Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hãy gần gũi để hiểu các em hơn

Tạp Chí Giáo Dục

1. Hôm nào cũng vậy, vào giờ chơi, ít nhất có 2 hoặc 3 trường hợp học sinh (HS) vào mách tôi với những thông tin rất trẻ con: Bạn A ăn cướp hình của con rồi; Ở trong lớp bạn B đánh con và ăn cắp bút của con; Bạn C quậy bị cô giáo đánh; Bạn D chửi tục (HS nói ra luôn từ đó)… Tôi ghi nhận những trường hợp bị mách nhiều nhất là: Tuấn, Đức Anh, Hùng là thường xuyên ghẹo bạn. Và như thế những nhân vật trên đã bị tôi để ý. Hôm ấy, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/2 có công chuyện xin trễ 2 tiết, tôi vào lớp, đúng như những gì các bạn đã mách: 3 bạn ấy cứ chạy lung tung trong lớp, hết chọi bạn này đến chọi bạn khác, hết bốc vở của bạn này đến bốc thước của bạn khác… Tiếng mách liên tục từ nhiều bạn trong lớp, kể cả lỗi của những hôm trước. Tôi dàn hòa: Bây giờ mình tìm chuyện tốt của bạn nói cho cô nghe đi. Nhiều bạn nhao nhao: Không có gì tốt cả! Tôi khuyên cả lớp: Hãy giúp nhau tiến bộ nhé! Rồi cả lớp làm bài cô cho.
Bổng một HS mệt quá ói luôn trên vở. Không khí lớp mất trật tự hẳn, nhiều bạn thì kêu: Ghê quá!, bạn thì bịt mũi, bạn thì ợ ợ, bạn gần bên tung chạy đi nơi khác… Trong khi đó Đức Anh cầm tập bạn đi xối nước, Tuấn thì hối hả kéo bàn ra sân, còn Hùng dìu bạn đi rửa mặt. Tôi không phê bình các bạn khác (vì có thể các bạn không có kĩ năng dọn dẹp hay chưa đủ sức khỏe để khỏi ợ…), nhưng tôi nhắc chung: Giờ cô đã thấy Đức Anh, Hùng, Tuấn giúp đỡ bạn như thế nào.
2.Bạn Thương lớp 2/1 tức tối chạy vào phòng tôi, vừa khóc vừa kể: Trong lớp con không lấy đồ dùng của bạn mà các bạn cứ nói con lấy hoài, giờ còn đánh con nữa. Tôi khuyên: Con vào lớp nói cô đi. Bạn Thương trả lời: không bao giờ cô giải quyết. Tôi lân la hỏi thăm Thương như thế nào, giáo viên chủ nhiệm trả lời: Quậy lắm! Hỏi thăm cô phục vụ cũng nói: Quậy lắm! Hỏi thăm gia đình vẫn từ: Quậy lắm! Trở lại việc bạn Thương mách ban nãy, một số bạn bị Thương mách được tôi “phỏng vấn”: ai thấy bạn Thương lấy đồ dùng của bạn? Bạn Tâm trả lời: Nghe bạn Anh nói. Bạn Anh trả lời: Nghe bạn Thông nói. Bạn Thông trả lời: Nghe bạn Thảo nói… Và tôi kết luận cuối cùng là không ai thấy bạn Thương lấy. Lúc đó bạn Thư lên tiếng: Dạ con giỡn, con lấy đồ dùng của bạn Tâm bỏ vào chỗ bạn Thương. Bạn Thương được giải oan và cười như chưa hề có chuyện xảy ra cũng chẳng trách bạn mình điều gì. Từ ngày hôm đó, chắc lần đầu tiên có người giải quyết nỗi oan cho mình nên ngày nào Thương cũng tìm đến tôi để trò chuyện và giúp tôi mọi việc khi tôi cần.
3. Thỉnh thoảng, HS cũng vào văn phòng kiếm tôi để trò chuyện, khi thì tôi hỏi thăm, khi thì tôi kêu đọc chữ, khi thì tôi cho mượn cờ (cờ vua, cờ tướng, cờ thú…), khi thì tôi cho xem truyện… Các em bảo nhau: Ước gì tụi mình là con cô.
Với HS tiểu học, các em thích được quan tâm, thích được gần gũi, thích được trò chuyện… Để tạo sự thân thiện với các em, mỗi người lớn chúng ta cần dành thời gian hòa đồng với các em. Có như thế các em sẽ vui, bản thân mình cũng được các em yêu quý.
Trần Mỹ Lệ
(Hiệu trưởng Trường TH Linh Đông, Thủ Đức)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)