Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Hậu trường” của… trường điểm: Kỳ cuối: “Heo vàng”… càng khó

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh nộp hồ sơ vào lớp 1 diện trái tuyến tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 (ảnh chụp năm 2012)
Thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2013-2014, số học sinh vào lớp 1 có khoảng 109.000 em, tăng gần 7.000 em so với năm học trước. Tuy nhiên, với cơn sốt “heo vàng” cũng như tăng dân số cơ học thì chắc chắn con số này còn tăng nữa. Điều này cũng đồng nghĩa, “heo vàng” muốn học trái tuyến càng khó hơn…
Cổng trường không yên tĩnh
Những ngày này trước cổng các trường “5 sao”, nhất là các trường tiểu học luôn tấp nập người qua lại. Họ túm tụm thì thầm to nhỏ xung quanh đề tài “chạy trường”…
Ngày 17-6, trong vai một phụ huynh đi xin học trái tuyến cho con, chúng tôi đã “moi” được khá nhiều thông tin từ những người đứng trước cổng trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (Q.7). Một chị tên Ngọc (nhà ở huyện Nhà Bè) cho biết, 10 năm trước chị đã vào thẳng trường gặp Hiệu trưởng để xin cho con học. Con chị đã được nhận, sau đó chị “trả ơn” bằng cách ủng hộ nhà trường một cái đầu máy California. “Ngày đó giá của cái đầu máy khoảng 2,5 triệu đồng, tương đương với 3 chỉ vàng. Nếu tính theo giá vàng thì giờ là hơn 12 triệu đồng”, chị Ngọc nói.
Đến đứa thứ hai (năm nay vào lớp 1), chị chạy hộ khẩu vào nhà người quen ở khu phố 6, phường Bình Thuận. Và nghiễm nhiên con chị được xếp vào diện trong tuyến. “Bây giờ tôi “chạy” cho con vào lớp 1A, đã có đường dây rồi”, chị Ngọc tiết lộ.
Một chị tên Thúy (là giáo viên mầm non ở Q.7) cũng cho biết, một người bạn của chị “chạy” vào Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Q.7) mất 50 triệu đồng. Còn mấy năm trước, “giá” ở trường này là 1.500 USD…
Trước đó, ngày 14-6, trong lúc cùng đứng xem bảng thông báo tuyển sinh trước cổng trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), một phụ huynh khẳng định với chúng tôi: “Năm nay, 70 triệu cũng không vào được trường này đâu”. Chúng tôi hỏi tại sao, chị trả lời: “Năm nay là năm “heo vàng” vào lớp 1 nên học sinh trong tuyến đã đủ rồi, dễ gì ngoài tuyến có cửa. Như con tôi đây, không xin được vào trường này mặc dù đứa lớn cũng học ở đây (vừa học xong lớp 5 – PV). Bởi vậy, tôi phải xin sang Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, đúng tuyến của cháu là Trường Tiểu học Đuốc Sống…”. 
Chị phụ huynh này còn tiết lộ, 5 năm trước, nhờ người nhà làm ở Bộ GD-ĐT mà đứa con lớn của chị vào được trường này. Và bây giờ khi lên THCS, theo phân tuyến của Phòng GD-ĐT Q.1 thì phải học ở Trường THCS Văn Lang nhưng chị đã “chạy” được vào Trường THCS Trần Văn Ơn.
Được biết, năm nay Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) chỉ nhận 5 lớp 1 thay vì 7 lớp như mọi năm. Lý do là trường phải đập đi một dãy phòng học để xây lại. Lợi dụng điều này, “cò” đã nâng giá từ 20-30 triệu đồng lên 70 triệu đồng.
Tuyên chiến với “chạy” hộ khẩu
Để việc “chạy trường” đạt được kết quả cao, dù là “chạy” theo kiểu “trên bảo dưới phải nghe” hay kiểu “có tiền mua tiên cũng được” thì người ta đều phải “chạy” hộ khẩu trước. Thực tế này đã “vỗ béo” một số người làm trong ngành công an, UBND phường…
Cô Phạm Thúy Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) – kể: “5 năm trước (năm thứ hai Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đưa vào sử dụng – PV), tôi rất ngạc nhiên vì có nhiều trường hợp tạm trú thuộc diện đúng tuyến. Tôi nghi ngờ nên gọi phụ huynh đem hộ khẩu gốc lên đối chiếu. Lúc đó tôi phát hiện ra phần lớn là “chạy” hộ khẩu. Do đó tôi gom tất cả hồ sơ lại rồi báo cáo với cấp trên. Sau vụ đó, một loạt công an bị điều chuyển công tác”.
Cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) – cũng cho biết: Nhà trường đã từ chối tiếp nhận một số trường hợp đúng tuyến (có tên trong danh sách của trường, có giấy gọi ra lớp) vì thời gian tạm trú trên địa bàn quá ngắn, mới chỉ có 2 tháng. Đã vậy, những trường hợp này lại thường đi với mẹ hoặc cha chứ không phải cả cha lẫn mẹ, thậm chí có trường hợp chỉ đi một mình.
“Mới 6 tuổi mà đi một mình, không có cha mẹ đi kèm làm sao không nghi ngờ được. Với những trường hợp này dù có giấy gọi vào lớp 1, nhà trường cũng không tiếp nhận”, thầy Nguyễn Văn Tri – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản (Q.10) – khẳng định.
Năm nay, Trường Tiểu học Võ Trường Toản tiếp nhận trẻ 6 tuổi của khu phố 1, 2, 9, 11, 12 và từ tổ 85 đến 88 (khu phố 10 đến khu phố 14). “Danh sách phường gửi về cho trường là 168 học sinh, trong khi đó mọi năm chỉ có khoảng 150-160 em. Đã vậy, mấy hôm nay tôi tiếp không ít phụ huynh. Họ thắc mắc tại sao gia đình họ cũng ở tổ dân phố đó mà con họ không được học ở trường này, trong khi con người khác thì được học. Cũng có những trường hợp chưa làm hộ khẩu nhưng có giấy tờ nhà đất và họ đang sinh sống ở đó nhưng con lại không có chỗ học. Những trường hợp này đều là đúng tuyến nên chỉ cần UBND phường xác nhận là nhà trường ưu tiên tiếp nhận nếu còn chỗ. Khả năng tiếp nhận của nhà trường chỉ có 5 lớp (175 em), mỗi lớp 35 em (Trường Tiểu học Võ Trường Toản là trường chuẩn quốc gia – PV). Trong tuyến tôi đang lo không biết có đủ chỗ để tiếp nhận hết hay không, nên khó mà tiếp nhận các trường hợp ngoài tuyến”, thầy Tri cho biết.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Với tình hình căng thẳng như thế này, năm nay “heo vàng” được phân tuyến vào trường nào thì nên học trường đó. Nếu cứ “chạy lung tung” thì coi chừng không có chỗ học…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)