Sau khi nộp hồ sơ ĐKDT có sai sót thì phải làm sao, hồ sơ ĐKDT nộp như vậy đã đúng hay chưa? Hệ ngoài ngân sách, cách làm bài thi môn Toán…? Những thắc mắc này sẽ được Ban tư vấn giải đáp ngay dưới đây.
Hỏi: Năm nay em chuẩn bị thi ĐH nhưng em đang có rất nhiều thắc mắc xung quanh việc tuyển sinh ĐH, CĐ 2010. Em đăng kí dự thi học viện ngân hàng nhưng em sợ là nếu thi trượt thì trường có tuyển sinh hệ ngoài ngân sách không? Nếu có thì em đủ điều kiện để học thì em phải làm thủ tục nhập học như thế nào? Nếu không có hệ ngoài ngân sách mà em đủ điểm vào hệ CĐ thì em cũng phải làm thủ tục như thế nào? Và hệ CĐ có tuyển sinh các thí sinh dự thi khối A của các trường khác (ngoài HVNH) không? Hay chỉ mình thí sinhđăng kí dự thi khối A hệĐH của HV mớiđược xét tuyển CĐ? (nhoc_vui210@yahoo.com.vn)
*Trả lời:
Như Ban tư vấn đã từng trả lời, việc có tuyển sinh hệ ngoài ngân sách hay không còn phụ thuộc vào kết quả của kì thi. Nếu nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trược NV1 thì lúc đó nhà trường mới tính đến phương án xin Bộ GD-ĐT tuyển sinh hệ ngoài ngân sách. Chỉ khi nào Bộ GD-ĐT đồng ý thì nhà trường mới chính thức thông báo chỉ tiêu xét tuyển hệ ngoài ngân sách.
Hiện nay chỉ có trường HV Bưu chính viễn thông là trường đã được Bộ GD-ĐT đồng ý phân bổ chỉ tiêu ngân sách và ngoài ngân sách ngay từ đầu. Các trường khác đều là chỉ tiêu ngân sách mà chưa có chỉ tiêu ngoài ngân sách.
Nếu HV Ngân Hàng có tuyển hệ ngoài ngân sách và em đủ điểm để vào hệ này thì nhà trường sẽ gửi giấy báo nhập học. Nếu em đồng ý thì đến làm thủ tục nhập học còn nếu không thì cầm giấy báo đến nhà trường để đề nghị được cấp giấy chứng nhận số 1 và 2 để tham gia xét tuyển NV2, NV3.
Hệ CĐ của trường HV Ngân hàng không tổ chức thi tuyển mà xét tuyển. Đối tượng xét tuyển là tất cả các thí sinh tham dự kì thi ĐH khối A theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT. Quá trình xét tuyển là công bằng và không có sự phân biệt giữa thí sinh đã ĐKDT NV1 vào trường nhưng trượt với những thí sinh dự thi trường khác.
Để được xét tuyển vào hệ CĐ sau khi trượt hệ ĐH thì em phải làm hồ sơ tham gia xét tuyển NV2.
Em muốn hỏi là khi nộp hồ sơ đăng kí dự thi trực tiếp tại trường ĐH-CĐ trong thời gian từ 11/4-17/4 thì ngoài túi hồ sơ có cần một phong thư lớn để đựng tất cả hay không? Nếu có thì bên ngoài phong thư lớn đó phải ghi những gì? Vì em nghe nói phải mua 1 phong thư lớn bên ngoài để đựng tất cả.( ledc_2552@yahoo.com.vn)
Do em phải đến trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ để nộp hồ sơ ĐKDT nên không cần phải có phong thư lớn như em đề cập ở trên.
Nói chung về cơ bản thì thủ tục nộp hồ sơ ĐKDT trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ không khác khi nộp ở tuyến Phòng, Sở GD-ĐT. Điểm khác duy nhất là mã đơn vị ĐKDT mà thôi.
Nộp hồ sơ ĐKDT vào trường ĐH Kinh tế- ĐH Quốc gia HN thì nộp ở đâu? Em có vào trường ĐH Kinh tế hỏi nhưng ở đây họ bảo không thu hồ sơ?(chiec_keo_tinh_yeu@yahoo.com.vn)
Đối với trường ĐH Quốc gia HN thì có quy định dành cho những thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT trực tiếp tại các trường thành viên như sau:
Thí sinh ĐKDT khối A, B thì nộp hồ sơ ĐKDT tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Những thí sinh ĐKDT khối C, D thì nộp hồ sơ ĐKDT tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Em xin được hỏi là năm nay em của em có đăng kí thi vào trường Học viện công nghệ bưu chính viễn thông. Trong cuốn những điều cần biết về tuyển sinh đại học 2010 có viết là trường có thể xem xét điểm tuyển sinh để tuyển thêm sinh viên vào hệ đóng tiền tự túc vậy em xin hỏi như vậy có phải là trường HVCNBCVT có đào tạo hệ ngoài ngân sách, trong khi em có nghe nói một số thông tin là Năm nay Bộ không cho các trường tuyển sinh hệ này, và ngoài trường HV CNBCVT có còn những trường nào đào tạo hệ ngoài ngân sách ở Hà Nội?( ylangylang4889@gmail.com)
Đối với trường HV Bưu chính Viên thông thì đã được Bộ GD-ĐT đồng ý cho tự chủ tài chính. Chính vì thế nhà trường được cấp chỉ tiêu hệ ngân sách và hệ ngoài ngân sách ngay từ đầu. Hiện nay mới chỉ có duy nhất trường HV Bưu chính được thực hiện điều này.
