- 1 Hậu sắp xếp, tinh gọn: Các cơ quan, ban ngành vận hành tốt
Theo Nghị quyết 176/2025/QH15 về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và nghị quyết của HĐND các tỉnh/ thành, từ ngày 1-3, 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ của Chính phủ cũng như các sở và cơ quan ngang sở tại địa phương sau sắp xếp, tinh gọn chính thức đi vào hoạt động. Theo đó, những ngày qua các cơ quan, đơn vị đã nhanh chóng ổn định bộ máy và bắt tay vào công việc mới…

Khẩn trương “vào cuộc”
“Trong bối cảnh từ nay đến Đại hội XIV của Đảng sẽ tiếp tục có những thay đổi ở hệ thống chính trị, ở chính quyền địa phương, ở phương thức lãnh đạo của Đảng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần tiếp tục sắp xếp, kiện toàn các đơn vị trực thuộc; thay đổi tư duy, phương pháp luận, cách làm để đáp ứng được những nhiệm vụ hết sức nóng bỏng, cấp bách đối với sự phát triển bền vững của đất nước, đạt cho được mục tiêu đặt ra. Bộ phải khẩn trương vào cuộc, tổ chức bài bản, khoa học, phân công, phân cấp rõ ràng trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, tham mưu chiến lược, với tinh thần “Bộ tinh gọn, chuyên nghiệp, có năng lực tham mưu chiến lược, tỉnh vững mạnh, toàn diện”…”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại lễ công bố nghị quyết của Quốc hội về thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhìn nhận, việc hợp nhất hai bộ: Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một bước đi quan trọng trong việc thực hiện chiến lược cải cách hành chính, hướng tới một bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đây là niềm tự hào lớn của ngành.
“Việc hợp nhất không chỉ đơn giản là sự thay đổi về cơ cấu tổ chức mà còn là cơ hội để tái cấu trúc, rà soát và nâng cao hiệu quả trên mọi mặt công việc của cả hai bộ; giúp nâng cao tính hiệu quả giữa công tác bảo vệ môi trường với phát triển nông nghiệp, giữa khí tượng thủy văn với phòng chống thiên tai và sản xuất nông nghiệp… Đây đều là các lĩnh vực có mối liên hệ mật thiết, hữu cơ với nhau”, ông Duy nhấn mạnh.
Tại Hội nghị công bố Nghị định số 29/2025/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, thực hiện các kết luận của Trung ương Đảng và Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành và các cơ quan liên quan, đảm bảo triển khai nghiêm túc, hiệu quả và đạt tiến độ, chất lượng sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Từ ngày 1-3, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính gồm 35 đầu mối đơn vị, trong đó có 7 đơn vị chuyển từ mô hình tổng cục thành đơn vị cấp cục. Số lượng đầu mối đã giảm khoảng 3.600 đầu mối, tương ứng với 37,7%, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động và tinh gọn bộ máy.
Số lượng lãnh đạo cấp trưởng cũng được giảm đáng kể, dự kiến đạt 9.640 người trong năm 2025 và tiếp tục giảm thêm khoảng 10.000 người vào năm 2026. Điều này cho thấy sự nỗ lực đáng kể trong việc tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ Tài chính.
Ông Thắng nhấn mạnh, cần đưa bộ máy vào hoạt động ổn định và triển khai mọi nhiệm vụ, công việc một cách thông suốt; đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu quả và rà soát chức năng từng cá nhân, cơ quan để điều chỉnh phù hợp, đạt mục tiêu mỗi việc một cơ quan chịu trách nhiệm chính. Đây là yêu cầu từ Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính cần phấn đấu hoàn thành…
Ông Thắng chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính về tham mưu Chính phủ xây dựng sàn giao dịch tiền mã hóa; xây dựng 2 trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng; tham mưu Chính phủ tháo gỡ khó khăn của các dự án tồn đọng để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Đồng thời, toàn ngành phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng phân cấp phân quyền; trong năm nay giảm 30-40% thủ tục hành chính…
Cơ hội để cán bộ, công chức đóng góp nhiều hơn
Cùng với Trung ương và các tỉnh, thành trên cả nước, các sở và cơ quan ngang sở thuộc UBND TP.HCM cũng đang nỗ lực bắt tay vào công việc sau khi thực hiện xong việc sắp xếp, tinh gọn.
Tại Sở Xây dựng TP (hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch – Kiến trúc), ông Trần Hoàng Quân – Giám đốc sở – cho biết, về tổ chức bộ máy trước khi hợp nhất, tổng số phòng của hai sở là 21 phòng và 6 đơn vị. Sau khi hợp nhất, tổng số phòng, đơn vị của sở là 16 phòng và 4 đơn vị. So với trước khi hợp nhất, số lượng phòng thuộc sở đã giảm 4/20 phòng; số lượng đơn vị trực thuộc sở đã giảm 1/5 đơn vị. Dự kiến biên chế được giao của Sở Xây dựng sau hợp nhất là 1.391 người. Số nhân sự phải tinh giản theo lộ trình giai đoạn 2025-2030 là 226 công chức và 53 viên chức.
Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP (được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết, sau hợp nhất đã hình thành một cơ quan quản lý Nhà nước với cơ cấu tổ chức gồm 13 phòng chuyên môn, 7 đơn vị hành chính và 12 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. So với trước khi sáp nhập, số lượng phòng/ban đã giảm từ 17 xuống còn 13 phòng; số đơn vị hành chính giữ nguyên – 7 đơn vị; số đơn vị sự nghiệp giảm từ 16 xuống còn 12 đơn vị.
Theo ông Thắng, việc tinh gọn bộ máy không chỉ giúp giảm bớt sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ mà còn nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, tạo sự thống nhất trong công tác quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển nông thôn.
“Những thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, vị trí công tác có thể khiến nhiều người cảm thấy bỡ ngỡ, chưa quen. Tuy nhiên, đây là cơ hội để tất cả cán bộ, công chức, viên chức cùng nhau học hỏi, phát triển và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững của TP”, ông Thắng nói.
Mặc dù không thuộc đơn vị phải hợp nhất nhưng thực hiện đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM tiếp nhận thêm chức năng quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Thông tin – Truyền thông TP, đồng thời tổ chức lại bộ máy bên trong.
Theo đó, sau tiếp nhận thêm nhiệm vụ và tổ chức sắp xếp lại bộ máy, Sở Văn hóa – Thể thao có 10 phòng ban chuyên môn và 25 đơn vị sự nghiệp.
Trước khối lượng công việc mới, ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP – yêu cầu, các phó giám đốc làm việc với từng phòng ban chuyên môn để xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh theo định hướng của đơn vị.
Trước đây, Sở Văn hóa – Thể thao có chiến lược phát triển văn hóa, thể thao, giờ có thêm chiến lược truyền thông, tất cả những hoạt động này phải được hòa quyện vào nhau.
“Chúng ta cùng đoàn kết, gắn bó, cộng đồng trách nhiệm để phát triển đơn vị ngày càng tốt hơn”, ông Thuận nhấn mạnh.
Hòa Triều – CTV
Bình luận (0)