Lễ hội đua thuyền ở xã Tịnh Long (Sơn Tịnh – Quảng Ngãi) được tổ chức 2 năm một lần vào mồng 4, mồng 5 tháng giêng, với sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương và các vùng lân cận. Ảnh: Yên Hà |
Một năm Việt Nam có rất nhiều lễ hội, đặc biệt là khoảng thời gian sau Tết cổ truyền. Mỗi lễ hội có một ý nghĩa, truyền thống riêng, nhưng tựu trung lại, lễ hội như một cầu nối giữa hiện tại và quá khứ, là sợi dây gắn kết các dân tộc anh em, giữa các thế hệ trước sau, người già và người trẻ… Người dân đến lễ hội cầu mong một năm nhà cửa ấm yên, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và nhớ ơn những người đi trước.
Nhiều năm qua, lễ hội Việt Nam đang ngày càng bị chính người Việt Nam làm vẩn đục. Lễ hội trở nên hỗn độn, người ta giẫm đạp nhau để cướp lấy may mắn về mình…
Lễ hội là truyền thống, là tâm linh, là nơi người ta tỏ lòng kính ngưỡng đối với những bậc tiền bối, những bậc cha anh. Hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) để tưởng nhớ chàng trai trẻ oai hùng nhổ tre đánh giặc Ân cứu nước, để con cháu lấy đó làm gương, khi giặc đến nhà là phải đánh. Nhưng vì lòng tham lễ hội ấy trở thành bãi chiến trường. Người đi lễ “hỗn chiến” với nhau để lấy cái họ coi là “lộc” để rồi không thương tiếc giẫm đạp nhau.
Hay tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi thờ các bậc tiên thánh, tiên sư, nơi lưu danh của những bậc hiền tài đất nước, dù đã có bảng hướng dẫn, nhưng ở khu vực cấm nhiều người vẫn đi lại, chụp ảnh, thậm chí các nam thanh nữ tú vẫn “hiên ngang” trèo vào các vị trí bia tiến sĩ để sờ đầu rùa, rải tiền cầu may mắn, bất chấp quy định của Ban quản lý. Tôn ti trật tự bây giờ chẳng còn, người lớn làm trẻ con cũng bắt chước y vậy. Sinh viên, học sinh là trí thức, là hiền tài đất nước, là nguyên khí quốc gia. Nhưng nếu cái việc cỏn con là làm đúng quy định nơi công cộng, đặc biệt là nơi chốn tôn nghiêm mà vẫn không thực hiện được, thì “nguyên khí” ắt hẳn bị suy yếu. Đi thi, đỗ hay không đỗ là do nỗ lực của bản thân, không học mà cứ chen chân đi cầu xin vận may, các vị tiên thánh, tiên sư có nghìn tay nghìn mắt cũng không thể giúp được.
Việc thăng quan tiến chức cũng vậy. Có tài, có đức, có học thức mới lên quan. Chứ cứ đổ xô đi xin, cướp ấn đền Trần, tất cả những người có ấn đều làm quan, vậy ai làm dân? Và quan đi xin, quan đi “cướp” có thể nào là quan chân chính? Từ lòng tham, người ta bỏ cả công việc, thức từ một hai giờ sáng, chen chân xô đẩy nhau để xin được ấn quan. Nhưng thực chất, bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn đền Trần mang ý nghĩa giáo dục con cháu nhà Trần phải biết tích phúc, biết giữ gìn đạo lý, phúc đức dày thì lộc sẽ bền vững!
Chuyện tình duyên cũng thế, đầu năm đi chùa cầu duyên cũng rất hay, nó mang ý nghĩa tâm linh, để cho lòng mình vơi bớt lo lắng chuyện chồng con, để lòng nhẹ nhàng đón nhận một người mới khi vừa bước qua những đổ vỡ, hay để trái tim rộng mở hơn với người đã ngày tháng đón đưa… Nhưng phải thành tâm! Thành tâm với đất, với trời và với cả bản thân mình. Chứ không phải đi lấy tiền lẻ nhét vào tất cả các khe trên tượng Phật, tượng thánh, van lạy thánh thần “ban” cho con người chồng tốt, chồng giàu, và được như thế năm sau con sẽ “bồi dưỡng” thánh thần nhiều… tiền hơn! Các tượng Phật ở chùa Hương đã thế, tượng bà Chúa Kho cũng vậy, đến đền thờ Hùng Vương cũng không tha, và các vị La Hán chùa Bái Đính cũng bị “ép” nhận tiền. Người ta nhét tiền đầy tượng, rải tiền đầy giếng, tiền bay khắp nơi, và bị đạp dưới chân người đi lễ hội. Tiền là “quốc tệ”, là tài sản, là bộ mặt của một quốc gia, có in hình vị Chủ tịch kính yêu của dân tộc. Tệ nạn này đáng lý phải được chấm dứt từ lúc nó mới manh nha, cớ sao để nó hoành hành từ năm này qua năm khác? Người Việt Nam nhiều khi rất khó hiểu.
Cảnh hỗn loạn, ẩu đả tại hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ) năm 2016. Ảnh: I.T Đáng buồn, phần lớn người Việt đi lễ hội là đi theo đám đông, đi nhưng không hiểu thần tích của ngôi chùa, ngôi đền mình đến, không hiểu ý nghĩa của lễ hội! Và đến chùa nào, miếu nào, đền nào họ cũng cầu xin cho bản thân những điều thiên về vật chất: Mua may bán đắt, trúng xổ số, thăng quan tiến chức, sinh con trai, hay lấy được chồng giàu… Và sự cầu mong cho bản thân quá lớn, họ chỉ muốn trời Phật hướng về họ, nên khi người cùng đi lễ lỡ va chạm khi họ đang cầu khấn, họ sẽ không từ chối chửi rủa hay đánh mắng người trước mặt thần linh hay trời Phật!? |
Nói cho cùng thì lễ hội là sinh hoạt văn hóa hướng đến điều tốt đẹp. Lễ hội chùa Hương, Bái Đính hay Yên Tử… đều có những màu sắc và tâm linh riêng, điều cốt yếu là người đi lễ hội phải biết ý nghĩa của lễ hội và phải biết tôn tạo, giữ gìn. Con người sống trên đời ai cũng cầu mong những an bình, hạnh phúc, may mắn, thành công. Chẳng phải chúng ta cũng chúc nhau như thế trong những ngày đầu năm mới? Nhưng chúng ta phải biết rằng khi ta muốn nhận được gì thì trước tiên hãy cho đi điều đó. Nếu mọi người chúng ta ai cũng biết sẻ chia, biết nhường dưới kính trên, biết sống an hòa, đạo đức thì lễ hội sẽ là những ngày tươi đẹp, ý nghĩa. Là những ngày hình ảnh đất nước được quảng bá một cách văn minh, những ngày con cái báo hiếu cha mẹ, nhớ kính tổ tiên, những ngày trai gái quần áo chỉnh tề vui mừng gặp nhau họp mặt, những ngày người yêu nhau tìm thấy nhau… và cùng cầu chúc cho một hành tinh phồn vinh, hạnh phúc. Xin đừng vì lòng tham của cá nhân mà biến lễ hội thành nơi nhếch nhác kém văn hóa, văn minh, hãy để lễ hội quay về đúng bản chất của nó.
Ngô Thị Thanh Tiên
Bình luận (0)