Khép lại kỳ thi ĐH đợt 1, bài toán "ảo" nhiều trường biết nhưng không "giải" được. Chuyện cải tiến tuyển sinh qua lăng kính các lãnh đạo trường ĐH được đẩy đi xa hơn.
Biết "ảo" nhưng không "giải" được
Tỷ lệ hồ sơ "ảo" cả nước Bộ GD-ĐT thống kê chiếm gần 32%, trên 308.000/930.255 thí sinh không đến làm thủ tục dự thi. Ở một số trường, số lượng thí sinh đến thi chỉ đạt 50% trên tổng số hồ sơ đăng ký như: ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng… Hồ sơ "ảo" càng nhiều thì các trường lỗ càng lớn.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Nguyễn Thị Quy cho biết, năm nào nhà trường cũng lỗ – biết nhưng không có cách giải quyết nên phải chấp nhận.
Năm nay, với tỷ lệ "ảo" 50%, nhà trường lỗ khoảng 380 triệu – bà Quy ước tính. Vì tiền thuê phòng thi, mua đề thi, chi cho giám thị… đều tăng, nhưng lệ phí thi không tăng. Cụ thể, chi phí mua đề thi cho 1 thí sinh năm 2008 chỉ 9.000 đồng, nhưng năm nay tăng lên 12.000 đồng; giá thuê phòng thi cũng tăng từ 10-15%.
Dù tỷ lệ "ảo" của Trường ĐH Thương mại chỉ dừng ở con số 26% – có 43.162 số thí sinh đến thi/46.000 hồ sơ đăng ký, nhưng tiền bù lỗ nhà trường ước tính khoảng trên 1 tỷ đồng.
Theo Phó Hiệu trưởng Bùi Xuân Nhàn, tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi càng đông thì lỗ càng lớn. Vì nhà trường vẫn phải chuẩn bị phòng thi, in đề thi cho 100% thí sinh, tiền chấm bài cho 1 thí sinh từ 14.000-15.000 đồng (trong đó, tiền thuê chấm bài thi trắc nghiệm từ 6.000-8.000 đồng/thí sinh) và chi phí văn phòng phẩm, giấy thi, giấy nháp…
Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội kiêm Trưởng ban chỉ đạo thi Hoàng Văn Điện bức xúc: năm nay tiền thuê phòng thi tăng 20.000 đồng/phòng, chi cán bộ coi thi tăng 20.000 đồng, mua đề thi cho 1 thí sinh tăng 4.000 đồng… mà lệ phí thi không tăng (20.000 đồng/thí sinh) là phi lý?
Lo "cháy" địa điểm thi
Để đủ chỗ cho thí sinh dự thi, hầu hết các trường ĐH đều phải tất bật đi "ngoại giao" với các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn từ trước kỳ thi khoảng vài tháng. Thậm chí có trường ngay sau khai giảng năm học mới đã "lao" vào nghĩ phương án cho thi tuyển sinh năm sau…
Ông Bùi Xuân Nhàn cho biết: khâu chuẩn bị cho kỳ thi thường bắt đầu ráo riết từ đầu tháng 4 hàng năm. Nhưng, việc lo địa điểm thi, phòng thi phải được ký biên bản với đối tác từ trước Tết Âm lịch. Khâu tập huấn Quy chế thi cho cán bộ coi thi bắt đầu được tổ chức từ đầu tháng 5.
Không chỉ tất bật lo thuê phòng, để đảm bảo đủ cán bộ coi thi (gồm cả dự trữ) 1.500 phòng cho cả 2 đợt, trường phải đi thuê thêm hơn 2.000 giáo viên phổ thông nữa – đây là vấn đề không đơn giản, ông Hoàng Văn Điện nhận định. Chưa kể, việc đi thuê địa điểm thi năm nay có một số yêu cầu quá rườm rà.
Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, các bộ, ngành liên quan phối hợp tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi. Tuy nhiên, quá trình đi thuê địa điểm ở một số huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, thị xã Hà Đông… thấy khổ quá. Vì được trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn đồng ý cũng chưa xong – mà trường còn phải lên xin ý kiến huyện/xã.
Theo ông Điện, đó là khâu không cần thiết, thậm chí gây khó cho các trường.
Còn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sinh viên khoá mới tựu trường cũng là lúc nhà trường nghĩ phương án chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm sau – Phó Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Nguyễn Nhật Tân cho hay. Nếu không liên hệ địa điểm thi sớm thì gần đến thời gian diễn ra kỳ thi rất khó thuê phòng, vì khu vực Cầu Giấy có nhiều trường ĐH thi cùng đợt…
"Cải" thế nào cho "tiến"?
Dù biết năm nào tỷ lệ đến thi cũng "ảo", tốn kém, vất vả nhưng theo bà Nguyễn Thị Quy – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, trong một vài năm tới vẫn phải giữ kỳ thi ĐH, và nên có giải pháp phân luồng ở phổ thông để thí sinh có nhiều lựa chọn: vào ĐH không phải là con đường duy nhất.
Theo bà Quy, vẫn duy trì thi ĐH vì đây là kỳ thi có tính chất sàng lọc tốt nhất. Còn để hạn chế số hồ sơ "ảo", Bộ có thể bổ sung quy chế quy định: 1 thí sinh chỉ được nộp 1 hoặc 2 bộ hồ sơ?
Nhưng giải pháp hợp lý là thực hiện phân luồng ở phổ thông để những thí sinh có khả năng thi ĐH thì đăng ký thi, còn không sẽ định hướng thi CĐ hoặc học nghề…
Đồng quan điểm, Giám đốc Học viện Ngân hàng Tô Ngọc Hưng cho rằng, để thí sinh có quyết định nguyện vọng tối ưu nhất thì phải có định hướng cho thí sinh. Cụ thể là, sớm xem xét để có giải pháp phân luồng ở phổ thông hướng người học đến các bậc học phù hợp.
Cùng với đó, trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ" ngoài chỉ tiêu cần cung cấp vắn tắt các ngành đào tạo để thí sinh lựa chọn. Đồng thời, cần xem lại nhu cầu sử dụng lao động của các nhà tuyển dụng: không nên đặt nặng vấn đề bằng cấp, tạo áp lực cho thí sinh nhất nhất phải vào ĐH.
Giải pháp "thi 2 trong 1" của Bộ GD-ĐT đưa ra về hình thức thì có thể thấy giảm bớt 1 kỳ thi, nhưng về giảm chi phí thì chưa có tính toán nào chứng minh.
Do vậy, để giảm bớt căng thẳng cho thí sinh nên quan tâm đến chất lượng từ các bậc học phổ thông chứ không chỉ "đầu tư" mấy năm cấp 3 – ông Hưng nói.
Còn Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại Bùi Xuân Nhàn nêu quan điểm cùng chiều với dự kiến cải tiến thi "2 trong 1" của Bộ GD-ĐT – chỉ còn 1 kỳ thi THPT quốc gia hướng đến 2 đích: xét tuyển vào ĐH và công nhận tốt nghiệp.
Ông nói, không còn kỳ thi ĐH các trường sẽ đỡ vất vả, khó khăn, nhưng để thực hiện ngay trong một vài năm tới thì chưa được.
Ông Tô Ngọc Hưng cho rằng, giải pháp thi 3 chung (chung đề, chung đợt và chung kết quả) hiện nay giúp cho khâu quản lý được tập trung, tạo cho thí sinh tham gia vào một "sân chơi" bình đẳng. Tuy nhiên, về lâu dài, "3 chung" hạn chế trong việc phân chia các trường có đẳng cấp. Cụ thể, trường "cao" đòi hỏi chất lượng "đầu vào" cao hơn mà thi chung thì chưa đánh giá đúng.
Kiều Oanh/Vietnamnet
Bình luận (0)