Sự kiện giáo dụcTin tức

Hậu tuyển sinh NV2: Nhiều trường tìm mọi cách “vớt” sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 10-9, các trường kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển NV2. Nhiều trường đã phải tìm đến NV3 để mong đủ chỉ tiêu. Thực trạng nhiều chỉ tiêu – ít thí sinh đã đẩy các trường bước vào một cuộc đua “thương hiệu” đích thực. Nhưng cũng có một thực tế, nhiều trường tìm mọi cách tuyển đủ chỉ tiêu kể cả “xé rào”…

Thí sinh nộp đơn xét tuyển NV2 tại ĐH Hồng Bàng. Ảnh: N.HẢI
Công tư đều “vớt”
Hầu hết các trường xét tuyển NV2 đã thông báo điểm trúng tuyển và thông báo NV3. Toàn cảnh có thể thấy, các trường công lập vẫn dễ tuyển hơn các trường ngoài công lập. Đa số các trường ngoài công lập đều lấy từ “sàn”. Tuy nhiên, ngoài việc xin Bộ cho áp dụng điều 35 quy chế, các trường đang tìm mọi cách để “hút” sinh viên. ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH QG Hà Nội đã thông báo điểm trúng tuyển NV2 của 12 ngành đào tạo. Trong đó chỉ có 4 ngành có điểm trúng tuyển cao hơn NV1 từ 0,5 đến 4,5 điểm. Trường không tuyển NV3 nhưng để đủ chỉ tiêu, trường đã “mở” cho các thí sinh một cơ hội khác. Những thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành toán học (mã 101) và ngành toán – tin ứng dụng (mã 103) có tổng điểm 21 không trúng tuyển được xét tuyển vào ngành toán – cơ (mã 102). Những thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành toán học (mã 101) có tổng điểm  từ 17 – 20,5 không trúng tuyển được xét tuyển vào ngành địa lý (mã 204). Những thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành toán – tin ứng dụng (mã 103) có tổng điểm từ 17 – 20,5 không trúng tuyển được xét tuyển vào ngành khí tượng – thủy văn – hải dương (mã 110). Những thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm vật lý (mã 113) có tổng điểm từ 17 – 22 không trúng tuyển được xét tuyển vào ngành địa chất (mã 206). Với chiêu thức tương tự, ĐH Văn Lang cũng ra thông báo thí sinh đăng ký NV2 nếu không trúng tuyển vào ngành đã đăng ký, có thể chuyển sang ngành học khác nếu thỏa mãn một số điều kiện như có cùng khối thi với ngành chuyển đến; đủ điểm tuyển của ngành chuyển đến; ngành chuyển đến còn chỉ tiêu. Cụ thể, ởkhối A, thí sinh đạt 13,5 điểmcóthể đăng ký chuyển qua các ngành: công nghệ thông tin (101), kỹ thuật nhiệt – lạnh (102), công nghệ & quản lý môi trường (301), công nghệ sinh học (302), quan hệ công chúng và truyền thông (601).Riêng trường hợp thí sinh muốn chuyển nguyện vọng xét tuyển qua ngành du lịch (405), điểm của thí sinh phải từ 14 điểm trở lên, vì ngành này đã gần đủ. Ở khối D, thí sinh đạt 13,5 điểm có thể đăng ký chuyển qua các ngành: quan hệ công chúng và truyền thông (601), CNTT, du lịch (405). Riêng thí sinh khối A đạt 15,0 điểm có thể đăng ký chuyển vào bất kỳ ngành nào cùng khối A (trừ vào ngành tài chính ngân hàng).
Như vậy, để “vớt” được tối đa số sinh viên cần thiết đến với mình, các trường đã cho sinh viên được quyền chuyển ngành nếu đáp ứng yêu cầu của trường mà không cần phải xét NV3.
Đua nhau đào tạo ngoài ngân sách
Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu ngoài ngân sách các trường được tuyển không quá 15% trong tổng chỉ tiêu được giao. Điểm trúng tuyển các trường không được thấp dưới 20 điểm. Theo học hệ ngoài ngân sách, sinh viên sẽ phải đóng học phí cao hơn từ 3-4 lần so với mức trần học phí 240.000 đồng/tháng của hệ chính quy.
