Phụ huynh đợi đến lượt nộp hồ sơ tuyển sinh lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Q.7 (ảnh chụp ngày 17-6-2013)
|
Hiện nay ở mỗi quận/huyện của TP.HCM đều có vài trường “5 sao”. Trong những ngôi trường này thường có một đến hai lớp “ngoại giao”. Và chính những lớp “ngoại giao” này đã gây không ít phiền toái cho các trường…
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết lớp “ngoại giao” là lớp để nhà trường “trả nợ” cho ông A, bà B – những người có nhiều ân tình với trường cũng như cấp trên của trường. Về tình thì cũng không có gì quá đáng nếu ông A, bà B xin học cho con, cho cháu nội – ngoại. Thế nhưng, những ông A, bà B này lại lợi dụng hoặc bị lợi dụng mối quan hệ đó để “chạy trường”. Mỗi “phi vụ” trót lọt lại kiếm được một “mớ”…
Có tiếng mà không… có miếng
Cô Phạm Thúy Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) – kể lại: “Mấy năm trước, trong lúc Hội đồng tuyển sinh của quận xét duyệt các trường hợp trái tuyến vào Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, tôi phát hiện cô N. (cán bộ chuyên trách công tác phổ cập của trường) bảo lãnh cho một hồ sơ. Trường hợp này cuối cùng cũng được duyệt. Hôm phụ huynh tới trường nộp hồ sơ, tôi nhận ra chị này bán bún măng vịt – quán tôi thường ăn. Tôi hỏi: “Chị là người nhà của cô N. à?”, chị trả lời: “Cô N. nào? tôi không quen”… Sau đó, tôi gặp cô N. và hỏi: “Nhà em có bà con bán bún măng vịt sao?”. Cô lắc đầu: “Làm gì có”. Sau vài lần tìm hiểu, tôi phát hiện ra chị bán bún măng vịt “chạy tiền” qua một người, người này nhờ đến cô N. Còn cô N. giúp vì tình nghĩa, hoàn toàn không biết chuyện tiền bạc ở đây…”.
Cô Hà cho biết thêm, cô đã từng bảo lãnh cho một số trường hợp trái tuyến. Trong đó có trường hợp là con, cháu, nhưng cũng có trường hợp là “chạy trường”. “Tôi không quá khắt khe trong chuyện này, giúp được ai tôi đều giúp. Tuy nhiên, tôi không hài lòng là người ta nhận tiền của phụ huynh nhưng lại nói là tiền “trà nước cho hiệu trưởng”…”, cô Hà bức xúc.
Trong khi đó, hiệu trưởng ở một quận trung tâm thành phố cho biết: Trong quận có một ông là “trùm chạy trường”, ông này “chạy” từ khi còn làm chủ tịch UBND phường, nay lên phòng nội vụ của quận “chạy” càng bạo hơn. Năm nào ông ta cũng “chạy” cho cả chục trường hợp nhưng lại không đứng tên mà nhờ hiệu trưởng các trường bảo lãnh. Mặc dù hiệu trưởng các trường rất khó chịu, không muốn nhận nhưng không dám “đắc tội”…
Nhiều năm trước đây, hiệu trưởng một trường THCS ở Q.1 đã từ chối tiếp nhận một trường hợp thiếu điểm nhưng có thư của một quan chức cấp trên. Kết quả là người hiệu trưởng này đã bị “nhắc nhở”…
Về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Tri – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản (Q.10) – chia sẻ: “Mỗi khi nhà trường tiếp nhận những trường hợp gửi gắm, chúng tôi đều phải hỏi kỹ xem có đúng con hay cháu nội – ngoại không. Nếu đúng và còn chỗ thì nhận, những trường hợp khác thì nói thẳng luôn”.
Đừng nghĩ “có tiền mua tiên cũng được”
Trong khi các quan chức “chạy” theo kiểu ở trên ấn xuống thì phụ huynh lại “chạy” theo kiểu: “Có tiền mua tiên cũng được”.
Thầy Trần Ái Việt – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) – cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 5 là nhà trường tuyệt đối không nhận bất kỳ sự ủng hộ nào từ phía phụ huynh. Bởi nếu nhà trường nhận thì đến khi tuyển sinh dễ xảy ra tình trạng nhờ vả. Mặc dù chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ phía phụ huynh”. Không chỉ vậy, một số phụ huynh còn đặt thẳng vấn đề với thầy Việt là bao nhiêu tiền thì con họ vào được trường này. “Họ khóc lóc trình bày hoàn cảnh là con học giỏi 5 năm liền nhưng trong kỳ thi cuối học kỳ II lớp 5 vì 1.001 lý do mà không đạt 20 điểm. Phụ huynh muốn cho con học ở đây nghĩa là trường có chất lượng, tôi rất vui. Tuy nhiên, họ đặt vấn đề tiền bạc giống y như cái chợ, tôi thấy bị xúc phạm và xấu hổ quá”, thầy Việt tâm tư.
Còn tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), trung bình mỗi năm phát hành khoảng 400-500 hồ sơ trái tuyến. Trong nhiều hồ sơ, phụ huynh ghi rõ: “Nếu con tôi được vào học, tôi sẽ ủng hộ nhà trường 50 triệu đồng”. Thậm chí cũng có một số phụ huynh, sau khi mất tiền cho “cò” mà con vẫn không có chỗ học đã gõ cửa phòng hiệu trưởng năn nỉ nhận. Và hứa đi tìm “cò” đòi tiền lại, số tiền đó sẽ ủng hộ hết cho nhà trường.
“Những trường hợp này đều bị loại, bởi nếu nhà trường nhận thì sẽ tạo cho phụ huynh tâm lý cứ có tiền là vào được trường”, cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng nhà trường – khẳng định.
Thầy Trần Bội Ngọc – Hiệu trưởng Trường THCS Vân Đồn (Q.4) – cũng cho biết: “Tâm lý chung của phụ huynh là muốn con em mình được học ở những ngôi trường có uy tín. Nhưng cơ sở vật chất của nhà trường chỉ có giới hạn, không thể tiếp nhận thêm nữa. Có phụ huynh hiểu và thông cảm nhưng cũng có một số trường hợp không hiểu, thậm chí cố tình không hiểu để làm khó dễ nhà trường…”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
"Hiệu trưởng cũng bị áp lực lắm. Dù là xin được hay không, họ cũng nói là vào trường này mất bao nhiêu tiền mà không chịu hiểu là nhà trường bị mang tiếng”, cô Hoàng Thị Lê An – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) – bức xúc. |
Bình luận (0)