọc bờ kênh Bảy Ngàn phải sống trong cảnh ô nhiễm trầm trọng từ 1 lò mổ gia súc tại khu dân cư thải ra. Nhiều đơn đã được gửi lên các cấp chính quyền và “câu trả lời” là chủ lò mổ rào đường không cho dân qua lại.
Chúng tôi tìm đến ấp Thị Tứ (xã Tân Hoà, huyện Châu Thành A) để “mục sở thị” lò mổ và hàng rào ngang đường mà người dân bức xúc phản ánh. Lò giết mổ này thuộc HTX Nông nghiệp Thắng Lợi do ông Trần Hồng Sơn làm chủ.
Bà Phạm Thị Hai, người dân sống gần đó bức xúc: Từ khi lò mổ này hoạt động đã làm cho khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khi làm vệ sinh lò, tất cả những chất thải như máu, phân heo… đều cho ra sông hoặc tuồn ra ngay con lộ trước lò mổ – là đường đi lại của hàng chục hộ dân.
Anh Nguyễn Minh Hoàng cho biết: Người dân ở đây tắm rửa chủ yếu bằng nước sông, từ khi lò mổ này hoạt động thì nhiều loại bệnh hình thành như ghẻ ngứa, viêm nhiễm. Khi bà con phản ánh thì bà Phạm Thị Tuyết Vân (vợ ông Sơn) đã thốt ra những lời lẽ thiếu văn hóa thậm chí chửi bới những ai lên chính quyền khiếu kiện về chuyện này.
Hơn 10 ngày nay, sự việc còn tệ hơn khi bà Vân đã rào ngang con đường dân sinh ngay phần đất nhà mình không cho dân đi và thay vào đó là bắt cây cầu khỉ ra ngoài sông để bà con qua lại.
Thầy Trần Quốc Bữu, giáo viên trường THCS Tân Hòa bức xúc: Từ khi bà Vân rào ngang đường thì việc đi dạy của tôi trở nên khó khăn. Phải mượn xuồng qua sông ngày 4 lượt đi về. Còn cây cầu khỉ thì lại gây khó khăn và nguy hiểm cho các em học sinh.
Đáng nói hơn khi bà Vân là Chi hội trưởng Phụ nữ ấp. Tiếp xúc với chúng tôi tại nhà, bà Vân vẫn thốt ra những lời lẽ không mấy thiện cảm và thách thức người dân đi kiện vì “có người nhà làm chức vụ cao ở trên tỉnh”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Tân Hoà cho biết: “Xã có nhận được phản ánh của người dân và chiều ngày 29/9 đã chỉ đạo ấp họp dân giải quyết”. Tuy nhiên ngày 3/10, thầy Bữu thông tin rằng buổi họp này bất thành, chờ họp lại. Còn bà Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, cho biết đã chỉ đạo UBND xã Tân Hòa kiểm tra xử lý nghiêm nếu quá thẩm quyền thì gửi hồ sơ lên huyện.
Về lò mổ gây ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Hiền Trung, Chi cục trưởng Thú y tỉnh Hậu Giang khẳng định: Cơ sở của ông Sơn xây không đúng quy định và chưa có giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thú y nhưng thời gian qua vẫn không thấy chính quyền địa phương “ kiến nghị” nên ngành thú y cũng rất khó xử lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi được biết, khu vực những người dân này đang sống thì gần như “4 không”: không điện, không đường lộ, không cầu đi lại và không nước sạch. Thầy Bữu cho biết: Trước đây không có nhưng hiện tại thì người dân đã phải tự mình bỏ tiền ra để làm đường, kéo điện tư nhân, làm cầu nhưng nước thì vẫn còn phải dùng nước sông.
Huỳnh Hải – Hương Uyên (dantri.com.vn)
Bình luận (0)