Theo các chuyên gia giáo dục, ý nghĩa của ngày bế giảng còn hơn bao nhiêu những lời thuyết giảng sáo rỗng mà thầy cô giáo không được xem nhẹ (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh |
Vừa qua, không ít phụ huynh bất bình về việc con mình không được đi dự lễ bế giảng cuối năm với nhiều lý do như khuôn viên trường hẹp, công trình đang xây dựng…
Là phụ huynh có con đang học tiểu học, tôi chia sẻ những khó khăn của nhà trường. Song, lý do mà nhà trường đưa ra liệu có thuyết phục được phụ huynh hay không? Lễ bế giảng hay khai giảng đều là sự kiện vô cùng quan trọng đối với học sinh cũng như phụ huynh. Trong lễ bế giảng, học sinh sẽ được gặp mặt bạn bè trong lớp, ôn lại những kỷ niệm và chia tay sau ba tháng hè mới gặp lại. Ngoài ra, lễ bế giảng cũng là dịp để học sinh lắng nghe những thành quả mà nhà trường cùng các bạn học sinh gặt hái được, bản thân mình cũng trưởng thành hơn so với đầu năm học để cố gắng phấn đấu trong năm học tới.
Không một lý do nào có thể biện minh cho việc các em học sinh lại không được tới dự lễ khai giảng cũng như bế giảng ở trường mình? Phải chăng là sự thiếu cân nhắc, tính toán hay là sự hạn chế về hiểu biết về tâm lý sư phạm. Các em là lứa tuổi mới lớn, muốn khẳng định mình, cái tôi ở các em phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, các em cảm thấy tự ti và chán ghét trước sự thiếu công bằng của người lớn tạo ra. Bởi thế các nhà giáo dục nhất là thầy cô giáo luôn tìm cách để giúp các em có điểm tựa tinh thần quan trọng trước những khó khăn vướng mắc, đặc biệt giúp các em lấp đầy những khoảng trống bởi yếu tố khách quan lẫn chủ quan trong sự phát triển mạnh của lứa tuổi. Vậy mà, ngày bế giảng các em lại không được đến dự thì quả là thiếu công bằng. Tôi nghĩ, những em học sinh giỏi khi lên nhận phần thưởng chắc cũng không vui vẻ gì cho lắm khi các bạn cùng lớp lại không được đến dự và chia sẻ niềm vui. Các em không được đến dự chắc chắn sẽ nảy sinh tâm lý là: mình luôn kém hơn bạn bè, mình lười học tập, mình không xứng đáng… Rồi các em sẽ nghĩ gì về các thầy cô giáo của mình? Liệu các em ở nhà có suy nghĩ được rằng: Mình không được dự bế giảng vì thành tích học tập chưa tốt. Sang năm, mình phải cố gắng học giỏi để được đi dự lễ bế giảng? Trong khi quan điểm của ngành giáo dục là các trường phải cho toàn thể học sinh của trường dự lễ bế giảng năm học.
Lẽ ra ngày bế giảng tất cả học sinh được đến dự và chia sẻ niềm vui cùng các bạn có thành tích tốt, đồng thời được thầy cô giáo cùng lãnh đạo nhà trường động viên, chia sẻ để năm học tới các em sẽ cố gắng phấn đấu. Thậm chí, các thầy cô giáo còn dành nhiều lời động viên cho các em có thành tích chưa tốt, qua đó các em sẽ cảm thấy mình được coi trọng và quyết tâm thực hiện. Ý nghĩa của ngày bế giảng như những bài học kinh nghiệm, bài học giá trị còn hơn bao nhiêu những lời thuyết giảng sáo rỗng mà chúng ta không được xem nhẹ.
Lứa tuổi học sinh, các em có quyền được thông tin, quyền được giáo dục, quyền được vui chơi giải trí và tham gia các hoạt động văn hóa, quyền được phát triển về nhân cách (về mặt tâm lý và xã hội), quyền phát triển về sức khỏe và thể lực… đã được quy định trong Công ước về quyền trẻ em.
Mong rằng thầy cô giáo đừng bao giờ khoét sâu thêm những khoảng trống trong lòng khi mà các em đang phải nỗ lực vượt qua những khó khăn xáo trộn của cuộc đời.
Lê Hoàng
Bình luận (0)