Cứ vào dịp hè, nhiều bậc phụ huynh lại vô cùng lo lắng, trước những tháng hè, phụ huynh thực sự không biết nên cho trẻ: Chơi gì? Nơi đâu và quan trọng nhất là vừa vui, vừa an toàn cho những đứa trẻ. Vấn đề dường như không phải là một câu hỏi mà trở thành bài toán sao đầy thách thức. Vì sao ư? Vì nhiều lý do nhất định khi cha mẹ bận rộn, con cái càng lúc càng muốn xa cha mẹ, con cái luôn cảm thấy việc học tập là những áp lực vô hình quá lớn…
Cha mẹ nên cùng xã hội giúp con có nhiều kỹ năng sống hơn (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Hè – nỗi lo của phụ huynh
Những nỗi lo của phụ huynh trong kì nghỉ hè là hoàn toàn có cơ sở, khi mà ở thành phố trẻ thiếu đi không gian để trải nghiệm thực tế, các phương tiện truyền thông đại chúng năm bữa nửa tháng lại đưa tin về một vụ đuối nước ở trẻ, nếu cứ tiếp tục cho con đến lớp như trong năm học thì có còn được gọi là kì nghỉ nữa hay không?
Hiện đang có hai con trong kì nghỉ hè, anh Dũng nhà ở Bình Tân, TP.HCM lại tỏ ra vô cùng lo lắng, khi công việc buôn bán của gia đình anh quá bận rộn, vào dịp hè anh chị cũng không có thời gian để đồng hành cùng con, khi trẻ không phải đến trường thì ti vi và máy tính bảng từ bao giờ trở thành bạn đồng hành của các cháu. Mặc dù khá lo lắng nhưng anh chị vẫn phải chấp nhận và phó mặc cho tình hình hiện tại. Thế nhưng, anh vẫn mong rằng con mình tích lũy được chút gì đó chứ không chỉ chơi vì anh nghĩ mọi thứ đều có thể có lợi nếu con biết cho mình những cơ hội quý.
Trong lúc dù các con đang trong kì nghỉ hè thì cha mẹ lại không trong kì nghỉ, việc sắp xếp để cả gia đình đi du lịch hay dã ngoại cũng chỉ trong một thời gian ngắn. Sau đó lại trở nên lệch pha, nỗi lo lại lớn hơn ban đầu. Không chỉ anh Dũng mà nhiều bậc cha mẹ khác cũng không biết bắt đầu từ đâu để cho con mình có nhiều cơ hội vừa nghỉ hè, vừa chơi, vừa học… Bài toán cân bằng trở thành bài toán khó không chỉ cho anh…
Không thể trách các bậc cha mẹ khi quá bận rộn. Nhiều bậc cha mẹ có khuynh hướng để cho con học cái gì đó cho rảnh chuyện. Đó là chưa kể một số bậc phụ huynh còn giao khoán con cho một hoạt động gì để không bực bội bất ngờ… Nhiều bậc phụ huynh còn mong mỏi làm sao chỉ cần đừng hư hỏng và lêu lổng… Thế là lấy iPad làm bạn, máy tính làm thầy cô… Tất cả dần trở thành thói quen khó thay đổi của trẻ sau vài tháng hè đầy thách thức…
Sao không biến những ngày hè thành những ngày trải nghiệm thực sự có ý nghĩa cho chính trẻ? Câu hỏi tưởng chừng dễ dàng giải đáp nhưng câu trả lời thì không đơn giản. Đâu là cách để giúp ghi dấu mùa hè của trẻ thực sự mang lại nhiều tiếng cười và giá trị sau khoảng thời gian học tập căng thẳng, cha mẹ không dễ có lời giải đáp nếu quá vội vàng. Hãy lưu vào sổ tay nhỏ của mình những gợi ý này để đồng hành cùng sự lớn lên của con mình nhé! Nhưng quan trọng nhất là ứng dụng ngay để con mình có thêm mùa hè thú vị…
Kế hoạch cho mùa hè
Hãy dành thời gian xây kế hoạch
Một mình phụ huynh thì có thể xây dựng kế hoạch mang tính chủ quan, dẫn đến việc trẻ bị áp đặt vào những công việc mà trẻ không thích. Sao không thay vào đó là cả trẻ và cha mẹ cùng ngồi xuống, vạch ra kế hoạch cho một mùa hè, ví dụ tháng 6 con sẽ tham gia chương trình ngoại khóa, một câu lạc bộ nhạc cụ, về quê để được trải nghiệm một ngày làm nông dân, qua tháng 7 tham gia vào lớp Anh văn… Chính khi cả gia đình cùng lên ý tưởng, cho những khoảng thời gian cụ thể, cha mẹ có cơ hội hiểu trẻ hơn, trẻ cảm thấy mình được tôn trọng, muốn nói lên suy nghĩ của bản thân mình.