Hiện tại chưa có văn bản nào quy định năm nay các trường không được tuyển hệ ngoài ngân sách mà mới chỉ có ý kiến của một vài lãnh đạo Bộ mà thôi. Tuy nhiên việc các trường có tuyển sinh hệ ngoài ngân sách hay không còn phụ thuộc vào kết quả tuyển sinh. Nói cách khác là sau khi công bố điểm chuẩn NV1 thì em mới có thể biết được điều này.
Năm nay em nộp hồ sơ thi trường đại học Y. Nếu em trúng tuyển em có được chuyển khoa khác khoa em đăng kí không? nếu được thì có điều kiện gì?(kt3c.dhcd@gmail.com)
Do trường ĐH Y lấy điểm chuẩn theo ngành nên em đăng ký ngành nào sẽ được xét tuyển vào ngành đó. Nói cách khác là em không được phép chuyển khoa.
Tuy nhiên trên phương diện nào đó nếu em có điểm thi cao và có nguyện vọng đổi ngành đăng ký thì em có thể trình bày với Ban giám hiệu nhà trường sau khi đã hoàn tất thủ tục nhập học. Trên cơ sở điểm thi và mong muốn của em thì có thể Ban giám hiệu nhà trường sẽ xem xét giải quyết.
Xin cho hỏi hồ sơ đã nộp cho trường rồi có thể chỉnh sửa lại không? (baolong.thuduc@gmail.com)
Theo quy định thì những sai sót trong hồ sơ ĐKDT có thể chỉnh sửa trong ngày đến làm thủ tục dự thi. Tuy nhiên thí sinh chỉ được chỉnh sửa các thông tin về cá nhân, đối tượng,…Những sai sót về trường dự thi, khối thi thì tốt nhất em nên làm một bộ hồ sơ ĐKDT mới để nộp lại (nộp trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ từ ngày 11-17/4) vì những lỗi này rất khó để giải quyết trong ngày đến làm thủ tục dự thi.
Hiện tại em đã có bằng Trung cấp ngành kế toán của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, em muốn liên thông lên hệ ĐH của Trường ĐH Kinh tế TpHCM. Em muốn hỏi nếu em liên thông lên hệ tại chức thì bằng của em sau này có được coi như bằng chính quy không? (vì em nghe nói sang năm 2011 thi bằng chính quy hay tại chức đều được coi như nhau). (lehoangtram.kt@gmail.com)
Về hệ thống văn bằng thì khi tốt nghiệp ở hệ nào thì trong văn bằng phải ghi rõ ở hệ đó. Chính vì không thể có chuyện coi bằng tại chức như bằng chính quy được.
Về vấn đề em nghe nên hiểu như sau: Nếu sau này kì thi vừa học vừa làm được tổ chức nghiêm túc và bên cạnh đó thí sinh theo học hệ này tập trung liên tục thì lúc đó có thể xem xét để được cấp bằng chính quy. Tuy nhiên đây mới chỉ là ý tưởng của một lãnh đạo Bộ GD-ĐT nào đó chứ chưa có văn bản nào nào xác thực.
Em là thí sinh ĐKDT vào trường CĐ có tổ chức thi tuyển nhưng em lại ghi cả mục 3 trong hồ sơ ĐKDT. Mà mục 3 chỉ dành cho thí sinh dự thi vào trường ĐH không tổ chức thi tuyển. Như vậy hồ sơ của em có được chấp nhận không? (thanhnga_119a@yahoo.com.vn)
Em nên chú ý: Mục 3 là dành cho những thí sinh muốn đăng ký NV1 vào các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển và hệ CĐ của các trường ĐH.
Do em không nói rõ là NV1 của mình là ở trường CĐ có tổ chức thi tuyển hay không thi tuyển nên Ban tư vấn không có cơ sở để trả lời. Em nên kiểm tra lại phiếu số 2 của mình sau đó gửi thư lại cho Ban tư vấn nhé.
