Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hãy diễn kịch chạm đến cảm xúc khán giả!

Tạp Chí Giáo Dục

Các nhà chuyên môn cho rằng một trong những yếu tố giúp sân khấu kịch có khán giả, thậm chí phát triển tốt là vở diễn phải được khán giả đón nhận

Đó là một trong nhiều ý kiến được đưa ra trao đổi, tranh luận sôi nổi tại buổi tọa đàm "Sân khấu TP HCM – Nội lực sân khấu kịch nói hiện nay", do Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP HCM tổ chức ngày 24-6.

Toàn tâm cho sàn diễn

Tham dự buổi tọa đàm có các nghệ sĩ: NSND Trần Minh Ngọc, NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Kim Xuân, NSƯT Ca Lê Hồng, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Trịnh Kim Chi, NSƯT Hạnh Thúy, đạo diễn Tôn Thất Cần, đạo diễn Quốc Thảo, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, nghệ sĩ Phan Tấn Thy, TS Lê Hồng Phước… cùng các nghệ sĩ trẻ và một số nhà báo trong lĩnh vực văn hóa – văn nghệ.

Hãy diễn kịch chạm đến cảm xúc khán giả! - Ảnh 1.

Nhạc kịch “Tiên Nga” – một tác phẩm đỉnh cao của Sân khấu IDECAF. Ảnh: Thanh Hiệp

Nhiều ý kiến cho rằng sân khấu kịch TP HCM cần nhìn vào nội lực của từng sân khấu xã hội hóa, để qua đó tìm ra cốt lõi tạo nên khuynh hướng sáng tác, dàn dựng và đầu tư diễn xuất của đội ngũ diễn viên gắn với từng thương hiệu.

Sân khấu kịch TP HCM một thời đi đầu trong công tác xã hội hóa, từ Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (hay còn gọi là Kịch 5B, những năm 1980 và 1990), đã có thêm Sân khấu IDECAF (1997), sau đó là Sân khấu Kịch Sài Gòn, Sân khấu Kịch Phú Nhuận trở thành chuỗi các sân khấu tư nhân, mang lại nhiều sự lựa chọn về món ăn tinh thần cho công chúng.

Nhưng rồi tình trạng nghệ sĩ chạy sô đóng phim, tham gia game show, truyền hình thực tế… làm cho chất lượng của một số sân khấu kịch sút giảm và mất dần khán giả. Một vài sân khấu trong đó có Sân khấu IDECAF vẫn ăn khách là do những nghệ sĩ ngôi sao của sân khấu này không chạy sô, từ chối quay game show như: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu… Những diễn viên này chỉ toàn tâm cho sàn diễn nên các vở của Sân khấu IDECAF lúc nào cũng đông khán giả.

Tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc (đợt 2) diễn ra tại TP HCM mới đây đã có hàng trăm diễn viên tham dự, 26 vở diễn từ 20 đơn vị đăng ký dự thi (chủ yếu là các sân khấu xã hội hóa) cho thấy nguồn lực của sân khấu kịch TP HCM là rất lớn. Thế nhưng, nhiều vở diễn tại liên hoan như: "Mưa bóng mây", "Bao giờ mẹ lấy chồng", "Chúng ta thuộc về nhau", "Nắng chiều", "Ngôi nhà trên thuyền", "Lạc giữa biển người", "Khúc nguyệt cầm"… không thể đến với khán giả vì sau liên hoan, nghệ sĩ đã chia tay, mạnh ai nấy chạy sô, khiến các vở diễn nói trên phải xếp vào kho.

Cần chung tay với nhiều giải pháp

Nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà chuyên môn đã được đưa ra tại tọa đàm. NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng cần duy trì và làm mới mô hình trại sáng tác, vì chính ở trại, tác giả mới viết theo cảm xúc và không bị "đặt hàng". Ông dẫn chứng gần đây nhất, trại sáng tác do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức tại Phan Thiết với cách làm mới đã hứa hẹn có 10 kịch bản hay, vừa mang yếu tố giải trí vừa định hướng tư tưởng rất tốt.

Đạo diễn Quốc Thảo đề nghị hội đồng phúc khảo vở cần thông thoáng hơn, đừng quá khắt khe khiến sàn diễn xã hội hóa không dám mạnh dạn chạm đến những vấn đề nhạy cảm. Đạo diễn Quốc Thịnh nhấn mạnh: "Lực lượng trẻ đến nay chưa có người diễn hay như nghệ sĩ kịch thế hệ vàng. Cần đầu tư về mặt đào tạo để mỗi sân khấu có được ngôi sao trẻ".

Nhà thiết kế Sỹ Hoàng – người đang thực hiện thành công sân khấu "kịch sử Việt" – hiến kế người làm sân khấu hiện nay cần phải liên kết với các doanh nghiệp. Cụ thể, sân khấu của ông đang có đối tác đưa vở diễn ra miền Bắc với mức đầu tư đến 2 tỉ đồng. Các doanh nghiệp khi đã "chịu" tác phẩm của mỗi thương hiệu, sẽ sẵn sàng thưởng cho nhân viên vé xem kịch. Vở "Khóc giữa trời xanh", đến nay đã diễn 106 suất theo mô hình liên kết với trường học, doanh nghiệp.

Nhà báo Ngọc Tuyết, đề xuất việc cần thành lập CLB đạo diễn trẻ, để qua đó bổ sung kiến thức, cập nhật kinh nghiệm cho đội ngũ trẻ góp phần làm nên nội lực của sân khấu TP HCM.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Bình luận (0)