Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hậu Giang với nỗ lực “Đổi mới – Đột phá – Quyết tâm – Khát vọng”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 12-12-2023, hơn 300 đại biểu đã dự Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.


Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ  tại hội nghị

Đến chia vui với Hậu Giang (HG) có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành TW; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các tổ chức quốc tế; cùng nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) trong cả nước.

Tại hội nghị, ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL, có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hậu Giang phấn đấu là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 150 triệu đồng/năm. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 14%; khu vực công nghiệp – xây dựng khoảng 40%; khu vực dịch vụ khoảng 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8%.


Quý đại biểu dự hội nghị

Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH); quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội bảo đảm…


Ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang công bố  Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Hậu Giang

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ: "Hậu Giang đã có quy hoạch rồi thì quyết tâm bám trụ làm có hiệu quả. Trong đó điểm lớn  nhất của quy hoạch là tính định hướng, biết làm gì và kiểm soát mọi việc đúng định hướng đặt ra. Cho nên, hai từ đầu tiên chúng tôi mong muốn là phải “tuân thủ”. Tuy nhiên, nói chuyện ngày nay đã khó, nói chuyện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 lại càng khó. Cho nên Hậu Giang cần phải “linh hoạt”. Chúng ta máy móc không làm được gì. Ngoài ra phải “đồng bộ” với nhau để đủ điều kiện làm. Đồng thời, phải quảng bá để nhân dân hiểu được quy hoạch để mọi người hiểu và cùng chung tay góp sức làm… Hậu Giang cần liên kết vùng, chủ động kết nối với các tỉnh, thành, trung ương. Đã có nền tảng quy hoạch thì thực hiện liên kết vùng rất dễ. Quy hoạch cho phép và khuyến khích chúng ta làm nên điều này… Chúng tôi mong  Hậu Giang khai thác yếu tố văn hoá như: Con người, truyền thống, tính cách và vị thế… Người Hậu Giang nổi bật là sự chân tình, ấm áp, hào sảng; và người  Nam bộ làm hết sức, chơi hết mình… Đây là yếu  tố văn hóa có giá trị lớn  nhất cho động lực tăng trưởng.”


Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành tiếp thu các ý kiến chỉ đạo và khái quát  biện pháp để hoàn thành các mục tiêu quy hoạch

Phó Thủ tướng ân cần chỉ ra: “Trở lại Hậu Giang lần này, tôi rất ngưỡng mộ trước những thay đổi,  với tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 cả nước, và thu ngân sách rất tốt của Hậu Giang. Tôi xin biểu dương thành quả của Hậu Giang. Bên cạnh đó, Hậu Giang có nhiều cơ hội phát triển, như:  Cơ sở hạ tầng giao thông đang được đầu tư hoàn thiện, đặc biệt hai đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ và Cần Thơ – Cà Mau gặp nhau tại Hậu Giang. Đường đi đến đâu thì giàu có đi đến đó. Hậu Giang có đội ngũ cán bộ tiếp nối được truyền thống của bậc cha anh đi trước, và điều kiện thiên thời nữa là nông sản, nhất là lúa gạo, đang là thế mạnh, đó là những lợi thế cực lớn của ĐBSCL và Hậu Giang, tôi tin tưởng Hậu Giang sẽ tiếp tục có sự bức phá mới… Tuy nhiên, tỉnh cũng đối mặt nhiều khó khăn; trong đó do hành lang pháp lý chưa ổn, có những qui định chống chéo, chưa thật sự cởi trói cho chúng ta; thu ngân sách chưa cân đổi. Gánh chịu BĐKH, trong đó  xâm nhập mặn là tác động lớn nhất. Khả năng sụt giảm lượng nước về đồng bằng rất lớn, làm mất phù sa, nguồn thủy sản và vựa lúa ở đây bị ảnh hưởng… Đối với việc khó, để khắc phục, Hậu Giang phải có cách tiếp cận mới, có biện pháp đột phá, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành lân cận và đề xuất chính sách với trung ương để thực hiện hiệu quả. Trong hành động, Người đứng đầu phải làm gương quan tâm công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, không phải là  bằng cấp mà là tài đức, là cách làm hiệu  quả – vì dân vì nước… Tôi xin hứa sẽ cùng các đồng chí đồng hành để giải quyết những vấn đề của địa phương”.


Lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, và Thường trực Tỉnh ủy cùng các tập đoàn, DN được nhận giấy chứng nhận tham gia đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, phát biểu tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng,  Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành  trình bày các biện pháp cơ bản để đạt các mục tiêu của quy hoạch, trong đó mỗi cán bộ, công chức, viên chức của Hậu Giang tiếp tục quyết tâm giữ vững phương châm hành động với chủ đề: “Đổi mới – đột phá – quyết tâm – khát vọng” với nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất. Thực hiện đồng bộ các giá trị cốt lõi của quy hoạch tỉnh, đó là: Phát triển bền vững trên 3 trụ cột kinh tế – xã hội – môi trường; lấy  yếu tố tố  con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy thích ứng với BĐKH làm cách thức phát triển. Hành động “thuận thiên” trên cơ sở chủ động thích ứng, kiểm soát… Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nông nghiệp là trụ đỡ, công nghiệp là trụ cột phát triển; thương mại dịch vụ là động lực tăng trưởng, tạo việc làm và  nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhấn mạnh: “Tỉnh sẽ phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển.  Phát triển hạ tầng phải đi trước một bước để tạo nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững. Ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng như giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ. Quyết tâm  đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện rõ nét chất lượng môi  trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường chuyển đổi số; kiến tạo phát triển và đồng hành với người dân, DN. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết với phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ; để đáp ứng cho phát triển KT-XH và các dự án, ngành nghề trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Đặc biệt, Hậu Giang sẽ đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL, kết nối với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Biến tiềm lực thành nguồn lực, thành của cải vật chất, biến khát vọng thành hiện thực, góp phần đưa Hậu Giang ngày càng phát triển; đời sống tinh thần và vật chất của người dân ngày càng nâng lên”.

Dịp này, Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã trao giấy chứng nhận; chủ trương đầu tư cho 12 dự án; tổng trị giá 19.000 tỷ đồng; ký kết 8 bản ghi nhớ đầu tư với tổng giá trị 220.000 tỷ đồng và 2 biên bản ghi nhớ hợp tác.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)