Số liệu thống kê từ các bệnh viện cho thấy, số trẻ bị tai nạn thương tích trong ba tháng hè luôn cao hơn rất nhiều so với những tháng khác trong năm. Đặc biệt là tai nạn giao thông khoảng 7.000 ca, té ngã trên 6.000 ca, 400 ca bỏng…
Những tai nạn này đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như gây chấn thương nội tạng, chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, gãy tay, gãy chân; vết thương bị co rút, biến dạng do bỏng. Thậm chí có nhiều trường hợp xử lý không đúng cách, không được cấp cứu kịp thời đã dẫn đến tử vong. Điều đáng nói ở đây là không ít tai nạn đã xảy ra cho trẻ do sự bất cẩn, thiếu hiểu biết của người lớn. Rất nhiều vụ tai nạn xảy ra trong chính ngôi nhà tưởng rằng an toàn của trẻ…
Vậy làm sao để trẻ có một mùa hè an toàn? Theo bác sĩ Trần Thị Kim Chi – UBDSGĐ-TE TP.HCM thì các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần lưu ý:
Với trẻ từ 2 tuổi trở xuống: Nôi, giường của trẻ nên có song chắn đảm bảo an toàn phòng tránh té (ngã). Nguy cơ té (ngã) còn xảy ra và gây thương tích nặng khi trẻ nằm võng được đưa quá mạnh, võng không giữ được độ thăng bằng, dễ bị lật ngược. Bắt đầu biết bò, tập đi, trẻ thường bò khắp nơi, thậm chí bò xuống cầu thang. Vì vậy, cầu thang luôn có tay vịn và chốt chặn cửa. Nhà bếp, nơi nấu ăn cũng phải có cửa chắn, phòng tránh bỏng cho trẻ. Cẩn thận khi cho trẻ đi xe tập đi, không sử dụng xe tập đi cho trẻ dưới 6 tháng.
Tủ thuốc, ổ cắm điện nên để trên cao xa tầm tay trẻ. Các vật dụng nhỏ như nút quần áo, tiền xu cần phải để nơi an toàn; không cho trẻ chơi những đồ chơi nhỏ có hình tròn đề phòng trẻ nuốt phải gây nghẹt thở. Người cho trẻ ăn phải ngồi đối diện trẻ để dễ quan sát. Trẻ nên ngồi ghế có bàn ăn trước ngực tạo sự an toàn.
Trẻ từ 3 đến 5 tuổi: Không cho trẻ cầm các vật dễ vỡ (ly, chén), sắc nhọn (dao, kéo) dễ gây nguy hiểm khi trẻ té (ngã). Để xa tầm tay trẻ các vật dụng như quẹt diêm, bật lửa, nồi canh – nước nóng, xăng dầu, bình xịt muỗi, nước rửa chén. Đây là những vật dụng có thể gây tai nạn, thương tích cho trẻ. Không để trẻ cười đùa quá mức hoặc khóc trong khi ăn vì dễ có nguy cơ sặc thức ăn vào đường thở gây tử vong. Để phòng tránh trẻ bị chết đuối, hồ ao cần có rào chắn an toàn. Nhà tắm và lu nước cần có chốt gài cửa ngăn chặn trẻ vào nghịch nước có thể gây chết ngạt. Giếng nước luôn có nắp đậy tránh trẻ bị té xuống giếng…
Trẻ từ 6 tuổi trở lên: Không được để trẻ chơi đùa, đá banh dưới lòng, lề đường. Trẻ muốn băng sang đường phải có người lớn đi cùng. Dạy trẻ khi trời mưa dông sấm sét thì không đứng dưới cây cao, khu đất trống; không đứng gần cửa sổ trên lầu; không bật ti vi, hạn chế nghe điện thoại.
Dặn trẻ không được thả diều trong thành phố, không được leo lên cột điện, không được chọc phá tổ ong. Nếu bị ong đốt và có triệu chứng như nổi mề đay, tiểu đỏ, ít tiểu, mệt mỏi, tay chân lạnh thì đưa ngay đến bệnh viện. Khi bị rắn, nhện độc, ong vò vẽ cắn phải đưa tới trạm y tế gần nhất để điều trị.
Khi trẻ bị bỏng, người lớn cần làm gì? Ngay lập tức ngâm vùng bị bỏng vào nước mát, sạch khoảng 15 – 20 phút (lặp lại vài lần). Những vị trí không thể ngâm thì dùng khăn ướt đắp mát khoảng 20 phút. Tuyệt đối không đắp nước đá, không dán băng dính, không đâm thủng nốt phỏng, không dùng bông gòn rửa vết thương, không lấy bất cứ vật gì ra khỏi vết thương. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Tỷ lệ trẻ chết đuối ở nước ta tương đối cao, đặc biệt là khu vực có nhiều sông rạch, ao hồ. Vì vậy, mọi trẻ em nên được học bơi. Khi trẻ bị chết ngạt, người lớn phải hô hấp nhân tạo ngay lập tức (hà hơi thổi ngạt miệng qua miệng phải sát nhau không được hở). Đồng thời gọi phương tiện cấp cứu hoặc đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.
Kim Anh
Bình luận (0)