Gần đây, trên internet xuất hiện nhiều bài viết về một số người ở Quảng Bình ăn gan, mật, da cóc sống chữa ung thư. Để tăng thêm "độ tin cậy" cho bài viết, các tác giả còn đính kèm các ảnh "minh họa" về giết cóc.
Trong số đó có bài đã ghi: "Cóc là loài cực độc, người khỏe mạnh ăn thịt cóc chín không may bị dính một chút mỡ, gan, mật, trứng… cóc có thể chết lập tức…". Vậy cóc có những bộ phận nào độc? Báo SK&ĐS xin giới thiệu bài viết của GS.TS. Phạm Xuân Sinh – Trường đại học Dược Hà Nội về những giá trị làm thuốc của cóc trong y học cổ truyền và độc tính của nó.
Trứng và gan cóc là bộ phận rất độc của con cóc
|
Từ xưa, dân gian vẫn coi cóc là một động vật vừa gần gũi, quen thuộc, lại coi cóc như "con", "con cóc". Hơn thế nữa, còn dành cho cóc một vị trí đáng "nể" "con cóc là cậu ông trời". Cóc được các nhà khoa học đặt tên cho là Bufo melanostictus Scheider, họ cóc Bufonidae. Thật vậy, cóc là động vật rất có ích với đời sống của con người. Vì cóc giúp người tiêu diệt rất nhiều các côn trùng có hại đến cuộc sống của chúng ta, như thường xuyên bắt ruồi, nhặng, cào cào, châu chấu… đặc biệt là các loại sâu xám chuyên ăn lá rau, lá lúa… ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng nói chung. Một số bộ phận của cóc còn được sử dụng như những vị thuốc quý:
Thịt cóc: Sau khi chặt bỏ đầu, các bàn chân và toàn bộ phủ tạng, ngâm và rửa thật sạch nhiều lần bằng nước sạch, để ráo nước, sấy khô ở nhiệt độ tăng dần từ 50oC trở lên, đến khi thịt cóc chín giòn, vàng, mùi thơm, vị ngậy. Lấy ra, để nguội, tán bột mịn. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với bột của một số vị thuốc khác: hoài sơn, ý dĩ, liên nhục… có tác dụng trị còi xương, suy dinh dưỡng, mà y học cổ truyền thường gọi chung là "cam tích" ở trẻ em.
Nhựa cóc (tên vị thuốc là thiềm tô), tức nhựa lấy chủ yếu ở hai túi nọc phía trên đầu của cóc, sau khi sấy khô ở nhiệt độ nhất định dùng để làm thuốc. Trong nhựa cóc chứa rất nhiều chất độc như bufotoxin, bufotalin, bufotenin, bufotenidin… Trong Đông y, thiềm tô là một thành phần của các bài thuốc cổ phương: Lục thần hoàn, để trị các chứng sốt cao, co giật ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi; hoặc Hầu chứng hoàn, để trị các bệnh viêm hầu họng, sốt cao, sưng đau.
Ngoài ra, người ta còn dùng than cóc đốt tồn tính, bằng cách đem một con cóc sống, bọc kín trong đất sét, nướng trên than hồng, lấy ra, đập vỡ, thu toàn bộ phần than cóc, tán mịn, bôi vào các vết mụn nhọt, ngoài da lâu ngày không liền miệng, hoặc phối hợp với bột hùng hoàng bôi vào chỗ bị "cam tẩu mã" ở trẻ nhỏ.
Ngoài thịt cóc, nhựa cóc, than cóc tồn tính đã nói ở trên, cũng cần quan tâm đến các bộ phận khác để tránh các yếu tố bất ngờ khi tiếp xúc với loài động vật này.
Trước hết, nói về mỡ cóc. Mỗi con cóc có hai chùm mỡ, mỗi chùm có từ khoảng trên 10 dải mỡ, mỗi dải dài khoảng 2-3cm, màu từ vàng nhạt đến vàng đậm. Sau khi ngắt lấy các chùm mỡ, thả vào chậu nước sạch, vớt các chùm mỡ nổi lên, rửa sạch. Khi rán lên, thu được loại mỡ có màu vàng đậm, sánh, ngậy. Mỡ cóc ăn ngon và không độc.