Đào tạo ngoài ngân sách được xem là giải pháp tình thế đối với một số trường “quá tải” nhu cầu nhập học của sinh viên (hết chỉ tiêu ngân sách nhưng nhu cầu vẫn còn). Nhưng đến nay, xem ra với chủ trương được “thu học phí như sinh viên ngoài công lập”, nhiều trường đã đề xuất được tuyển sinh hệ ngoài ngân sách này. Điều này có thể được hiểu theo hai hướng: hoặc đây là “cần câu cơm mới” của các trường, hoặc thực tế đang tồn tại “trường ăn không hết trường lần chẳng ra”. Vì hiện có nhiều trường công lập nhưng vẫn phải tuyển đến NV3 (ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tuyển 55 chỉ tiêu ngành sư phạm kỹ thuật với mức điểm chỉ 15 (khối A) và 16 (khối B)). Những trường có đào tạo ngoài ngân sách gồm ĐH Kinh tế quốc dân đối với TS dự thi vào trường ở cả hai khối A và D với mức điểm từ 20 điểm trở lên đến sát điểm chuẩn NV1. Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thôngtuyển hệ tự túc kinh phí đào tạo đối với TS dự thi ĐH khối A theo đề thi chung: mức điểm nhận hồ sơ cơ sở phía Bắc: 18 điểm trở lên; cơ sở phía Nam: 15 điểm trở lên. Mỗi cơ sở 240 chỉ tiêu. Trường Đại học Ngoại thương: tại cơ sở 1 Hà Nội (780 chỉ tiêu), tại cơ sở 2 TP.HCM (145 chỉ tiêu). Học phí khoảng từ 9 – 10 triệu đồng/năm tùy theo số tín chỉ sinh viên đăng ký học hàng năm. Học viện Ngân hàng: đã gửi giấy trúng tuyển đại học hệ ngoài ngân sách cho các thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Các thí sinh này được tham dự học ngành kế toán – kiểm toán hoặc quản trị kinh doanh căn cứ vào nguyện vọng đăng ký. Nếu số lượng đăng ký vượt quá chỉ tiêu của một ngành, thí sinh sẽ được Học viện Ngân hàng bố trí vào ngành học còn lại. Mức học phí áp dụng thống nhất cho sinh viên đại học hệ ngoài ngân sách là 800.000 đồng/tháng. Học viện Tài chính đã thông báo điểm trúng tuyển cho thí sinh diện đóng học phí tự nguyện khối A là 21 điểm. Trường Đại học Kiến trúc TP.HCMcũng chính thức thông báo tuyển bổ sung những thí sinh thi có điểm cao để vào học có đóng bù kinh phí đào tạo.
Nguồn tuyển đã cạn?
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH hệ chính quy tăng 4,5% so với năm 2008, CĐ tăng 13,5%. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ (hệ chính quy) năm 2009 là hơn 502.000, trong đó chỉ tiêu ĐH là 256.552, CĐ là 245.835. Trong khi đó, số học sinh THPT tốt nghiệp năm 2009 là 872.413. Số liệu thống kê của Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT cho thấy số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên đối với khối A là 174.387, khối B là 77.563, khối C là 32.054 và khối D là 44.693. Tổng số thí sinh đạt từ sàn trở lên cả 4 khối A, B, C, D là 328.727. Như vậy, so với tổng chỉ tiêu ĐH (256.552) thì gần tương đương. Đã đến lúc có thể nói, chỉ tiêu dồi dào còn nguồn tuyển dần cạn. Chính vì vậy, ngay cả hệ sư phạm của nhiều trường công lập đã phải “vớt” đến NV3 và NV2 lấy từ điểm sàn hoặc chỉ dưới 20 điểm. Điểm trúng tuyển vào ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa hệ ĐH: sư phạm toán, sư phạm vật lý, sư phạm hóa: 17; ĐH Quy Nhơn: sư phạm sinh học: 16; sư phạm tiểu học (D1): 13, (M): 14; sư phạm tiếng Anh: 18; ngành sư phạm: kỹ thuật công nghiệp, tin học (A): 13; tâm lý giáo dục (B, C): 14; giáo dục chính trị (C): 16. ĐH Sư phạm Hà Nội 2 điểm trúng tuyển NV2 ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp A:15, B: 16. NV3 ngành này còn 55 chỉ tiêu, điểm xét tuyển bằng đúng điểm trúng tuyển NV2.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)