Đã thua thiệt người Mỹ ở “môn thể thao nữ hoàng” suốt nhiều thập kỷ qua, điền kinh châu Âu giờ đây lại lo đối phó với những thế lực mới đến từ châu Phi. Nhiều kỳ Olympic hiện đại trôi qua, châu Âu đã nỗ lực, đã dàn quân trên khắp các mặt trận, nhưng không ngăn được sự thống trị của điền kinh Mỹ và châu Phi ngày một lớn mạnh.
Ngoài những nội dung ném, đẩy, nhảy (cao, sào), điền kinh châu Âu còn đủ sức cạnh tranh và giữ các danh hiệu vô địch thế giới, vô địch Olympic, còn lại, các cự ly tốc độ, trung bình và cự ly dài (bán marathon và marathon) đều thuộc quyền sở hữu của các quốc gia đến từ châu Mỹ và châu Phi như Mỹ, Cuba, Jamaica, Kenya, Ethiopia…
Olympic Bắc Kinh 2008 là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. Trong số 47 bộ huy chương môn điền kinh, châu Âu chỉ giành được chưa tới một nửa (18 chiếc HCV), trong khi 29 chiếc còn lại hầu hết thuộc về châu Mỹ và châu Phi. Nga vẫn là cường quốc điền kinh của châu Âu khi giành được 6 chiếc HCV nhảy cao nam, nhảy sào nữ, 20km đi bộ nam, 3.000m chướng ngại vật nữ… và chỉ lập được 1 kỷ lục thế giới (nhảy sào nữ).
Trong khi đó, thế lực mới nổi lên là Jamaica đã đoạt được tới 6 chiếc HCV và xô ngã 3 kỷ lục thế giới (100m, 200m và 4x100m nam). Nga vẫn xếp hạng nhì (sau Mỹ) ở môn điền kinh, nhưng trong 10 thứ hạng đầu, châu Mỹ và châu Phi chiếm tới một nửa số lượng. Nếu tính trong 10 hạng đầu, số huy chương vàng của châu Âu là 9 chiếc, thì châu Mỹ và châu Phi cộng lại đã vượt trội với… 23 chiếc!
Không chỉ thua thiệt về số lượng huy chương ở Olympic, châu Âu còn kém hẳn hai châu lục này về thành tích ở các giải vô địch thế giới, Golden League, Super Grand Prix Series… Người duy nhất giữ lửa cho điền kinh châu Âu vào lúc này chính là “nữ hoàng nhảy sào” Yelena Isinbayeva (Nga) với những lần phá KLTG liên tiếp.
Nhưng, theo cách đánh giá của nhiều nhà chuyên môn châu Âu, nó chẳng nhằm nhò gì so với cuộc so kè lật đổ nhau giữa Usain Bolt, Asafa Powell, Tyson Gay trên đường chạy tốc độ. Một bằng chứng dễ nhận thấy nhất: trên các trang báo, trang web viết về điền kinh, số lượng thông tin đề cập đến cuộc so tài giữa các VĐV chạy cự ly ngắn, trung bình và dài nam và nữ của châu Mỹ và châu Phi chiếm tới… 2/3!
Theo bình luận của hãng AFP, thì “điền kinh châu Âu đang chạy… chậm lại, đặc biệt ở các nội dung nam”. Sự thắng thế của Nga hay vài quốc gia châu Âu khác ở một vài nội dung không phải do châu Phi và châu Mỹ quá yếu, mà bởi vì các thế lực này chưa chọn đó làm sở trường đầu tư. Nhưng ở tương lai, chuyện này sẽ khác, khi hai châu lục này mở rộng sự “bành trướng” của mình. Châu Âu đang thủ thế?
Hãng thông tấn AFP không nghĩ vậy: “Điền kinh châu Âu đang đánh mất dần khả năng cạnh tranh với các châu lục khác. Có vẻ như lúc này, nhiều quốc gia ở châu Âu không chứng tỏ được sự nỗ lực vươn lên của mình”. Tiêu biểu như điền kinh Anh quốc, trước kia (ở các thập niên 70, 80 và 90 của thế kỷ trước) từng thống trị các cự ly trung bình và dài (800m, 1.500m, 5.000m, 10.000m, marathon) hay nội dung 10 môn phối hợp nam, nhưng mới đây ở Olympic Bắc Kinh 2008, họ chỉ đoạt được 1 chiếc HCV cự ly 400m của VĐV Christine Ohuruogu.
Thành tích kém cỏi đó buộc giới chức điền kinh Anh quốc phải tập trung cho một cuộc thay máu thực sự, từ cách làm đến lực lượng VĐV trong ĐTQG. Giám đốc thành tích Niels de Vos bị loại khỏi cuộc chơi, để thay vào đó là một người Hà Lan, chuyên gia Charles van Commenee, người được kỳ vọng sẽ gầy dựng lại hình ảnh cho điền kinh Anh trên trường quốc tế. Điền kinh Anh cũng chuẩn bị kế hoạch đưa quân sang Jamaica và Mỹ để nhờ đào tạo hộ ở các cự ly ngắn.
Kiềm hãm sự thịnh vượng của điền kinh châu Mỹ và châu Phi lúc này là chuyện “hái sao trên trời”, thế nên, điều mà Hiệp hội điền kinh châu Âu (EAA) hy vọng vào lúc này chính là sự nỗ lực từ mỗi quốc gia thành viên. “Cứu vãn danh tiếng cho điền kinh châu Âu phải dựa vào cuộc đầu tư mạnh mẽ của nhiều quốc gia, chỉ một mình Nga hay Anh nỗ lực thôi chưa đủ”, hãng BBC đưa ra kết luận.
NGUYÊN KHANG (theo SGGP)
Bình luận (0)