Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hãy dạy trẻ yêu thương cuộc sống

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây, việc tự tử ở lứa tuổi HS đã làm cho mọi người lo lắng. Ở cái tuổi tươi đẹp nhất của cuộc đời, đáng lẽ phải tận hưởng hạnh phúc thì các em lại sớm chấm dứt cuộc sống. Không cần biết nguyên nhân do đâu, hành động tự kết thúc cuộc sống của mình là hoàn toàn sai trái, là hết sức tiêu cực và không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, xét đến tâm lý lứa tuổi thì các em ấy đáng thương hơn đáng trách, bởi các em còn quá trẻ, chưa từng trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, chưa nhìn thấy hết những gì đáng yêu trên cuộc đời này… Vì vậy, ngăn chặn trẻ tự tử là trách nhiệm của người lớn. Chúng ta phải làm cho trẻ yêu thương cuộc sống này hơn. Gia đình luôn là điểm tựa quan trọng nhất của các em. Chính vì thế, ngay từ nhỏ, cha mẹ nên kể, nên nhắc đến “chín tháng mang nặng, đẻ đau”, nói đến sự chăm sóc nhọc nhằn khi trẻ còn thơ ấu… để các em nhớ và biết rằng hình hài này, cơ thể này không phải tự dưng có được mà là công lao nuôi nấng, dưỡng dục của mẹ, của cha. Khi các em lớn hơn, qua sách báo, truyền hình… hãy chỉ cho các em thấy những tấm gương của trẻ mồ côi, của người khuyết tật, nghèo khổ nhưng vẫn vươn lên trong cuộc sống. Nếu được, cha mẹ có thể cho các em đến thăm trại trẻ mồ côi, trường mù, trường nuôi dạy trẻ khuyết tật… để các em cảm nhận được mình vô cùng may mắn, hạnh phúc, thấy rằng những người cùng khổ ấy vẫn sống và yêu thương cuộc sống. Khi cùng xem với con một bộ phim, một quyển sách, một tin trên báo có hành động tự tử, cha mẹ cần phân tích cho con em biết sự sai trái khi tự tử. Cha mẹ cũng cần tránh lời la rầy con khi nóng giận như “Mày chết đi, sống chỉ báo đời”, “Sống như mày chỉ chật đất”. Ở trường, thầy cô cũng cần chú ý giáo dục các em yêu mến cuộc đời thông qua bài dạy, lời giảng của mình. Còn nhớ khi tôi học THCS, cô chủ nhiệm đã dạy cả lớp chúng tôi trước khi quyết định một việc gì đó nhất là lúc mình buồn bã, đau khổ, hãy suy nghĩ ít nhất một giờ, rồi ghi ra trên giấy tất cả cái đượcmất khi mình thực hiện điều ấy. Khi mất nhiều hơn được tức là mình chỉ thỏa tự ái, tự ti của bản thân, quyết định vội vã, bốc đồng, mình đã sai. Quyết định chết là mình mất tất cả. Ngăn chặn HS tự tử là trách nhiệm của cả cộng đồng, cần sự hợp tác chặt chẽ, đồng bộ của gia đình, nhà trường và xã hội.
Lê Phương Trí (TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)