Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hãy chú trọng quan tâm quản lý, giáo dục con cái

Tạp Chí Giáo Dục

Chủ nhật vừa rồi, đi ăn sáng ngoài đầu ngõ, tôi vô tình ngồi cạnh nhóm các em học sinh nữ khoảng trên, dưới 15 tuổi. Các em nói chuyện to như cãi nhau, một cô bé chửi bậy vô cùng, rồi rút điếu thuốc lá ra hút, nhả khói vẻ sành điệu. Lát sau, xuất hiện thêm 3 bạn nam, cả nhóm bàn nhau đi karaoke. Một bạn nam nhắc chiều nay có giờ học thêm nhưng bị mọi người gạt ngang. Cô gái hút thuốc nhắc bạn nam nhớ đem theo chai rượu như hôm trước, uống cho đã. Ăn uống xong, cả nhóm hẹn địa điểm, kéo nhau đi…

Trước đó, cũng vào sáng cuối tuần, khi uống cà phê tại một quán ở một quận trung tâm thành phố, tôi gặp nhóm 4 nam sinh mặc đồng phục, chọn bàn khuất sau gốc cây, lấy thuốc lá điện tử ra hút và tổ chức đánh bài. Một em trong nhóm hỏi người kế bên có tiền không mà đòi chơi mãi vậy(?!), bạn này đáp: “Yên tâm đi, tao xin bao nhiêu bố mẹ cũng cho, nói đóng tiền học, mua vật liệu thực hành…”. Không biết phụ huynh các em nghĩ sao khi chứng kiến con chia bài thành thạo, dùng chung dụng cụ hút thuốc, đốt thời gian vào những trò vô bổ…

Khoảng 3 tháng kể từ ngày mua cho con điện thoại di động thông minh, Thùy Hương, nhà ở một khu dân cư ven thành phố, thấy con gái (đang học lớp 9) có biểu hiện lạ. Sợ ảnh hưởng việc học, chị nhắc nhở thì con cau có, bảo: “Chuyện của con, mẹ đừng xen vào!”. Tới giờ cơm, con không trò chuyện như mọi khi mà cắm mặt vào điện thoại, lấy cớ hỏi bạn chuyện bài vở. Chị âm thầm tìm hiểu thì phát hiện con tham gia nhiều nhóm trên mạng, kết giao nhiều giới, thành phần phức tạp. Điều khiến chị lo ngại là cách con nói chuyện, dùng tiếng lóng, văng tục chửi bậy tùy tiện, không phải cách sinh hoạt hằng ngày trong gia đình. Con chị còn xem một số trang web nội dung nhạy cảm, sa đà vào chuyện yêu đương với một bạn nam cùng trường, đã hẹn nhau đi ăn uống, đi chơi. Chị Hương kể: “Vợ chồng tôi đã nói chuyện thẳng thắn với con. Lúc đầu, con phản ứng ghê lắm, cho rằng cha mẹ không tin tưởng, theo dõi nhưng tôi kiên quyết không giao điện thoại cho con như trước mà chỉ cho lên mạng trong thời gian nhất định. Tôi nhờ người dì có mối quan hệ tốt với con khuyên nhủ, hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn. Cũng may tôi phát hiện sớm nên kịp thời ngăn ngừa con không sa vào chuyện xấu”.

Còn trường hợp của vợ chồng chị Lê Quyên, nhà ở một huyện ngoại thành, chưa biết xử lý ra sao với cậu con trai lớp 8 nghiện game nặng. Do nhà gần trường, chị cho con tự đi học, phát tiền ăn sáng và trưa. Bận bịu buôn bán, chị Quyên ít có thời gian hỏi han, kiểm tra chuyện bài vở. Mấy lần giáo viên nhắc con học sa sút, chị quát mắng vài câu rồi thôi, không đi họp phụ huynh. Đến khi cô giáo đến nhà thông báo con thường xuyên bỏ tiết, vào quán chơi game, vào lớp ngủ gật, không thuộc bài… chị Quyên mới tá hỏa, vô cùng lo lắng. Khi chị Quyên tịch thu điện thoại thì con tuyên bố: “Mẹ muốn con chơi game hay chơi ma túy, hay bỏ nhà đi…?”. Nghe con trả lời vậy, chị Quyên thực sự cảm thấy bất lực và không biết sẽ xử trí với con ra sao…(?!)

Gia đình có vai trò rất lớn trong việc giáo dục, hình thành tính cách con cái. Nhưng hiện nay, nhiều phụ huynh vì mải lo kinh tế, công việc nên có phần lơ là trong dạy dỗ, quản lý. Vì tương lai của con, dù bận bịu thế nào đi nữa thì cha mẹ hãy dành thời gian quan tâm, đừng để con nhiễm thói hư tật xấu, có nguy cơ rơi vào vòng xoáy tệ nạn rồi mới uốn nắn thì đã muộn.

Nguyn Th Cm Anh (TP.HCM)

 

Bình luận (0)