Năm nay em có nguyện vọng thi vào trường ĐH Lao động xã hội (Hà Nội). Nếu không đỗ NV1 thì em muốn xét NV2 vào hệ Cao đẳng của trường. Trong cuốn Những điều cần biết… có nói Trường LĐ-XH chỉ xét vào cao đẳng các thí sinh thi trượt Đại học nếu có đơn xin học cao đẳng nộp cùng hồ sơ xét tuyển. Em đã nộp hồ sơ ĐKDT vào trường LĐ-XH (thi nhờ ĐH Luật) nhưng không nộp thêm đơn xin học cao đẳng. Vậy nếu em trượt NV1 vào Đại học em có cơ hội vào học hệ Cao đẳng của trường không? Nếu em muốn ĐKDT Cao đẳng (đợt tuyển sinh thứ 3) vào Đại học LĐ-XH thì em phải ghi mã ĐKDT và nơi nộp hồ sơ ĐKDT như thế nào (nộp trực tiếp tại trường thi nhờ)? (yeulalay2005@yahoo.com)
Trong quyển “Những điều cần biết…” đã nêu rất rõ ràng: Các thí sinh có nguyện vọng học cao đẳng khi không trúng tuyển ĐH phải gửi đơn xin học cao đẳng kèm theo hồ sơ xét tuyển. Cách làm này nhằm tạo điều kiện cho thí sinh khi làm hồ sơ xét tuyển NV2 có hai cơ hội.
Như vậy trước mắt em không cần phải làm đơn gì cả. Sau khi có kết quả thi và trượt NV1 thì em làm hồ sơ xét tuyển NV2 vào trường. Nếu em làm hồ sơ xét tuyển NV2 vào hệ ĐH thì làm thêm đơn để được xem xét xuống hệ CĐ sau khi trượt NV2. Nếu em làm hồ sơ xét tuyển NV2 vào hệ CĐ thì không cần phải làm đơn.
Theo quy định thì thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ thì mã đơn vị ĐKDT đều ghi là 99.
Cho em hỏi trường ĐH kinh tế kĩ thuật công nghiệp HN (CS1 ở Nam Định CS2 ở HN ) không tổ chức thi tuyển. Vậy nếu em không đăng kí NV1 ở trường đó mà lại đăng kí ở trường khác mà điểm thi của em lại đủ cả 2 trường thì em có được xét NV2 vào trường ĐH kinh tế kĩ thuật CN HN không? (squall_leonhartf3c@yahoo.com)
Em nên nhớ: Nếu em đã trúng tuyển NV1 thì không được cấp giấy chứng nhận điểm thi số 1, 2 do đó em không thể làm hồ sơ xét tuyển NV2 được nữa.
Em muốn hỏi thi tuyển sinh môn toán năm nay có được dùng đến “chùm mặt phẳng” không? Nhiều thông tin em được biết có ý kiến khác nhau, em rất phân vân. (mm1ty1508@yahoo.com)
Trong tuyển sinh em có thể dùng bất kì kiến thức nào để làm bài miễn làm sao đưa ra được phương án đúng.
Tuy nhiên đối với những kiến thức có trong chương trình SGK thì em không cần phải chứng minh lại. Đối với những kiến thức ngoài chương trình SGK thì em phải chứng minh lại trước khi áp dụng.
Phương pháp “chùm mặt phẳng” là cơ sở để giải quyết các bài toán không gian. Tuy nhiên hiện nay theo chương trình SGK mới thì lại không đề cập đến. Chính vì thế tốt nhất em nên nêu công thức tổng quát sau đó mới áp dụng cụ thể để làm bài.
Có 1 số kiến thức mà trong chương trình phổ thông không đề cập, vậy khi áp dụng vào bài làm(cụ thể là môn Toán) thì trình bày như thế nào sẽ không bị trừ điểm.(kenshin_27_2@yahoo.com)
Để không bị trừ điểm và được điểm tối đa của câu hỏi đó thì em cần phải chứng minh lại trước khi sử dụng.
Còn nếu không kịp thời gian thì em có thể ghi công thức tổng quát sau đó áp dụng, tất nhiên khi em làm như vậy sẽ không được điểm tối đa.
Em xin hỏi: em là thí sinh tự do. Trước em học chương trình chưa cải cách sách giáo khoa. Với môn Toán thì em làm theo cách của sách cũ được không? Ví dụ: về khảo sát hàm số (làm theo thứ tự các bước như trong sách cũ có được tính điểm không?), phần lượng giác( ghi bằng cotang, thay cho cotan, có được điểm không?(phanquy150688@gmail.com)
Về cơ bản thì kiến thức chương trình SGK cũ so với SGK mới không chênh lệch nhiều. Tuy nhiên khi trình bày bài thi em nên tuân thủ theo kiến thức chương trình SGK mới vì đây là cơ sở để ra đề thi.
Theo ban tư vấn thì các bước khảo sát hàm số ở chương trình SGK cũ hay mới cũng không có sự thay đổi nhiều. Để làm bài khảo sát hàm số em cần năm các bước theo tuần tự: tìm tập xác định; Tính đạo hàm để khảo sát bảng biến thiên; tiệm cận, điểm uốn (nếu có); Tìm các điểm đặc biệt của đồ thị; Nhận xét về đồ thị để vẽ (tính đối xứng).
Về ký hiệu lượng giác thì theo Ban tư vấn em ghi cách nào cũng được. Trên thực tế ứng với từng bài toán cụ thể người chấm sẽ hiểu được những ký hiệu quen thuộc đó. Tuy nhiên nếu em thay đổi thói quen dùng bằng ký hiệu trong SGK mới thì sẽ tốt hơn.
Theo Dân trí
Bình luận (0)