Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hãy đặt ra mục tiêu khi ôn tập

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tuy là “dân” chuyên văn của Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM) nhưng khi ôn tập các môn khối C, tôi cũng không tránh khỏi lo lắng. Do đó, để cân bằng lại, tôi đã học bám sát những kiến thức cơ bản trong SGK, vẽ theo dạng sơ đồ tư duy ở tất cả các môn. Trước khi học bài, tôi thường đề ra mục tiêu cho mình và học bất cứ thời gian nào trong ngày, học tới đâu hệ thống kiến thức tới đó. Với những kiến thức khó nhớ, tôi thường mượn một bài nhạc nào đó ưa thích để phổ vào, đồng thời tìm những tài liệu liên quan để khi đọc vào là có thể hiểu và nhớ ngay. Với môn lịch sử, tôi thường gắn những mốc thời gian vào các sự kiện diễn ra xung quanh mình như ngày sinh nhật, ngày lễ tết… Với những số liệu không bắt buộc phải nhớ chi tiết, tôi thường quy lại thành con số tròn với những từ như: khoảng, hơn, chừng… Khi học môn địa lý, tôi tập vẽ nhiều bản đồ, học cách nhận diện để khi vào phòng thi không bị lúng túng và thiếu kỹ năng. Tập trung vào kiến thức “sườn” và từ đó liên tưởng tới những thuận lợi, khó khăn, cơ hội phát triển là điều được tôi áp dụng thành công khi học môn học này. Riêng với môn văn, tôi cố gắng điều chỉnh cách học của mình cho phù hợp với yêu cầu của kỳ thi ĐH, CĐ. Phong cách văn chương chúng tôi được học tại trường là sự sáng tạo, tìm cái mới trong từng bài văn. Điều này hoàn toàn “lệch tủ” so với yêu cầu đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Do đó, tôi đã ôn lại hoàn toàn kiến thức SGK, đọc kỹ các tác giả, tác phẩm văn học. Khi làm bài, tôi cố gắng để bài văn của mình có sự sáng tạo riêng nhưng không quá sa đà để tránh lạc đề.
Nguyễn Huỳnh Luân
(Thủ khoa Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM 2010 – SV Khoa Tâm lý học)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)