Cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các tổ chức xã hội tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ được là chính mình thỏa sức với những ước mơ con trẻ.
Ảnh minh họa. Ảnh: I.T |
Những khoảng trống
Hạn chế giao tiếp: Có một nghịch lý là dù ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ hiện đại như iPhone, iPad… hỗ trợ thì khoảng cách tâm hồn giữa cha mẹ và con cái càng xa cách. Trẻ ngày càng ít được giao tiếp, gần gũi, tâm sự với cha mẹ. Không ít phụ huynh quan niệm rằng, trẻ em là lứa tuổi còn quá nhỏ nên không được phép tham gia chuyện người lớn. Họ thường quan niệm kiểu: Trẻ con vắt mũi chưa sạch thì biết gì, hay: Con nít con nôi cấm được xen vào chuyện người lớn… Tuy nhiên, điều đó lại phản giáo dục, bởi cùng với nhận thức và sự trưởng thành nhất định về xã hội nên các em cũng có thể biết so sánh, phân tích, đánh giá một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Chính vì cha mẹ hay cấm đoán, bắt buộc trẻ chỉ biết phục tùng, tuân theo yêu cầu của cha mẹ, nên không ít trẻ cảm giác mình bị coi thường, là người thừa trong gia đình. Luôn mang tâm lý bị thiếu tôn trọng và phụ thuộc dẫn đến trẻ mất niềm tin với cha mẹ. Một số cha mẹ thì “nhốt” con trong bốn bức tường với bộn bề sách vở để mục đích con chú tâm học thật giỏi mà không cho trẻ được giao tiếp với bạn bè xung quanh, nhất là bạn bè cùng tuổi. Suy nghĩ của họ rằng: việc cho con chơi với những đứa trẻ hàng xóm dễ bị lây nhiễm bởi thói hư, tật xấu nhiều hơn là điều tốt, hoặc quan niệm: cha mẹ sẵn sàng đáp ứng cho con bất kỳ thứ gì con thích, trong nhà sắm tất cả những gì để phục vụ cho nhu cầu vui chơi học tập của con…
Trẻ dễ bị trơ lỳ cảm xúc: Từ việc ít được giao tiếp với mọi người nên trẻ thường bộc lộ cảm xúc tiêu cực, trẻ càng gặp khó khăn và bế tắc khi biểu lộ cảm xúc; trẻ ngày càng lầm lỳ, cô độc và mất niềm tin với những người xung quanh. Vui hay buồn đều không thể hiện ra ngoài. Nên không ít cha mẹ hiện nay không hiểu con mình đang suy nghĩ điều gì. Không ít trẻ hiện nay vô cảm với cả chính những người thân trong gia đình. Các em cũng chẳng có kỹ năng quan tâm, chia sẻ với cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Vì ít tiếp xúc nên các em càng dễ bị lão hóa tâm hồn, trơ lỳ tâm lý, vô cảm… đây là những căn bệnh tâm lý đang báo động ở nhiều người trẻ hiện nay.
Thiếu hụt kỹ năng: Chính vì sự áp đặt và cấm đoán của người lớn mà dẫn đến nhiều trẻ thiếu hụt kỹ năng trầm trọng. Cho dù có lĩnh hội được nhiều kiến thức bao nhiêu nhưng nếu như các em không được trải nghiệm để vận dụng kiến thức kinh nghiệm bản thân trong thực tiễn thì các em cũng rất khó có thể làm tốt công việc nào đó (thiếu kỹ năng).
Hãy để trẻ được là chính mình
Những bậc cha mẹ trong mọi thời điểm phải thực sự là những người gần gũi, hiểu rõ nhất đời sống tâm lý con trẻ. Những kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con cần được phổ biến rộng rãi đến mọi phụ huynh. Các em được có cơ hội để thổ lộ, bày tỏ lòng mình với người lớn, được tự do vui chơi thỏa thích, được sống một khoảng trời riêng dành cho thế giới của con trẻ. Cha mẹ là người luôn thấu hiểu những cảm xúc tự nhiên của tuổi thơ đang dần dần hoàn thiện những giá trị bản thân. Cha mẹ luôn luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc giúp giải quyết tốt mọi vấn đề cuộc sống. Không được để trẻ cảm thấy bất an ngay trong chính gia đình mình.
Ở nhà trường thì những buổi học diễn ra một cách dân chủ, thoải mái, không còn chuyện áp đặt kiến thức, người thầy như người bạn cùng các em học trò tranh luận cùng nhau khám phá tri thức. Lúc đó các em có nhiều cơ hội để phát triển tư duy, ngôn ngữ cũng như phát huy tốt những năng khiếu, sở trường, hứng thú để có nhiều cơ hội trở thành những tài năng của nước nhà.
Các phương tiện truyền thông, truyền hình, mạng internet và quan hệ nhóm trở thành kênh thông tin quan trọng giúp trẻ phát huy được tính độc lập, sáng tạo. Trẻ sẽ được phổ biến để hiểu rõ những quyền lợi và trách nhiệm của mình được thể hiện trong quy định của pháp luật. Nơi đó sẽ giúp các em cởi mở hơn trong giao tiếp hay dễ dàng bộc lộ những cung bậc cảm xúc; nơi đó cũng là điều kiện để các em biết làm chủ được bản thân, sẵn sàng tìm đến những giá trị đích thực.
Mong rằng, các em sẽ không bị áp đặt bởi tư tưởng lỗi thời, lạc hậu mà lâu nay ít nhiều người lớn vô tình hay cố ý dẫn đến vi phạm quyền trẻ em. Các em được lao động, vui chơi, học tập phù hợp với sức khỏe và độ tuổi của mình. Các em phải được hưởng thụ đầy đủ quyền của trẻ em. Vì thế, các em cũng có quyền được phép thất bại. Cha mẹ hãy phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các tổ chức xã hội tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ được là chính mình thỏa sức với những ước mơ con trẻ. Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, chúng ta hãy hành động vì tương lai của trẻ.
ThS. Nguyễn Văn Công
(Giảng viên tâm lý học)
Bình luận (0)