Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hầu hết sinh viên mất căn bản tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Chương trình tiếng Anh tăng cường cũng đã có mặt trong các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, nhiều sinh viên cho rằng với cách dạy và học như hiện nay, thì dù “tăng cường” đến mấy cũng khó cải thiện trình độ.

Sinh viên trong một giờ học tiếng Anh không chuyên – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Gặp khó khăn đáp ứng chuẩn đầu ra
Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020” quy định sinh viên (SV) tốt nghiệp phải đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3 đối với ĐH, CĐ không chuyên ngữ, bậc 4 đối với CĐ chuyên ngữ và bậc 5 đối với ĐH chuyên ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho VN. Chính vì hiện nay năng lực ngoại ngữ đầu vào của SV khác nhau và chưa đạt chuẩn nên Bộ yêu cầu các trường phải triển khai hình thức dạy học ngoại ngữ tăng cường (không bắt buộc) để hỗ trợ chương trình chính khóa, nhằm đảm bảo chuẩn đầu ra.
Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, năm học 2014 – 2015 có đến 1.089 SV (chiếm gần 30% SV khóa mới) phải bổ sung kiến thức tiếng Anh mới đủ điều kiện để đăng ký học chương trình chính khóa. Do đó, trường mở các lớp tiếng Anh tăng cường để những SV chưa đủ điều kiện đăng ký học. Chương trình tiếng Anh tăng cường cũng áp dụng cho SV khóa 2013 của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, đã hoàn thành 2 học phần trong chương trình chính khóa.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng đang xây dựng chương trình tiếng Anh tăng cường gồm 8 học phần, bắt đầu triển khai vào tháng 1.2015 với hy vọng SV sẽ cải thiện tiếng Anh. SV đăng ký học trong 2 năm đầu theo hình thức đăng ký tín chỉ nhưng không tính vào điểm tích lũy.
Trên thực tế, SV yếu ngoại ngữ chiếm số lượng khá đông. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết: “Với khối chuyên ngữ hoặc những ngành nghề thi khối D thì đỡ hơn một chút. Đối với khối không chuyên, thì ngoại ngữ của hầu hết SV đều rất tệ. Đặc biệt là các em đến từ nông thôn, không có điều kiện học ngoại ngữ và cũng không có định hướng ngoại ngữ là môn quan trọng”.
Theo thạc sĩ Sơn, có đến 70% SV không đạt sau khi học xong chương trình Anh văn chính khóa nên việc đáp ứng chuẩn đầu ra bậc 3 (tương đương TOEIC 450) là rất khó khăn. Phần lớn SV đều phải đi học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ mới có thể đáp ứng chuẩn đầu ra.
Thay đổi cách dạy, học
Lâu nay, chương trình tiếng Anh chính khóa tại nhiều trường được đánh giá là chưa thu hút được SV do cách dạy cổ điển, nặng về ngữ pháp, không tạo được môi trường để SV được thực hành.
Mặc dù chương trình chính khóa chỉ dạy kiến thức căn bản nhưng nhiều SV không thể vượt qua, phải học lại. V.H.T, ngành sư phạm chính trị Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tâm sự: “Nhiều bạn rất sợ học tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng nghe và nói vì không đủ tự tin. Chương trình chính khóa cũng chủ yếu dạy ngữ pháp, đọc viết, chứ nghe nói không thường xuyên. Đến khi thi hết học phần, tụi em cũng chỉ thi viết. Trong khi với những ngành không chuyên ngữ, thì doanh nghiệp chủ yếu yêu cầu giao tiếp chứ đọc viết không cần nhiều”. Chính vì vậy, T. cho rằng nếu chương trình tiếng Anh tăng cường không được xây dựng theo hướng tạo môi trường để SV có cơ hội thực hành, thuyết trình, trao đổi, giao tiếp thì rất khó mang lại hiệu quả.
Trong khi đó, các trung tâm ngoại ngữ tổ chức các lớp học ít người, đứng lớp là giáo viên bản địa có phương pháp gần gũi, năng động, hiện đại. “Học tại đây, tụi em được giáo viên bản ngữ dạy, giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh, có nhiều buổi thuyết trình, học nhóm… nên cũng có nhiều tiến bộ. Nếu trường cũng mở các lớp học với điều kiện học tập tốt như thế, thì chắc chắn SV sẽ theo học, vì chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, nếu chi phí thấp mà chương trình học, cách dạy vẫn không thay đổi, thì trình độ tiếng Anh của SV cũng sẽ không được cải thiện bao nhiêu, và tụi em vẫn phải tìm ra ngoài học”, Bá Thịnh, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng các trường cần tổ chức các lớp học tăng cường thật năng động, tập trung vào kỹ năng giao tiếp, tạo môi trường để SV được thực hành, được nghe, nói thường xuyên. Ít nhất phải có 1/3 giáo viên bản ngữ và mỗi lớp chỉ tối đa 30 SV. Như vậy thì mới hiệu quả và không mang tính làm cho có. Cùng quan điểm, thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, khẳng định: “Phải xây dựng chương trình phù hợp với năng lực, phù hợp với nhu cầu của từng vị trí công việc, thay đổi cách dạy, cách học thì chương trình tăng cường tiếng Anh tại trường ĐH mới có chất lượng”.
Phải đào tạo tiếng Anh đạt chuẩn từ trường sư phạm
UBND TP.HCM vừa có báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 năm 2014. Theo đó, việc thực hiện đề án còn gặp nhiều khó khăn, như: phần lớn giáo viên dạy tiếng Anh đề án mới được tuyển dụng nên chưa có nhiều kinh nghiệm; quy định về số tiết nghĩa vụ đối với giáo viên tiếng Anh đề án chưa thực sự rõ ràng, gây thiệt thòi cho giáo viên…
UBND TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét và sớm ban hành chương trình, chuẩn kiến thức cụ thể cần đạt cho từng cấp học, cho phép các địa phương chủ động lựa chọn, sử dụng tài liệu dạy học; có chế độ, chính sách cho giáo viên giảng dạy tiếng Anh đạt chuẩn, giáo viên giảng dạy tiếng Anh đề án; tăng biên chế giáo viên tiếng Anh; chỉ đạo các trường ĐH sư phạm đào tạo giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn theo quy định của đề án, tránh trường hợp lãng phí ngân sách nhà nước khi phải đào tạo cho lực lượng giáo viên đã tốt nghiệp ĐH sư phạm mà chưa đạt chuẩn, nên có thêm mã ngành đào tạo tiếng Anh cho tiểu học…
Đình Phú – Minh Luân
Mỹ Quyên (TNO)


Bình luận (0)