Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hãy hành động vì môi trường không khói thuốc

Tạp Chí Giáo Dục

Việt Nam là một trong số 15 nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao trên thế giới, điều tra năm 2010 cho thấy, Việt Nam có tới 47,4% nam giới và 1,4% nữ giới hút thuốc lá. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút trực tiếp mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người bị hít phải khói thuốc, hầu hết ai không hút thuốc sẽ rất khó chịu khi phải ngồi cạnh hoặc ngửi phải mùi thuốc.
 
Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày ở trong gia đình, nơi công sở, bệnh viện, trường học… nơi nào cũng gặp người nhả khói. Tại sao vậy? Do sự thiếu hiểu biết hay vì thói quen không thể bỏ của người hút thuốc? Rõ ràng đây thuộc về ý thức của người trưởng thành. Hành vi hút thuốc lá ở người lớn đã khiến trẻ em học theo, đặc biệt là trẻ trai đã bắt chước người lớn hút thuốc để chứng tỏ mình đã lớn hoặc muốn khẳng định mình với bạn bè, trong khi không hiểu hết được các tác hại do thuốc lá gây ra.
Hơn nữa, tác hại của khói thuốc lá không phải là tức thì, nên chưa biết được ngay những hậu quả do khói thuốc gây ra. Vì thói quen không thể bỏ thuốc mà phần lớn người hút thuốc đã gây hại cho môi trường, buộc những người xung quanh bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá thụ động.
Từ nhiều năm nay, quy định trên các vỏ bao thuốc lá đã khuyến cáo: hút thuốc lá có hại cho sức khỏe; hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi và các phương tiện thông tin đại chúng vẫn thường xuyên giải thích về tác hại của thói quen hút thuốc lá. Đặc biệt, ngày 1/1/2010, Chính phủ đã quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhưng tình trạng hút thuốc lá vẫn không giảm và khói thuốc lá có thể gặp bất kỳ ở đâu. Hiện nay, tại những bệnh viện, trường học, rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, quán ăn, quán rượu… Chúng ta vẫn gặp những người hút thuốc và có nghĩa là những người này đang bắt người xung quanh phải hít khói thuốc bất đắc dĩ này. Một điều tra cho thấy 60% trẻ em Việt Nam độ tuổi 13-15 đã tiếp xúc với khói thuốc tại nhà và tại Hà Nội, gần một nửa người dân phải hút thuốc thụ động, nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em.
Các nhà khoa học cho biết, chất độc trong khói thuốc lá gây ung thư, ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hệ hô hấp… Những người ngửi khói thuốc thụ động lâu năm dễ mang các bệnh hẹp tắc động mạch tim; thai phụ hít nhiều khói thuốc sẽ có thể sẩy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân hoặc chậm phát triển. Bố mẹ hút thuốc trong nhà, con cái dễ bị viêm đường hô hấp cấp và mãn tính, viêm tai giữa, trẻ sơ sinh có thể đột tử…
Trước những tác hại của khói thuốc lá ảnh hưởng tới sức khoẻ người hút, ảnh hưởng đến tmôi trường và những người xunh quanh. Chúng ta hãy lên tiếng với chính những người hút thuốc để đảm bảo cho môi trường chúng ta không khói thuốc.
Tại những nơi công cộng, chúng ta hãy mạnh dạn và đề nghị loại bỏ ngay hành động hút thuốc tại chỗ đông người. Cá nhân bạn hãy lên tiếng cùng với cộng đồng góp phần loại bỏ đi khói thuốc. Một lời nhắc nhở, một hành động dập tắt điếu thuốc đồng nghĩa với việc bạn đang bảo vệ môi trường sống cho chính chúng ta và thế hệ tương lai.
Mỗi người trong mỗi chúng ta hiểu và nhận thức được những tác hại của thuốc lá như thế nào! Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nên khuyên những người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình đang hút thuốc thì hãy từ bỏ thuốc.
Bạn là người hút thuốc, hãy nhận thức đến tác hại của thuốc lá và tác hại mà chính bản thân đã vô tình ảnh hưởng đến người xung quanh và chính gia đình mình. Khi vợ bạn đang mang thai nếu ngửi thấy mùi thuốc sẽ bị nôn mửa bị mệt, khói thuốc lá sẽ trực tiếp làm tổn hại đến sự phát triển của bào thai. Bạn hút thuốc trong nhà sẽ làm hại đến sức khỏe và làm gương xấu cho con cái bắt chước. Chính vì vậy, bạn nên từ bỏ thuốc lá hoặc là xây dựng cho mình hành vi hút thuốc một cách văn minh, để người khác không phải ngửi khói thuốc của mình gây ra…
Mỗi cá nhân chúng ta là một nhân tố chính trong cuộc chiến chống khói thuốc. Khói thuốc lá không có lợi cho bất cứ ai, mặt khác nó làm tổn hại đến rất đến nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Ngay bây giờ, chúng ta cần hành động quyết liệt hơn vì môi trường không khói thuốc. Hãy vứt bỏ điếu thuốc đang cháy trong tay bạn vì hạnh phúc của chính chúng ta và thế hệ mai sau./.
Theo Phạm Cường
(ĐCSVN)

Bình luận (0)