Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Hãy chọn ngành hướng tới kỷ nguyên 4.0

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là lời khuyên được các chuyên gia đưa ra trong Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Phước Long (Q.9) vừa qua.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa khuyên các em học sinh trước khi chọn ngành nghề hãy hỏi ý kiến cha mẹ và thầy cô chủ nhiệm lớp. Ảnh: Y.Hoa

Chương trình có sự đồng hành của hơn 10 trường ĐH tại TP.HCM như: ĐH Hoa Sen, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Nông Lâm, ĐH Công nghệ (HUTECH), ĐH Kinh tế – Tài chính (UEF), ĐH FPT, ĐH Quốc tế Sài Gòn… Theo đó, chương trình không chỉ mang đến những thông tin hữu ích về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sắp tới, mà còn trang bị những kỹ năng, xu hướng nghề nghiệp trong tương lai để học sinh trong trường có cách lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Đừng nhìn chữ “ĐH” mà chọn sai ngành

Lời khuyên này được ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) đưa ra cho hơn 1.000 học sinh trong trường. Theo ông Tuấn, 2018 là năm phát triển hội nhập cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đưa ra sự khan hiếm, thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao dù hiện tại con số cử nhân, kỹ sư thất nghiệp là trên 237 ngàn người. “Tốc độ việc làm đang tăng trưởng rất mạnh với những nhóm ngành nghề đào tạo vô cùng phong phú. Nhất là các nhóm ngành nghề về công nghệ kỹ thuật, nhóm ngành CNTT kết hợp với tư duy, công nghệ cao trong các khu công nghiệp”, ông Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, nhóm ngành kế toán, kiểm toán cũng đang “trống” nhân lực để hội nhập. Nhóm ngành sư phạm lại đặt ra thách thức về một thế hệ nhà giáo 4.0, vừa kết hợp được công nghệ vừa có tâm, có tài. “Hãy tùy vào năng lực bản thân để lựa chọn một môi trường học tập phù hợp, từ TC, CĐ đến ĐH thậm chí là học nghề. Quan trọng là xây dựng cho mình một giá trị hành nghề, nhất là kỹ năng kỷ luật và ngoại ngữ. Học một nghề tích hợp được nhiều nghề, làm việc được ở bất kỳ môi trường nào”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đi theo tiếng gọi của… năng lực, triển vọng

Đây là lời nhắn nhủ được các chuyên gia tư vấn đưa ra cho học sinh trong trường trước băn khoăn về việc nên chọn ngành nghề theo đam mê, sở thích hay theo năng lực, triển vọng của bản thân. “Ai chẳng thích làm ca sĩ, làm diễn viên vừa hào quang lại vừa dễ kiếm tiền. Thế nhưng, sở thích, đam mê thôi chưa đủ. Các em phải có một tố chất, một năng lực để phù hợp với ngành nghề đó”, ThS. Nguyễn Thị Tú Loan (Phó Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH FPT) nhận định. Đồng tình với quan điểm trên, ThS. Nguyễn Phượng Hoàng (đại diện Trường ĐH Hoa Sen) cho rằng, với mỗi ngành nghề đều đòi hỏi một kỹ năng riêng. Mình thích là một chuyện, còn phù hợp hay không lại là một chuyện khác. Các em hãy dựa vào khả năng về kiến thức, về sức khỏe, tư duy để lựa chọn một bậc học phù hợp, một ngành nghề phù hợp.

Một học sinh đặt câu hỏi cho Ban tư vấn. Ảnh: Y.Hoa

Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam), bên cạnh việc tự mình khám phá ra năng lực của bản thân bằng những trắc nghiệm nghề nghiệp, các em hãy hỏi ý kiến của cha mẹ, thầy cô chủ nhiệm lớp để tìm hiểu xem mình có phù hợp với ngành nghề đó hay không.

Chọn ngành nghề kết hợp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Trước những thắc mắc của học sinh về cơ hội nghề nghiệp của nhóm ngành CNTT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (tương lai 6-7 năm tới), ThS. Trần Hữu Xuân Thu (Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết hiện tại nền kinh tế nước ta mới đang ở giai đoạn vừa chạm ngõ thời kỳ 4.0. Vì vậy, khoảng 6-7 năm tới mới chỉ ở mức đang phát triển. “Cơ hội nghề nghiệp sẽ cực kỳ nhiều khi các em trang bị cho mình đủ hành trang về tri thức, kỹ năng hội nhập, vốn ngoại ngữ”, ThS. Thu nói. Trong khi đó, ThS. Đặng Kiên Cường (Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) đưa ra nhận định rằng, có thể với mỗi học sinh, việc xác định một nghề nghiệp hiện tại là chưa rõ ràng. Nhưng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, các em có thể tìm hiểu về nhóm ngành công nghệ sinh học. Đây là một nhóm ngành có vị thế đặc biệt quan trọng trong nền công nghiệp 4.0, liên quan đến mọi vấn đề từ sinh học, y tế, nông nghiệp, thực phẩm…

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển, không thể không kể đến sự “thăng hoa” của giao thông vận tải. Theo TS. Phạm Phú Cường (Trưởng khoa Vận tải kinh tế Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM), rất nhiều nhóm ngành nghề mới trong lĩnh vực này được mở ra để phù hợp với thời cuộc. “Ngành lô-gic-tic cung ứng vận tải tận nơi đến người tiêu dùng; ngành ITF hay còn gọi là giao thông thông minh hướng tới kỷ nguyên 4.0, vận dụng CNTT để quản lý giao thông vận tải…”, TS. Cường cho biết.

Bên cạnh đó, nhóm ngành thiết kế thời trang, ngôn ngữ Anh cũng được đông đảo học sinh quan tâm và được các chuyên gia nhiệt tình tư vấn. “Dù lựa chọn bất cứ ngành nghề nào, các em hãy đừng chạy theo xu hướng. Quan trọng nhất là xác định được thế mạnh của bản thân kết hợp với thời cuộc, không ngừng học tập tích lũy kiến thức”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa nhắn nhủ.

Yến Quân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)