Không phải thủ khoa nhưng cậu học sinh nghèo, bán vé số Lê Tâm Hậu cũng “ẵm” cho mình hai lựa chọn vào cánh cửa đại học. Đó là đại học Sư Phạm Toán Huế với 21 điểm và đại học Nông Lâm Huế 17 điểm.
Lê Tâm Hậu và bố
Không là gánh nặng của gia đình
Sinh ra trong gia đình nghèo khó, nằm trong kiệt 35, đường Hoàng Diệu, TP Huế, cậu học trò Lê Tâm Hậu rất thấu hiểu hoàn cảnh nhà mình. Ba mẹ thường xuyên đau ốm, nhưng vẫn hàng ngày đi bán từng cặp vé số, rồi hai người chị cũng phải nghỉ học sớm để phụ giúp ba mẹ mưu sinh. Vì vậy, cậu học sinh Lê Tâm Hậu, không chỉ dành thời gian rãnh rỗi đi bán vé số cùng ba mẹ mà còn không ngừng cố gắng học tập thi đậu vào trường chuyên Quốc Học Huế và bây giờ là hai trường đại học.
Nhìn vào căn phòng chưa đầy 2m vuông chỉ vừa đủ đặt một chiếc giường đôi nhưng nó lại là chỗ vừa ngủ, vừa sinh hoạt và học tập của Hậu và người em trai. Ngoài có cái biệt danh là Hậu “vé số” của bạn bè đặt cho, thì cậu còn được mọi người trong gia đình gọi là Hậu “thức khuya” bởi chị Hậu là thợ may thường xuyên nhận hàng về nhà may kiếm thêm tiền. Vì vậy tiếng đạp máy làm cho Hậu thời gian đầu chưa quen được tiếng ồn này khiến cậu phải thức khuya hơn để học “bù”, và từ đó Hậu cũng quen luôn với việc đi ngủ muộn.
Tuy đậu hai trường, nhưng Hậu vẫn cảm thấy chưa bằng lòng bởi vẫn còn nuối tiếc với môn “ruột” của mình: “Em thích môn toán nhưng điểm lại thấp nhất, bởi đó là môn thi đầu tiên nên nó làm em mất bình tĩnh vì vậy kết quả không được như mong muốn, còn trường Nông Lâm thì em cũng chỉ thi cho vui”.
Ba Hậu tâm sự: “Nhà nghèo chưa có tiền nhập học nhưng cả nhà chúng tôi đã quyết tâm lần này sẽ làm đơn lên phường vay tiền”. Vì là gia đình thuộc diện nghèo khó nên vay cũng không mất tiền lãi, chú Hậu thêm vào.
Thấy gia đình khó khăn, tiền bán vé số hàng ngày của ba mẹ chỉ vừa lo đủ bữa cơm của cả nhà, nên còn gần một tháng mới nhập học nhưng Hậu đã rục rịch lo đi tìm “mối” dạy gia sư kiếm tiền tự nuôi mình. “Em sẽ tranh thủ học một buổi còn một buổi đi dạy kèm, như vậy vừa có tiền đỡ đần ba mẹ lại vừa rèn luyện được nghiệp vụ”, Hậu vạch kế hoạch cho mình.
“Sống là phải biết cho…”
Với phương châm: “Sống là phải biết cho chứ đâu chỉ nhận cho riêng mình”, vì vậy, cậu học trò có dáng người nhỏ bé này đã gác lại ước mơ đầu tiên của mình không thi vào đại học Kinh Tế ở Sài Gòn mà đã chọn sư phạm toán ở Huế. Hậu giải thích: “Thứ nhất gia đình em nghèo thi vào Sư phạm Toán, học phí sẽ ít hơn các trường khác, thứ hai ước mơ khác của em là làm giáo viên dạy toán (ngoài ra Hậu cũng rất thích làm doanh nhân), thứ ba vào Sài Gòn ba mẹ sẽ nuôi em khó khăn hơn và cuối cùng là em còn phải kèm cho cậu em năm nay lên lớp 11 của em học nữa”.
Căn nhà Hậu đang sống có đến hai gia đình sinh sống nhưng trong nhà không có lấy một chiếc ti vi, xe máy hay bất kì một đồ dùng hiện đại hơn. Vậy mà ước mơ của cậu học trò nghèo này lại rất giản dị “là một giáo viên dạy chữ cho những em học sinh nghèo”. Hậu nói: “Em đã đấu tranh rất nhiều giữa chọn thi kinh tế để có cơ hội kiếm nhiều tiền hay chọn nghề sư phạm, và rồi em đã chọn sư phạm vì nhà em tuy nghèo nhưng ngày nào cũng đầy ắp tiếng cười, luôn được bà con trong xóm đến hỏi thăm và em nhận ra học đại học để làm người chứ không phải để kiếm tiền”.
Khi biết được ước mơ của cậu con trai mình quá giản dị, với nhiều người còn là “dị thường” bởi nhà đã rất nghèo nhưng Hậu lại không hề có ước mơ làm giàu mà chỉ trở thành một ông thầy giáo thật tốt. Ba Hậu không khỏi tự hào: “Đời chúng tôi nghèo nhưng có khổ đến mấy cũng quyết tâm nuôi cho con ăn học để trở thành người tốt”.
Thiên Thư (dan tri)
Bình luận (0)