Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hậu Giang khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Tạp Chí Giáo Dục

Nghị quyết số 04 (NQ4) của HĐND tỉnh Hậu Giang về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015 – 2020 sẽ tiếp tục mở đường cho doanh nghiệp đến với nông dân.
Hậu Giang khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn - ảnh 1

 Những cánh đồng ở Hậu Giang đang mời gọi đầu tư – Ảnh: Quang Minh Nhật

 
Hỗ trợ nuôi trồng, giết mổ
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết theo NQ4, các dự án (DA) đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được hỗ trợ 2 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị). Trường hợp chưa có hạ tầng đến hàng rào DA, nhà đầu tư được hỗ trợ thêm 70% chi phí xây dựng nhưng không quá 5 tỉ đồng.
Lĩnh vực đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc, nhà đầu tư có DA chăn nuôi quy mô tập trung được hỗ trợ 3 tỉ đồng. Riêng DA chăn nuôi bò sữa cao sản mức hỗ trợ là 5 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và đồng cỏ. Trường hợp DA chăn nuôi gia súc chưa có hạ tầng đến hàng rào DA thì được hỗ trợ thêm 70% chi phí xây dựng nhưng không quá 5 tỉ đồng. Đối với cơ sở chăn nuôi có nhập giống gốc cao sản thuộc danh mục do Bộ NN-PTNT ban hành thì được hỗ trợ 40% chi phí nhập giống gốc.
Riêng lĩnh vực trồng cây dược liệu, nếu nhà đầu tư có DA quy mô từ 50 ha trở lên được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Các DA đầu tư trồng cây dược liệu được hưởng hỗ trợ phải nằm trong quy hoạch được duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải sử dụng ít nhất 30% lao động địa phương.
Khuyến khích đầu tư bảo quản, chế biến nông thủy sản
Cũng theo ông Trương Cảnh Tuyên, ở lĩnh vực đầu tư cơ sở sấy lúa, bắp, khoai và sấy phụ phẩm thủy sản theo phương pháp ướt, nhà đầu tư được hỗ trợ 2 tỉ đồng/DA để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Hậu Giang khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn - ảnh 2
Bưởi Hậu Giang rất cần được bảo quản, đóng gói căn cơ – Ảnh: Quang Minh Nhật
Lĩnh vực đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến (nông lâm thủy sản), nhà đầu tư được hỗ trợ 60% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng tổng mức không vượt 5 tỉ đồng/DA. Trường hợp DA chưa có hạ tầng đến hàng rào DA thì nhà đầu tư được hỗ trợ thêm 70% chi phí xây dựng nhưng không vượt 5 tỉ đồng/DA. NQ4 chấp thuận hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm 1 lần cho thời hạn 5 năm ngay khi DA hoàn thành, mức hỗ trợ 1.500 đồng/tấn/km theo công suất thực tế của nhà máy, được tính từ địa điểm đặt nhà máy hoặc cơ sở bảo quản, chế biến đến TP.Vị Thanh (trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang) theo đường ô tô gần nhất. NQ4 cũng cho phép hỗ trợ 70% chi phí xử lý chất thải cho các DA nhà máy chế biến nông lâm thủy sản đã đầu tư…
Theo ông Đinh Văn Chung, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư theo NQ4 bao gồm ngân sách T.Ư hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương; vốn lồng ghép từ các chương trình DA và ngân sách tỉnh. Ngân sách T.Ư thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT.
“Hằng năm, ngân sách tỉnh sẽ cân đối từ 2 – 5% nguồn chi cho đầu tư xây dựng cơ bản để hỗ trợ các DA thực hiện theo NQ4”, ông Chung thông tin.
Trao đổi với Thanh Niên, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết NQ4 áp dụng cơ chế hỗ trợ đầu tư như sau: Ngân sách T.Ư hỗ trợ cho DA có mức hỗ trợ trên 2 tỉ đồng. Ngân sách tỉnh hỗ trợ DA còn lại (từ 2 tỉ đồng trở xuống) gồm cả những DA lớn hơn 2 tỉ đồng nhưng không thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ từ ngân sách T.Ư. Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ DA sau đầu tư. Khi hạng mục đầu tư, gói thầu của DA hoàn thành thì được giải ngân 70%, nguồn kinh phí còn lại sẽ giải ngân đủ khi DA được nghiệm thu…

Quang Minh Nhật (TNO)

Bình luận (0)