1. Nhớ năm học 2020-2021, năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1. Năm học ấy vừa bắt đầu đã xuất hiện nhiều thông tin không hay là chương trình nặng, học sinh khó thể tiếp thu làm hoang mang phụ huynh và thậm chí một số giáo viên cũng cho là chương trình mới yêu cầu quá cao. Thế mà đến nay, chương trình mới đã thực hiện ở lớp 1 đến năm thứ tư. Mới đây, một giáo viên có hơn 20 năm dạy lớp 1 đã nói với tôi: “Chương trình mới này, học sinh tiếp thu tốt lắm thầy”. Thực tế đã cho thấy, chương trình, sách giáo khoa mới không quá khó với học sinh lớp 1. Vậy mà đến nay, trong phụ huynh vẫn còn có người lo lắng, băn khoăn khi con mình chưa học trước chương trình lớp 1.
Quang cảnh đón học sinh lớp 1 trong ngày khai giảng năm học mới (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
Có thể khẳng định, học sinh lớp 1 không cần học trước. Tuy nhiên, những phụ huynh chưa cho con học chữ trước phải bình tĩnh, không bất an khi con mình tiếp thu không bằng bạn bè ở học kỳ I vì có thể bạn bè trong lớp của con đã được học chữ trước hoặc có khả năng tiếp thu nhanh hơn. Phụ huynh chỉ cần theo dõi từng bước tiến của con mình trong quá trình học tập, để trao đổi cùng giáo viên tìm biện pháp phù hợp giúp con trong việc học nếu các em tiếp thu quá chậm so với bài học ở lớp. Phụ huynh hãy nhớ: Đừng so sánh trẻ này với trẻ khác, quan trọng là sự tiến bộ của chính đứa trẻ ấy. Ở mầm non, các em chủ yếu là sinh hoạt vui chơi, việc học kiến thức rất nhẹ nhàng và cũng thông qua các hoạt động vui tươi, thoải mái. Vào lớp 1, môi trường lạ, thầy cô và bạn bè đều lạ, việc học tập đòi hỏi cao hơn ở sự tập trung chú ý. Các em phải tập làm quen với sự tập trung trong 1 tiết học đến 35 phút. Trẻ phải chăm chú lắng nghe, thực hiện theo đúng yêu cầu của giáo viên trong thời gian 1 tiết học đối với các em là điều không dễ dàng, mà một buổi học thường kéo dài đến 4-5 tiết.
Việc ăn uống của học sinh lớp 1 cũng cần phụ huynh quan tâm. Ở mầm non, học sinh thường ăn sáng, trưa, xế ở trường. Những học sinh ăn chậm sẽ được các cô giáo đút cho ăn. Vào lớp 1, phụ huynh phải tập học sinh tự ăn và ăn trong thời gian quy định bởi các em ăn sáng ở nhà, ăn chậm sẽ trễ giờ học. Học sinh bán trú ăn trưa ở trường cũng phải tự ăn và ăn trong giờ quy định, ăn quá chậm sẽ bị nhắc nhở. Những điều đó đã làm một số học sinh “sợ đi học”, “không muốn đi học”, thậm chí có em còn khóc khi đến trường dù trước đó rất thích đi đến trường mẫu giáo. Vì thế, phụ huynh cần “làm công tác tư tưởng” trò chuyện, giải thích cho các em hiểu rằng “con đã lớn, đã vào lớp 1, đã đi học như các anh chị” nên việc học ở lớp 1 khác hoàn toàn ở mẫu giáo. Phụ huynh cần phải chuẩn bị tâm lý cho học sinh để các em không hụt hẫng khi “đột ngột” bị thay đổi môi trường học và cách học, cách sinh hoạt. Việc tập cho học sinh chuẩn bị đồ dùng khi đi học và kiểm tra đồ dùng khi ra về cũng là điều hết sức cần thiết. Phụ huynh phải hướng dẫn và kiểm tra hàng ngày việc thực hiện của các em để tạo thành nền nếp. Những năm học ở mẫu giáo, các em thường chỉ mang theo bộ đồ để thay khi đi học và cô giáo sẽ là người bỏ bộ đồ đã mặc vào túi xách cho các em mang về. Vào lớp 1, học sinh phải mang theo rất nhiều thứ như sách, vở, bút, thước, bảng, gôm, chai nước… Nếu không hướng dẫn ngay từ những ngày đầu, phụ huynh sẽ phải “mệt mỏi” vì việc các em quên mang theo đồ dùng khi đến lớp và làm mất sau mỗi buổi học. Trước khi đi học, phụ huynh cần cùng con soạn đồ dùng, yêu cầu các em đếm xem mang theo bao nhiêu thứ để khi ra về các em phải đếm đủ bao nhiêu thứ. Các đồ dùng học tập của con, phụ huynh có thể dán cùng một hình như bông hoa, ngôi sao, con thú… để các em dễ dàng nhận biết đó là đồ dùng của mình mà không lấy nhầm đồ dùng của bạn hay dễ tìm kiếm khi thất lạc.
