Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hãy bắt đầu từ gia đình

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (nghị quyết số 29-NQ/TW). Nghị quyết có nội dung về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong đó, nhấn mạnh tình yêu gia đình là đầu tiên, sau đó là tình yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước… Điều này thật hết sức đúng đắn. Thế nhưng, để trẻ yêu gia đình thì gia đình phải là điểm tựa vững chắc cho trẻ và gia đình phải thật sự là cái nôi giáo dục trẻ.
Khi đứa trẻ bắt đầu cất tiếng ê, a thì điều đầu tiên ông bà, cha mẹ dạy cho con cháu là khoanh tay, cúi đầu “ạ” người lớn. Tiếng “ạ” càng lớn, càng được mọi người khen. Đó chính là bài học “Tiên học lễ” mà gia đình đã dạy cho trẻ. Lớn hơn chút nữa là bài học “Đi thưa, về trình”, rồi “Trên kính dưới nhường”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Thương người như thể thương thân”… Nhân cách của một đứa trẻ đã được hình thành từ sự giáo dục của gia đình.
Trước đây, hiếm ai được học cao, hiểu rộng thế nhưng mọi người đã luôn giáo dục con cháu những điều tốt đẹp để trở thành người có ích cho gia đình, cho đất nước. Ngày nay, đa số cha mẹ có trình độ học vấn, có bằng cấp cao. Thế nhưng, dường như sự giáo dục con cái ở gia đình hết sức lơi lỏng, phó thác tất cả cho nhà trường, cho thầy cô giáo. Nhiều phụ huynh khi được tôi nhắc nhở học sinh có những biểu hiện chưa ngoan thì đã trả lời: “Thầy cô la cháu giùm, chứ tôi nói cháu không nghe”. Như vậy, từ trước đến giờ ai đã răn dạy khi các em sai? Tôi đã hết sức ngạc nhiên và tự hỏi “Vai trò, trách nhiệm giáo dục con cái của cha mẹ, của gia đình ở đâu?”. Có phải chính vì sự giáo dục quá lơi lỏng từ phía gia đình, trẻ thiếu nền tảng đạo đức cơ bản nên các em sớm nhiễm thói hư, tật xấu.
Ngay cả chuyện học tập, các bậc cha mẹ xưa dù học vấn ít ỏi nhưng rất “Tôn sư trọng đạo”, không dạy con được kiến thức văn hóa thì luôn dạy con phải kính trọng, vâng lời thầy cô, nhắc nhở con cái làm bài, học bài. Thấy cha mẹ rất quan trọng việc học nên con cái luôn cố gắng học để cha mẹ vui. Ngoài kiến thức sách vở, có biết bao kiến thức thực tế mà chỉ gia đình mới dạy con cái mình được. Có vốn sống phong phú thì trẻ mới dễ dàng tiếp thu các kiến thức khoa học tự nhiên hay xã hội mà thầy cô dạy ở trường. Không bài học đạo đức, bài học giáo dục công dân nào hay bằng chính lời dạy, chính cách sống của ông bà, cha mẹ.
Theo tôi, gia đình là cái nôi giáo dục. Chấn hưng giáo dục hãy bắt đầu từ gia đình. “Nhân hòa, đức độ, gia đình thịnh/ Tài trí, anh hùng, Tổ quốc hưng”.n
Nhân Tâm (Q.4, TP.HCM) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)