Tòa soạnThư đi – tin lại

Hãy hành động hơn là khẩu hiệu!

Tạp Chí Giáo Dục

Tháng 6 hàng năm được lấy làm “Tháng hành động vì trẻ em” trên phạm vi cả nước. Đó là một chủ trương đúng, tầm nhìn đúng của các cấp lãnh đạo, các ngành nhằm chăm lo tốt nhất cho trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Nhưng xét trên bình diện “sân chơi hè” cho các em, chúng ta thấy có nhiều vấn đề rất bức xúc. Thời điểm này, các trường học đã nghỉ hè. Thầy cô cũng được dịp nghỉ ngơi, thư giãn, du lịch sau một năm học đầy vất vả. Các em học sinh trở về nhà, về địa phương. Bên tổ chức Đoàn Thanh niên  còn có khâu rèn luyện trong hè, tham gia các công tác xã hội tại địa bàn cư trú.

Còn lại các hoạt động hè khá mờ nhạt; các “sân chơi” hầu như không có ở vùng nông thôn! Ở thành phố, thị xã có các nhà thiếu nhi “chiêu sinh” các lớp năng khiếu hè như âm nhạc, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, võ thuật, hội họa… Nhưng đâu phải em nào cũng “đăng ký” được vì tất cả các lớp năng khiếu ấy phải đóng tiền! Điều đáng nói ở đây là các cơ sở vui chơi, giải trí đều được “đấu thầu” cho tư nhân khai thác. Vì nhằm thu lợi nhuận cao, nhiều hoạt động trò chơi có khi chưa đảm bảo an toàn cho các em hoặc các bộ môn năng khiếu chưa “tâm phục khẩu phục”.

Nhiều bậc phụ huynh có “sáng kiến” là gửi con cho thầy, cô giáo “dạy hè”; vừa an toàn cho con trẻ, vừa được “học hè”, không “bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”! Những học sinh này không bao giờ được vui đùa cùng bè bạn trong những cuộc vui chơi đích thực. Các bậc làm cha mẹ cũng cần phải có hành động cụ thể “vì trẻ em”, tạo điều kiện cho con mình vui chơi, thư giãn trong những ngày hè đúng nghĩa; không ép các em học hè quá mức.

So với số lượng học sinh đông đảo, số em được học năng khiếu, vui chơi hè rất ít ỏi! “Lối thoát” mà nhiều bậc phụ huynh nhà nghèo chọn lựa là cho các em tham gia đội quân bán vé số! Đây là môi trường rất phức tạp, đầy bất trắc, cạm bẫy của các tệ nạn xã hội. Các em len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm để bán vé số mà không có sự chăm sóc, theo dõi của cha mẹ vì cha mẹ các em cũng lo bươn chải kiếm sống. Hoặc các em tự ý trốn gia đình đi tắm sông, tắm mương; vào các khu công nghiệp đang đào móng thi công… dẫn đến nhiều tai nạn đuối nước đau lòng.

Chưa hết, do sân chơi không có nên nhiều trận đá banh trên đường “bất phân thắng bại” diễn ra thường xuyên; bất chấp dòng xe cộ qua lại. Hậu quả là những va quẹt, tai nạn xảy ra. Người chịu thiệt thòi nhất vẫn là các em nhỏ.

Vai trò của gia đình, của địa phương rất quan trọng trong việc tạo sân chơi hè cho các em. Những cuộc thi thả diều, thi văn nghệ, thi vui chơi như kéo co, bịt mắt bắt dê… nếu được tổ chức tùy theo điều kiện sẽ thu hút được nhiều thiếu nhi tham gia. Rất tiếc là các cơ quan địa phương chỉ lo “những vấn đề lớn, bức thiết” nên việc tạo sân chơi hè cho thiếu nhi chỉ là “chuyện nhỏ”; đợi khi nào đủ điều kiện sẽ làm. Và khi nào mới “đủ điều kiện”? Thành ra, “Tháng hành động vì trẻ em” vẫn dừng lại ở mức “hành động” trên giấy, trên khẩu hiệu xanh đỏ giăng mắc ngoài đường!

HOÀNG SA VIỆT

Bình luận (0)