Đồng tình hậu kiểm đối với phim phổ biến trên mạng song nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải có những quy định chặt chẽ để thực hiện việc kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa tác động tiêu cực của hành vi vi phạm.
Phải quy định chặt chẽ
Chiều 25.5, tiếp tục kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số vấn đề còn có những ý kiến khác nhau của luật Điện ảnh sửa đổi. Báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật Điện ảnh sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết về vấn đề phổ biến phim trên mạng, Ủy ban Thường vụ thống nhất quy định tự phân loại.
Theo ông Vinh, đây là phương án đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động phù hợp với thực tế nước ta, là xu hướng chung trên thế giới. “Trên thực tế, khi chưa thực hiện thẩm định cấp phép phân loại phim, rất khó xác định phim có yếu tố về chính trị, quốc phòng, an ninh trước khi phổ biến trên không gian mạng”, ông Vinh cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉnh lý theo hướng quy định chủ thể phổ biến phim trên mạng là cơ sở điện ảnh thay vì tổ chức, cá nhân; cơ sở phổ biến phim trên không gian mạng phải thực hiện tự phân loại phim trước khi phổ biến, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả tự phân loại phim hoặc đề nghị Bộ VH-TT-DL phân loại; hay quy định đơn vị phát hành phim phải triển khai các giải pháp kỹ thuật, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gỡ bỏ, ngăn chặn phim vi phạm…
Bên cạnh đó, luật cũng quy định Bộ VH-TT-DL tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện việc kiểm tra nội dung phim, việc tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm…
Bố già, một bộ phim do nghệ sĩ Trấn Thành sản xuất thu hút đông đảo người xem khi phát hành trên YouTube. Ảnh cắt từ phim.
Thảo luận sau đó, nhiều đại biểu (ĐB) đồng tình với quy định hậu kiểm đối với phim phát hành trên mạng. “Đối với một xã hội số, một không gian mạng mênh mông, không biên giới như hiện nay, tôi nghĩ quy định tiền kiểm là bất khả thi và không phù hợp với thông lệ quốc tế”, ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) nêu quan điểm.
Cũng đồng tình để đơn vị phổ biến phim tự phân loại, song ĐB Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) đề nghị phải quy định chặt chẽ đối với hình thức phổ biến phim này, tránh những tác động tiêu cực. ĐB Hà cũng đề nghị bổ sung cụ thể quy định về thời hạn để đơn vị phổ biến phim thực hiện yêu cầu gỡ phim theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước khi có vi phạm.
Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng và ĐB Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang). GIA HÂN
Khó an tâm với Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
Vấn đề Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng được nhiều ĐB quan tâm khi báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Bộ VH-TT-DL đề nghị tiếp tục quy định về quỹ này trong dự thảo. Nhiều ĐB không đồng tình với đề xuất này.
ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho biết, tại kỳ họp thứ 2, khi cho ý kiến lần đầu về dự thảo này, rất nhiều ĐB đã đề nghị không đưa quy định về quỹ này vào dự luật với những căn cứ xác đáng song vẫn chưa được giải trình, làm rõ và tiếp thu. “Báo cáo giải trình, tiếp thu cho thấy cơ quan soạn thảo đã lấy kinh nghiệm của quốc tế trong việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, tuy nhiên, tài liệu cung cấp thông tin của Thư viện Quốc hội cho thấy những năm gần đây các quốc gia trên thế giới rất ít và hạn chế thành lập, phát triển Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh”.
Tương tự, ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cũng đề nghị cân nhắc khi lập quỹ này. ĐB Nhi cho rằng, luật Điện ảnh từ năm 2006 đã quy định về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng 16 năm qua quỹ vẫn chưa được thành lập do không bảo đảm được nguồn thu. Trong khi đó, dự thảo trình Quốc hội lần này vẫn chung chung, không xác định rõ nguồn thu của quỹ này. ĐB Trần Văn Tiến cũng đề nghị làm rõ lý do tại sao đến nay quỹ chưa được thành lập.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) không đồng tình với quy định trích 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình đóng góp cho Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tại nghị định kèm theo luật.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, dù luật Điện ảnh từ năm 2006 đã quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng do khó khăn về nguồn thu, cơ chế quản lý quỹ cũng chưa rõ nên chưa thành lập được. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hùng cho biết, tham khảo thông lệ quốc tế các nước thì thấy các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Mỹ, Nga đều hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. “Vậy nếu chúng ta không có, chúng ta thấy đang khó khăn mà không hỗ trợ thì làm sao để có sự phát triển?”, ông Hùng nói và đề nghị có được sự ủng hộ của các đại biểu để ngành điện ảnh phát triển.
Yêu cầu cung cấp kịch bản chi tiết bằng tiếng Việt khi quay phim tại Việt Nam Về vấn đề cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay, do đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 phương án. Phương án thứ nhất, yêu cầu nhà sản xuất phim khi quay tại Việt Nam phải cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Phương án hai, yêu cầu cung cấp kịch bản phim bằng tiếng Việt. Thảo luận sau đó, nhiều ĐB lựa chọn phương án hai là yêu cầu nhà làm phim khi quay tại Việt Nam phải cung cấp kịch bản phim bằng tiếng Việt. ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho rằng, việc thẩm định kịch bản phim với nội dung đầy đủ mới đảm bảo các yêu cầu về chính trị, quốc phòng và an ninh. Đây cũng là kinh nghiệm của một số quốc gia trong thẩm định kịch bản phim. |
Theo Lê Hiệp/TNO
Bình luận (0)