Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hãy dành vài phút để biết cách cứu người bị đột quỵ

Tạp Chí Giáo Dục

Đột quỵ hay bị hiểu nhầm là cảm gió, có thể cướp đi sinh mạng của bệnh nhân hoặc để lại di chứng liệt. Nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ và sơ cứu đúng cách có thể cứu tính mạng bệnh nhân, không để lại di chứng. 

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM (phải) /// Nhật Diễm

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường – Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM (phải). NHẬT DIỄM

Đột quỵ là gì?

Theo thống kê, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, trong đó có hơn 50% tử vong. Trong khoảng vài năm trở lại đây, số người bị đột quỵ ngày càng gia tăng, nhất là ở độ tuổi 40 – 50 tuổi, trở thành mối lo ngại cho xã hội.

Theo TS.BS Trần Chí Cường – Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM: Đột quỵ là tình trạng ngưng trệ cấp máu cho não do hai nguyên nhân gây ra là vỡ mạch máu não và tắc nghẽn mạch máu não.

Khi đó tế bào não bị cắt nguồn nuôi làm tế bào não ngưng hoạt động, kéo theo chức năng dây thần kinh do tế bào não điều khiển bị ngưng trệ.

Ví dụ dây thần kinh đó điều khiển vấn đề yếu liệt thì bệnh nhân sẽ có biểu hiện yếu liệt, dây thần kinh đó biểu hiện điều khiển giọng nói thì khi đột quỵ bệnh nhân sẽ không nói chuyện bình thường được.

Ba dấu hiệu cơ bản để nhận biết bệnh nhân bị đột quỵ

1. Khi bị đột quỵ, khuôn mặt bênh nhân sẽ bị méo, xệ một bên. Có thể nói bệnh nhân cười thử để nhìn rõ hơn tình trạng này.

2. Tay chân bệnh nhân bị yếu, liệt. Khi nói bệnh nhân đưa tay hoặc chân lên thì một bên tay, chân bị rơi xuống, không thể đưa tay, chân lên được.

3. Bệnh nhân có dấu hiệu nói đớ, không thành tiếng hoặc nói các từ vô nghĩa.

Theo TS.BS Trần Chí Cường, khi người nhà phát hiện bệnh nhân có những biểu hiện bị đột quỵ thì cần có những bước sơ cứu cho bệnh nhân bước sau:

– Đầu tiên là kiểm tra đường thở của bệnh nhân, xem bệnh nhân có còn thở hay không để tiến hành khai thông đường thở.

Trường hợp bệnh nhân bị tắc nghẽn đường thở do bị hít sặc đồ ăn thì chúng ta phải nhanh chóng móc đồ ăn ra. Đặc biệt với người lớn tuổi hay sử dụng răng giả, nếu hít phải răng giả dẫn đến tắc nghẽn cần nhanh chóng móc răng giả ra.

Khi bị tắc nghẽn đường thở trong vòng 4 phút bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng ngưng thở khiến não bị tổn thương hoàn toàn. Nếu như vậy, bệnh nhân có được cứu sống đi nữa thì có khả năng sẽ rơi vào trạng thái đời sống thực vật.

– Thứ 2, cần quan sát xung quanh xem bệnh nhân có bị gãy xương do té ngã hay không, nếu có chảy máu thì phải băng ép, cầm máu tạm thời.

– Thứ 3, nếu bệnh nhân đã an toàn không bị tắc nghẽn đường thở, không chảy máu thì sờ những vị trí mạch quan trọng như mạch cảnh ở cỗ, mạch bẹn xem mạch có đập hay không, nếu đập bình thường tiến hành để bệnh nhân nằm tư thế thoải mái, nới lỏng quần áo cho bệnh nhân dễ thở và gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.

Bác sĩ khuyến cáo: tuyệt đối không nặn chanh, cạo gió, cho thuốc vào miệng bệnh nhân trong lúc bệnh nhân đang hôn mê. Những hành động này không giúp ích được gì để cứu chữa bệnh nhân đang đột quỵ mà vô tình còn làm cho tình trạng của bệnh nhân trở nên nguy hiểm hơn, thậm chí dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân hít sặc đồ ăn, thuốc, chanh.

 
Tổng đài cấp cứu đa khoa:  115 (đang hoạt động)
Tổng đài cấp cứu đột quỵ:  18001115 ( Bắt đầu hoạt động ngày 1.11.2018)
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)