Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hậu quả của việc xâm hại trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ bị xâm hại sẽ tỏ ra tự ti, thụ động (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: D.T
Xâm hại trẻ em là hệ thống những hành động tương tác sâu sắc đến hầu hết mọi mặt đời sống của trẻ. Chúng ta có thể thấy được điều này khi xem xét một số hậu quả thường xảy ra cho trẻ mà chúng tôi liệt kê dưới đây, từ đó thấy nhu cầu bức xúc phải có sự cộng tác của cả cộng đồng trong việc ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng xâm hại trẻ em trong xã hội.
Về mặt thể chất
Những đứa trẻ bị xâm hại không chỉ mang những vết sẹo trên cơ thể suốt đời, mà còn phải chịu đựng những hậu quả không trực tiếp liên quan đến vết thương trên da thịt. Hậu quả thường thấy nhất về mặt thể chất của trẻ là tình trạng chậm phát triển, ví dụ như trong khả năng vận động, năng lực xã hội, khả năng nhận thức, thể hiện ngôn ngữ… Đó là do sức lực của trẻ bị dồn hết vào việc tự bảo vệ bản thân và không còn đủ để phát triển các kỹ năng phù hợp với lứa tuổi khác nữa.
Về mặt hành vi
Theo nghiên cứu, có hai hậu quả cơ bản liên quan đến hành vi ở trẻ em nhằm đối phó với việc bị xâm hại. Loại thứ nhất, trẻ trở nên quá lệ thuộc. Cụ thể trẻ trở thành thụ động, tránh né mọi khả năng phải đối đầu, hoàn toàn phục tùng lời của người khác, lựa chọn thái độ quá cẩn trọng trong mọi việc, luôn tỏ ra cần sự bảo vệ để tránh mọi rắc rối và cố gắng làm vui lòng người lớn. Những đứa trẻ như vậy có xu hướng rất nhạy cảm với những lời phê bình và mọi sự từ chối của người khác. Trẻ thường thiếu tính tự nhiên, chủ động, không giao tiếp bằng mắt với xung quanh, có vẻ quá thẹn thùng, không tò mò về môi trường xung quanh mình. Bên cạnh đó, trẻ không bao giờ muốn mình gây ra sự chú ý, với trẻ, ngược lại được coi là sự xâm hại. Loại thứ hai, trẻ trở nên rất hiếu chiến và bùng phát ra hành vi bên ngoài. Cụ thể, rất nhiều trẻ em sau khi bị xâm hại trở nên tiêu cực, hung hăng và vô cùng nghịch ngợm phá phách. Sự hiếu chiến là một cách để trẻ bộc lộ ra bên ngoài sự tổn thương tâm lý của mình. Những đứa trẻ như vậy thể hiện sự yếu kém trong khả năng tập trung (chỉ có thể tập trung trong một thời gian rất ngắn) nên khó khăn trong việc tiếp thu bài… Những điều này khiến trẻ gặp khó khăn trong việc xây dựng quan hệ tốt đẹp với bạn bè cùng trang lứa và do vậy càng làm trẻ tự ti, tự hạ thấp giá trị bản thân. Quan hệ của trẻ với bạn bè cùng trang lứa không tốt vì trẻ có xu hướng trở thành kẻ bắt nạt bạn và bị bạn bè tẩy chay, do vậy càng thúc đẩy thêm xu hướng hành vi bất thường ở trẻ.
Bên cạnh đó, trẻ có các hành vi tự làm tổn thương bản thân: Trẻ bị xâm hại thể hiện rất nhiều hành vi tự hủy hoại bản thân khác nhau, từ tự gây ra tai nạn, cố tình để bị đau hay ốm, đến việc có hành vi cố gắng tự sát. Đây là một cách để trẻ thoát khỏi cảm giác tồi tệ về bản thân.
Về mặt tâm lý
Thứ nhất, trẻ không tin tưởng vào bản thân, vào người khác và vào môi trường xung quanh. Điều này dẫn đến tâm lý chỉ làm những gì nếu thấy sẽ được đền đáp, mất khả năng chia sẻ cảm xúc của mình với người khác, muốn lợi dụng và điều khiển người khác, nghi ngờ hay không tin tưởng vào xung quanh. Thứ hai, trẻ thiếu lòng tự trọng về bản thân do mặc nhiên coi việc mình bị xâm hại là do lỗi của mình, do mình không tốt. Điều này thường dẫn đến việc trẻ nhỏ có tính tự kỷ rất cao, nhìn nhận bản thân mình và mọi người đều xấu. Trẻ thường buồn rầu, chán nản, và tự đổ lỗi cho bản thân, rằng mình đáng khinh như những gì cha mẹ đã đối xử với trẻ. Thứ ba, trẻ cảm thấy bị tách biệt và mất mát đi kèm với những lo lắng căng thẳng do mất lòng tin, không được đáp ứng các nhu cầu được dựa dẫm, không còn yêu quý và tôn trọng bản thân, đã trải qua sự chia ly, mất mát và cảm giác bị cha mẹ bỏ rơi nhiều lần; cho rằng thông điệp mà kẻ xâm hại muốn gửi đến mình là người đó không thích vì mình thật tồi tệ, và muốn vứt bỏ vì những điều tốt, do vậy mỗi khi phải chia xa ai hay cái gì, trẻ đón nhận sự việc như đó là kết quả của sự xấu xa của mình, và rằng mọi lời đe dọa của cha mẹ đang trở thành sự thật…
Những hậu quả nói trên của xâm hại trẻ em khác nhau ở mỗi nạn nhân, tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi, thời gian và mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm hại cũng như khả năng chống cự của đứa trẻ. Khi cân nhắc tất cả các yếu tố có thể là hậu quả của xâm hại trẻ em như đã nói ở trên, chúng ta có thể thấy mức độ bức thiết phải hành động để ngăn chặn tình trạng này. Cần phải xử lý nghiêm theo luật pháp đối với những người lớn có hành vi xâm hại trẻ em.
Lê Phạm Phương Lan (Giảng viên tâm lý học, Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Những đứa trẻ bị xâm hại không chỉ mang những vết sẹo trên cơ thể suốt đời, mà còn phải chịu đựng những hậu quả không trực tiếp liên quan đến vết thương trên da thịt.
 

Bình luận (0)