Cùng con lựa chọn hoạt động
Cùng trong một khoảng thời gian hè, nhưng mỗi bậc phụ huynh lại có cách khác nhau để giúp trẻ có những ngày hè thực sự “sôi động”, điều vô cùng quan trọng là đồng hành cùng con để trẻ có những kỉ niệm đáng nhớ về tháng ngày tuổi thơ. |
Một số bậc phụ huynh luôn muốn đóng vai trò quyết định và thể hiện tầm quan trọng của mình trong gia đình, điều này không là vấn đề lớn. Tuy nhiên, với một mùa hè của trẻ thì nên chăng mình để cho con lựa chọn hoạt động mà thực sự trẻ yêu thích, cha mẹ sẽ kề vai sát cánh bên những hoạt động, cũng có thể động viên để trẻ tham gia vào những sân chơi mà trẻ muốn, nhiều khi trẻ có phần còn rụt rè và e ngại. Để hè là cơ hội hình thành cho trẻ sự tự tin và được là chính mình.
Nếu có thể hãy sát cánh cùng con trong những hoạt động, ví dụ khi trẻ tham gia một trận đá bóng, có cha mẹ ngồi ở hàng ghế cổ động viên thì đó là điều vô cùng tuyệt vời, khi trẻ nấu một món ăn hay trồng một mầm cây, có cha mẹ động viên khuyến khích sẽ tạo nên sự gắn kết và yêu thương giữa các thành viên trong tổ ấm.
Hướng dẫn con thêm những kỹ năng sống
Hoạt động ngoại khóa với những chương trình về giáo dục kỹ năng hiện nay sẽ giúp học sinh vừa học vừa chơi, khám phá năng khiếu của bản thân, hòa đồng với bạn bè và tự tin hơn. Tại TP.HCM, học sinh có thể tham gia rất nhiều câu lạc bộ, lớp học ngoại khóa phù hợp: làm gốm, câu lạc bộ chụp ảnh, trượt băng, trại hè thể thao … Cho con tham gia những hoạt động này, phụ huynh có thể yên tâm với lịch sinh hoạt của con mà lại không phải “đau đầu” suy nghĩ hè phải đưa con đi du lịch hay khó khăn đưa đón con.
Những năm gần đây, bên cạnh những sân chơi nhằm phát huy năng khiếu thì ngày càng có nhiều sân chơi giúp các em rèn luyện được kỹ năng sống hoặc thích nghi với môi trường sống. Các nhà thiếu nhi, các nhà văn hóa trên địa bàn thành phố đều có nhiều chương trình sinh hoạt hè dưới hình thức tổ chức các chuyến đi dã ngoại ở Cần Giờ, Củ Chi hoặc xa hơn nữa là các chuyến đi về các tỉnh lân cận nhằm khám phá thiên nhiên, rèn luyện thể lực, tăng cường quan hệ bạn bè, gia đình, hoặc học tính tự lập trong cuộc sống… Chẳng hạn như Nhà Thiếu nhi thành phố đang có trại hè “Tung cánh đại bàng con”, Nhà Văn hóa Thanh niên có các chương trình học kỳ quân đội… Tùy thuộc vào địa điểm xa hay gần, số kỹ năng được đào tạo mà có mức học phí khác nhau. Trung bình mỗi lớp này có mức học phí khoảng 4 đến 7 triệu đồng/trẻ với thời gian khoảng một tuần.
Hiện nay, những sân chơi mang tính cộng đồng cũng được tăng cường. Vào những ngày cuối tuần, tại các công viên lớn như Tao Đàn, Lê Thị Riêng, Lê Văn Tám… nhiều đội, nhóm hoạt động cắm trại, sinh hoạt tập thể rất sôi nổi. Tại đây, các em được chơi các trò chơi dân gian, rèn luyện các kỹ năng như: giao tiếp, giúp đỡ công việc nhà, chăm sóc bản thân, tập dựng lều trại, sửa đồ dùng bị hỏng…
Chị Hoàng Thị Thủy (quận Bình Thạnh) vui mừng cho biết, từ ngày cho con tham gia hoạt động vào nhóm Sao Bắc Đẩu đã thấy con nhanh nhẹn, hoạt bát hơn rất nhiều và tự biết chăm sóc bản thân hơn. Trong khi trước đó, con chị không được nhanh nhẹn, ít nói, đi học về chỉ xem ti vi hoặc nằm đọc truyện. Trong những mùa hè trước chị đã nhìn thấy chương trình và ý nghĩa của nó, nhưng cứ chần chừ mãi, cho đến năm nay, khi chị chia sẻ điều này thì con trai nhà chị gật đầu nhanh chóng, một kế hoạch được thực hiện, cùng sự đồng hành, ủng hộ của mẹ cho bé thêm phần tự tin.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn
Bình luận (0)