Năm học này, học sinh lớp 1 được tập trung trước 2 tuần lễ. Trong 2 tuần này, học sinh không phải học tập mà chủ yếu là để các em làm quen với trường lớp, tập với cách sinh hoạt, hoạt động ở trường tiểu học. Phụ huynh cần trao đổi với giáo viên chủ nhiệm về những thói quen, tính cách của con mình để giáo viên chú ý mà có biện pháp giáo dục phù hợp.
2. Với học sinh mới vào lớp 6, điều mà cả phụ huynh lẫn giáo viên cần phải lưu ý là ở lớp 5, học sinh học với chương trình cũ. Tuy nhiên, lên lớp 6, các em phải học với chương trình mới. Mặc dù từ năm học 2020-2021, chương trình lớp 5 đã được bổ sung các kiến thức để học sinh có thể học chương trình mới ở lớp 6 vào năm học 2021-2022. Thế nhưng, những kiến thức được bổ sung chỉ thêm vào nội dung của chương trình lớp 5 cũ mà thôi, vì thế không thể đầy đủ và toàn diện được. Năm học này, lớp 6 đã thực hiện chương trình mới đến năm thứ ba nhưng các thầy cô dạy lớp 6 cần nhớ là học sinh vẫn học chương trình cũ ở lớp 5 để có thể nhắc lại, củng cố và bổ sung các kiến thức cần thiết để học sinh có thể tiếp thu bài học ở lớp 6 dễ dàng hơn. Cũng như lớp 1, học sinh lớp 6 thay đổi môi trường học, thầy cô lạ, bạn bè lạ, cách học tập sinh hoạt cũng khác. Từ học sinh lớn nhất trường, là “đàn anh, đàn chị” ở trường tiểu học trở thành “em út” ở trường THCS, các em sẽ có nhiều bỡ ngỡ, lo lắng. Ở THCS, mỗi môn là một giáo viên và dạy theo tiết, hết tiết, giáo viên lại sang lớp khác. Học sinh chưa hiểu bài, còn thắc mắc cũng khó hỏi thầy cô như ở tiểu học.
Vào lớp 6, các em đang ở lứa tuổi dậy thì, việc yêu đương ở THCS hiện nay là một vấn đề mà giáo viên và cả phụ huynh đều quan tâm lo lắng. Rất nhiều trường hợp học sinh lớp 8, 9 có tình cảm với học sinh lớp 6, 7 dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Vì còn quá trẻ nên “yêu hay không yêu” cũng làm ảnh hưởng đến tinh thần của học sinh, nhất là học sinh lớp 6. Giáo viên chủ nhiệm ở tiểu học là giáo viên nhiều môn, học sinh gặp gỡ thầy cô chủ nhiệm hàng ngày, có chuyện gì các em có thể chia sẻ ngay với thầy cô. Ở THCS, giáo viên chủ nhiệm chỉ dạy một môn học, cả tuần chỉ gặp thầy cô chủ nhiệm vài tiết, vì thế việc gần gũi, thân thiết không nhiều và khi gặp chuyện cần chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm, các em cũng gặp nhiều khó khăn. Thế nên, giáo viên chủ nhiệm ở lớp 6 cần tiếp xúc học sinh nhiều hơn, thân thiện với các em hơn để các em mạnh dạn nêu những tâm tư, nguyện vọng, lo lắng của mình. Phụ huynh cũng cần phải đồng hành cùng con mình trong giai đoạn đầu cấp này, nên hỏi han, tâm tình để biết những khó khăn, vướng mắc, bất an mà con đang gặp để giúp con vượt qua. Đặc biệt, phụ huynh cũng cần liên hệ chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm để nắm vững được việc học tập, sinh hoạt của con ở trường, ở lớp để kịp thời phối hợp hướng dẫn, giáo dục các em.
Học sinh lớp 1 và lớp 6 đầu cấp đang ở trong giai đoạn có nhiều thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi. Các em lại phải bước vào môi trường học tập, sinh hoạt với nhiều mới mẻ. Chính vì vậy, phụ huynh và thầy cô cần phải hết sức quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và thật sự đồng hành cùng học sinh để các em có thể vững tin, mạnh dạn tiến bước đi lên trong năm học này cũng như trong suốt quá trình học tập và rèn luyện trong tương lai.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)