Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hậu Giang: Kỳ tích của sự phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Từ một tỉnh nhỏ khó khăn nhất đồng bằng sông Cửu Long, sau 20 năm thành lập, Hậu Giang đã luôn  phấn đấu vượt khó và hiện là đơn vị xếp thứ hai cả nước về tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).


Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng những thành quả KT-XH của Hậu Giang

Tối 1-1-2024, tại Quảng trường Hòa Bình (TP.Vị Thanh), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh  (1-1-2004/ 1-1-2024). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương.


Các đại biểu dự lễ

… Ngày 26-11-2003, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, theo đó, tỉnh Hậu Giang được thành lập trên cơ sở chia tách tỉnh Cần Thơ thành TP. Cần Thơ trực thuộc Trung ương  và tỉnh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2004.

20 năm qua, với phương  thức lãnh đạo “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”, Hậu Giang đã đạt nhiều thành quả ấn tượng, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục tăng. Đặc biệt giai đoạn 2021 – 2023 đã tăng cao hơn khu vực và cả nước, cụ thể: Năm 2021 tỉnh đã vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19, tăng  hơn 0,72% so với bình quân của cả nước. Năm 2022 đứng thứ tư cả nước (tăng hơn 30 bậc so với năm 2021).  Năm 2023 vươn lên xếp thứ 2 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 80,33 triệu đồng, tăng hơn 13 lần so với năm 2004.


Đồng chí Nghiêm Xuân Thành – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang phát biểu

Quy mô kinh tế tăng hơn 10 lần so với năm 2004; số doanh nghiệp hoạt động tăng hơn 7 lần; thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước và vượt chỉ tiêu trung ương giao hàng năm; đặc biệt là giai đoạn 2021 – 2023 bình quân mỗi năm thu tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với dự toán giao. Hậu Giang rất  quan  tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Đồng thời quan tâm  phát triển văn hóa – xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế. Đến nay có 78% xã được công nhận nông thôn mới, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân… Vừa qua, quy hoạch tỉnh Hậu Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo hành lang vững chắc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển tỉnh  trong giai đoạn mới…


Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đọc diễn văn Kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh nêu quyết tâm: “Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà các nghị quyết của Trung ương đã đề ra, trong đó có Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”,  và sớm hiện thực hóa quy hoạch tỉnh vừa được phê duyệt. Toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hậu Giang sẽ nỗ lực hết sức, nâng cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần trách nhiệm, tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện  đạt mục tiêu đến năm 2030 phát triển tỉnh Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng ĐBSCL, đến năm 2050 trở thành tỉnh khá của cả nước”.


Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã đạt được, và nhớ lại: Khi  mới thành lập, Hậu Giang phải đối mặt với nhiều khó khăn như đội ngũ cán bộ thiếu và yếu, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội (KT-XH) sơ khai, không có trụ sở làm việc… Khi đó, Hậu Giang là tỉnh thuần nông, địa bàn phần lớn nằm ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cần Thơ trước đó, xuất phát điểm KT-XH rất thấp,  quy mô kinh tế nhỏ, thu ngân sách nhà nước  không đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo cao…

Với sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Trung ương, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội, và kế thừa truyền thống cùng những nền tảng quan trọng đã đạt được qua các thời kỳ, Hậu Giang đã phát triển bứt phá, đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số phản ánh chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân được nâng lên qua từng năm… “Về Hậu Giang hôm nay, chúng ta vô cùng vui mừng, phấn khởi, tự hào trước sự đổi thay từng ngày trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng này…” – Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.


Chương trình nghệ thuật với chủ đề  "Hậu Giang – Khát vọng tỏa sáng"

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước ân cần lưu ý: Hậu Giang đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh có nhiều thuận lợi  nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế tuy tăng trưởng cao nhưng quy mô nền kinh tế còn nhỏ; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với trong vùng và cả nước; nguồn nhân lực và hạ tầng giao thông, công nghiệp, liên kết vùng còn hạn chế…

Theo Chủ tịch nước:  Hậu Giang đang trong thời kỳ vàng hội tụ điều kiện về tiềm năng; giáp ranh với TP.Cần Thơ, có vị trí chiến lược quan trọng của vùng Tây Nam bộ; vì thế cần tận dụng, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh miền sông nước, lợi thế của địa phương đi sau, phấn đấu phát triển nhanh và bền vững, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển, lớn mạnh của ĐBSCL và đất nước. Trong đó tiếp tục tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân.

Tích cực thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Đối với nông nghiệp: Tập  trung sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đột phá trong bảo quản và chế biến nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường. Đầu tư, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch sinh thái. Quan tâm công tác  chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo để tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh… Quan  tâm tạo  sinh kế, các dịch vụ xã hội cơ bản cho đồng bào vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số. Chú  trọng giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh an sinh xã hội,  thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn…

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng nhất tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang, đã có thành tích xuất sắc trong phát triển KT-XH, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)