Nói đến trứng cóc, có thể khẳng định rằng rất độc. Đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc do ăn trứng cóc. Mỗi con cóc cái, nhất là cóc vàng có khi trọng lượng của nó tới 100 -150g hoặc hơn thì hai buồng trứng lại càng lớn. Trứng cóc có màu xám, giống như trứng ếch, hoặc trứng chão chuộc. Khi đun chín, trứng cóc không thể hiện một mùi gì đặc biệt khó chịu. Do đó một số người lầm tưởng là trứng ếch, ăn vào và đã trúng độc. Bị ngộ độc do ăn phải trứng cóc sẽ nhanh chóng dẫn đến đau bụng, nôn mửa, sùi bọt mép, tiêu chảy… và có thể bị tử vong nếu không được gây nôn và rửa ruột kịp thời. Điều cần hết sức lưu ý là một số con cóc có buồng trứng bị sa. Từ bọc trứng, có một bao hình dải rất mảnh và nhỏ, đường kính khoảng 0,5mm, sa xuống và luồn lách theo các kẽ bắp cơ đùi và bắp cơ cẳng chân cóc. Trên dải túi đó phân bố cách đều, khoảng từ 3-5mm có một trứng cóc. Và như vậy có rất nhiều trứng cóc nằm khuất bên trong bắp cơ đùi và cơ bắp chân của cóc. Đương nhiên, mặc dù chỉ ăn những cái đùi, chân của con cóc đó cũng sẽ bị ngộ độc ngay. Điều đó giải thích tại sao có người nói rằng họ đã làm cóc rất sạch, chỉ ăn có phần đùi và chân thôi vẫn bị ngộ độc, là như vậy. Ngoài ra cũng cần phải nói thêm rằng, có rất nhiều trường hợp ăn thịt cóc, dĩ nhiên đã được rửa sạch, loại trừ tất cả các nguy cơ gây ngộ độc đã biết từ trước (nhựa, trứng, phủ tạng…) và được nấu chín cẩn thận nhưng sau khi ăn bị viêm đường tiết niệu cấp tính với các triệu chứng: tiểu buốt, rắt, lượng nước tiểu ít, bí tiểu, tiểu máu… Đó cũng là điều cảnh báo và nhắc nhở: Không nên tùy tiện sử dụng thịt cóc dưới dạng thực phẩm, nhất là cho trẻ em. Cứ cái đà "xôn xao tin đồn ăn cóc khỏi ung thư", rồi đây không biết còn bao nhiêu người nữa sẽ lâm vào cảnh ngộ độc, thậm chí tử vong.
Người viết bài này có lời khuyên: Hãy để cho con cóc sống thân thiện, như một yếu tố cân bằng sinh thái. Trong cuộc sống, đôi khi cũng cần đến cóc, song không nên sử dụng một cách tùy tiện, để tránh hậu họa đến tính mạng của chính mình và con cháu.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh (SK&ĐS)
Bộ Y tế thành lập Đoàn khảo sát các trường hợp người dân ăn cóc sống để chữa bệnh
Ngày 10/7/2009, Bộ Y tế đã có Quyết định số 2482/QĐ-BYT về việc thành lập Đoàn khảo sát các trường hợp người dân ăn cóc sống vì mục đích chữa bệnh tại Quảng Bình và một số địa phương. Đoàn khảo sát gồm 10 thành viên do GS. Trương Việt Dũng – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo làm Trưởng đoàn. Đoàn có nhiệm vụ xem xét và thẩm tra các tài liệu, hồ sơ liên quan đến các trường hợp người dân ăn cóc sống với mục đích chữa bệnh để trả lời các câu hỏi: Những bệnh nhân này có mắc bệnh không và mắc bệnh gì? Thay đổi lâm sàng và cận lâm sàng trước và sau khi ăn cóc? Loài cóc thuộc họ, loại nào và độc tính của các bộ phận mà người dân ăn để chữa bệnh.
|
Bình luận (0)