Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hậu quả khó lường từ việc ồ ạt trồng mới hồ tiêu ở Gia Lai

Tạp Chí Giáo Dục

Hai năm trở lại đây giá hồ tiêu trên thị trường không ngừng tăng và luôn đạt ở mức cao, dao động trên dưới 120 ngàn đồng/kg khiến nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đua nhau mở rộng diện tích trồng tiêu, thậm chí còn chặt phá luôn cả các loại cây trồng chủ lực một thời như cà phê, bời lời… để trồng tiêu, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.
Theo số liệu từ Chi cục thống kê Gia Lai, diện tích hồ tiêu của tỉnh đang tăng chóng mặt. Từ gần 4.000 ha vào năm 2007, đến năm 2011, con số này đã tăng lên hơn 7.300 ha. Và theo những thông tin chưa chính thức, diện tích trên còn có thể tăng thêm khoảng 500-700 ha trong năm nay. Ngoài huyện Chư Sê, Chư Pưh là 2 địa bàn trọng điểm giữ vị thế đứng đầu tỉnh về diện tích và sản lượng hồ tiêu với trên dưới 4.000ha, nhiều địa phương khác như Đắk Đoa, Chưpăh, Đức Cơ, Chư Prông…nông dân vẫn đang ồ ạt đua nhau trồng mới hồ tiêu.

Người dân ở Đắc Lắc, Gia Lai… lao vào trồng mới nhằm tăng diện tích cây tiêu, bất chấp những hệ lụy có thể xảy ra. Nguồn: daklak24h.com.vn

Giá hồ tiêu thời điểm này khá cao trên dưới 120 ngàn đồng/kg khiến giấc mộng của nhiều nhà nông, thậm chí nhà nông tay ngang là các cán bộ, công chức cũng đua nhau tìm mua đất để trồng tiêu. Nhiều diện tích cà phê già cỗi bị triệt hạ để trồng tiêu là điều dễ hiểu, thế nhưng ngay cả cà phê tươi tốt đang trong thời kỳ kinh doanh (chưa được 10 năm) cũng bị người dân đốn chặt không thương tiếc để trồng tiêu. Anh Nguyễn Tư, thôn Phú Lộc, xã IaLe, huyện Chưpưh cho biết: Cà phê đòi hỏi công đầu tư cao, chăm sóc vất vả và giá lại bấp bênh thường xuyên xuống thấp nên tôi quyết định chặt bỏ để trồng tiêu hy vọng sẽ có thu nhập cao cho gia đình.
Trước phong trào trồng tiêu ồ ạt của nhân dân trong vùng, anh Trịnh Quang Phương, xã Yang Nam, huyện Đăk Đoa mặc dù chưa từng trồng tiêu ngày nào nhưng cũng xuống hơn trăm trụ tiêu trên diện tích đất chỉ vài trăm mét vuông của gia đình, mà nguyên diện tích đất này trước đây là đất thổ cư. Anh Phương cho biết thêm: Thời gian qua do thấy tiêu được giá lại cho thu nhập cao và ổn định nên tôi mới quyết tâm trồng tiêu vụ đầu tiên. Tôi tự mình đúc trụ nên giảm được chi phí ban đầu. Hy vọng thời gian tới gia đình sẽ có thêm một khoản thu nhập kha khá.
Chỉ tính riêng niên vụ này, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa có đến 70ha hồ tiêu được trồng mới. Hiện 1ha đất để trồng hồ tiêu ở vị trí thuận lợi có giá chừng 300 triệu đồng. Một dây tiêu giống tăng từ 18 ngàn đồng lên khoảng 25 ngàn; trụ tiêu bằng bê tông tăng từ 90 ngàn đồng/trụ (năm 2011) lên 120 ngàn đồng. Thậm chí, trụ tiêu bằng gỗ cà chít cũng tăng trên 50 ngàn, lên hơn 200 ngàn đồng/trụ. Với mỗi ha đất, nông dân phải đầu tư trong khoảng 400-500 triệu đồng để trồng hồ tiêu.
Tiêu là loại cây kén chọn đất và khá nhạy cảm với thời tiết khí hậu, vì vậy nếu trồng không đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc không tốt thì cây rất dễ bị bệnh và chết hàng loạt. Thực tế niên vụ vừa qua cho thấy, toàn tỉnh Gia Lai có trên 300 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, nhiều vườn tiêu chết hàng loạt khiến không ít nông dân từ giấc mộng tỷ phú trở thành con nợ. Một trong những nguyên nhân chính khiến nông dân đổ nợ là thiếu kỹ thuật canh tác, giống không chọn lọc, thổ nhưỡng không phù hợp, thời tiết thất thường…
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê cho biết: Qua khảo sát, hiện nay bà con trên địa bàn tỉnh đang tập trung phát triển tiêu quá mức. Điều này dẫn đến sản lượng tăng đột biến từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cả. Có một thực tế là bà con đổ xô trồng mới tiêu bằng mọi cách, mọi kiểu và mọi giá trong khi kiến thức chưa vững, thậm chí có người còn mới trồng tiêu lần đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm chăm sóc cũng như áp dụng các giải pháp phòng trừ sâu bệnh vì cây tiêu rất mẫn cảm và nhiễm các loại sâu bệnh rất khó phòng trừ. Một khi đã nhiễm bệnh sẽ trở thành vùng dịch và tàn phá rất nặng nề, khó lường khi đó người nông dân sẽ thua lỗ nặng.
Hiện nông dân trong tỉnh vẫn đang háo hức trồng tiêu, nhiều diện tích cà phê vẫn tiếp tục bị triệt hạ và chưa có dấu hiệu dừng lại, các cơ sở đúc trụ bê tông không kịp gia công để cung cấp hàng cho nông dân. Nếu trong thời gian tới tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn thì nguy cơ thừa tiêu, dịch bệnh trên cây tiêu không kiểm soát được là khó tránh khỏi.

TTXVN/ Tin Tức

Bình luận (0)