Cách đây tròn một năm tôi được đọc bài Mùa thi, đừng nên có những tiếng thở dài trên một tờ báo, tôi thật sự đồng cảm với những chia sẻ (buồn nản, chán chường) của tác giả sau sự cố “trượt ngã” kỳ thi tốt nghiệp THPT, và cũng mừng cho tác giả biết xóa bỏ mặc cảm mạnh dạn tự đứng lên đi tiếp vào đời bằng con đường binh nghiệp mà mình lựa chọn.
Từ câu chuyện này mà tôi nhớ đến trường hợp của con tôi cách đây ba năm khi trong bữa cơm, tôi hỏi thăm con về kết quả thi tốt nghiệp THPT; đang ăn cơm cháu ngưng đũa và nói nhỏ: “Bị rớt rồi ba ơi!”, rồi cháu gục mặt tỏ vẻ thái độ sợ sệt đón chờ lời quát mắng của tôi vì cháu biết tính tôi rất nóng. Tuy nhiên, tôi chỉ bất ngờ trước thông tin đó một chút, tôi buông đũa định bỏ bữa cơm vì trong hoàn cảnh buồn như thế này nuốt làm sao nổi, bao suy nghĩ chợt đến trong trí tôi: “thi rớt tốt nghiệp thì ra xã hội làm được cái gì?”. Nuôi cho con học hành đàng hoàng mười mấy năm mà kết quả tệ như thế này thì ba mẹ mắc cỡ với dòng họ và hàng xóm láng giềng biết bao giờ mới hết, nhưng nhìn thấy vẻ mặt con sợ sệt, buồn tủi, tôi chỉ nhẹ nhàng hỏi: “Thi rớt như thế này thì thời gian sắp tới con dự định sẽ làm gì?”. Cháu từ tốn đáp: “Trước mắt con sẽ nghỉ trọn mấy ngày hè không đi đâu chơi, ở nhà chăm mấy con gà và vườn cây cho đầu óc thanh thản, sau đó con xin chuyển xuống trung tâm giáo dục thường xuyên học lại chương trình lớp 12 năm sau tiếp tục thi lại. Khi nào thi đậu tốt nghiệp rồi con mới tính tiếp phải làm gì, học trường nào…”.
Nghe con nói như vậy tôi cũng mừng vì trong lòng cũng hơi lo sợ cháu thi rớt đâm ra chán nản không có động cơ học lại thêm một năm mà tụ tập bạn bè ăn chơi lêu lổng. Tôi an ủi động viên con: “Đậu rớt là chuyện thường tình trong thi cử không một ai tránh khỏi, nhưng khi mình thi rớt tự bản thân mình có rút ra bài học nào không mới là chuyện quan trọng. Vì một khi mình xác định thi rớt là làm bài không tốt do hổng kiến thức chỗ nào đó thì giờ mình học lại, ôn lại cho vững trọng tâm phần đó”.
Sau sự cố đó cháu tự đến trường học cũ rút học bạ và chuyển sang trường mới. Từ khi chuyển sang học trường mới, tôi nhận thấy cháu có vẻ chăm học hơn, ít lên mạng tán gẫu với bạn bè hay xem phim nghe nhạc. Cuối năm đó con tôi thi đậu tốt nghiệp phổ thông hệ giáo dục thường xuyên. Khi có kết quả thi cháu nói với tôi: “Con biết sức học của mình chỉ ở mức trung bình nên không thi ĐH, CĐ mà xin vào học trường TC nghề để mai sau con có nghề làm ăn sinh sống”. Dĩ nhiên trong lòng tôi rất vui, đồng ý theo suy nghĩ và lựa chọn nghề tương lai của con.
Từ kinh nghiệm của mình, tôi mong các bậc phụ huynh khi nhận thông tin con thi rớt tốt nghiệp đừng vội vàng quát tháo trút giận mà hãy để đầu óc con trẻ thật bình thản từ từ “gặm nhấm” thất bại đó. Từ đó trẻ sẽ có cách khắc phục rồi mạnh dạn đứng lên đối diện với cuộc đời, biết lựa chọn cho mình con đường thích hợp để đi vào đời.
Trần Văn Tám
Bình luận (0)