Bà Dung (443/142 Lê Văn Sỹ, P.12, Q.3) cho rằng con chó nhỏ của bà không cần rọ mõm, nhưng vẫn an toàn cho mọi người, vì nó ít ra đường và đã được chích ngừa bệnh dại 2 lần/năm (ảnh chụp ngày 15-9) |
Bà Huỳnh Thị Xuyến (Cư xá Bắc Hải – quận 10): Trước đây, vào buổi sáng hoặc chiều, tôi cùng một vài người thường dắt chó ra công viên hóng mát, cho chó đi dạo, cũng có khi mang theo dụng cụ để cún cưng đi vệ sinh. Nay dù biết quy định mới khi đưa chó đến nơi công cộng, nhưng do chưa kịp mua rọ mõm cho cún nên đành để chúng ở nhà cho an toàn, chứ chẳng may ra đó gặp tổ bắt chó là vừa mất công đi nhận chó về, vừa bị tốn tiền phạt.
Bà Dung (đường Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3): Tôi chưa hề nghĩ tới việc phải dùng rọ mõm cho chú cún cưng giống Toy Poodle của mình. Vì cách đây khoảng 2 tuần, trong một lần thả rông trước nhà, chú cún con có bộ lông trắng quăn quăn đã bị bắt mất và tôi phải chuộc lại với giá 4 triệu đồng. Bây giờ, để đảm bảo an toàn cho cún, tôi chỉ cho nó ra ngoài đi tiểu rồi lại dẫn vào nhà cột dây xích ngay để chống trộm. Con chó nhỏ của tôi luôn an toàn cho mọi người, vì nó đã được chích ngừa bệnh dại 2 lần/năm, xổ lãi mỗi năm một lần và được tắm xà phòng thơm thường xuyên.
Chủ cửa hàng Thế giới vật cưng (TP.HCM): Để đảm bảo an toàn và thoải mái cho cún, người nuôi cần chọn loại rọ mõm vừa và phù hợp. Cụ thể, khi chọn mua rọ mõm cho chó, người nuôi cần cho nhân viên cửa hàng biết thông tin về loại chó đang nuôi, vì chó mõm dài và mõm ngắn đều có loại rọ mõm riêng biệt. Thế giới vật cưng cũng lưu ý, trong trường hợp cần đeo rọ mõm cho chó trong một thời gian dài, hoặc khi trời nắng, thì chiếc rọ mõm cần đủ rộng cho cún thở, thè lưỡi hạ nhiệt để đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi của mình.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Đoàn Luật sư TP.HCM): Sau khi Nghị định số 90/2017/NĐ-CP chính thức đi vào cuộc sống, rất nhiều người dân đồng tình với chủ trương này. Họ cho rằng đây là việc làm cần thiết và đúng đắn vì việc nuôi chó nhưng thả rông chó, không đeo rọ mõm gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông cũng như mất thẩm mỹ đô thị.
Khi thông tin nếu chó thả rông không rọ mõm bị bắt sau 72 giờ, nếu chủ nhân không đến nộp phạt, những chú chó sẽ bị đem đi tiêu hủy đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Qua tìm hiểu, hầu hết những người đang nuôi chó đều rất băn khoăn và lo lắng cho thú cưng của họ và đề xuất cần có biện pháp nhân văn hơn trong vấn đề trên. Để Nghị định 90 đi vào cuộc sống cần sự ý thức của người dân, sự chặt chẽ trong công tác quản lý của các lực lượng chức năng. Bởi, khi lực lượng chức năng còn xem nhẹ hoặc buông lỏng quản lý thì khó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng như khó có thể xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật.
Theo tôi, những quy định của Nghị định 90 sẽ góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân (tránh bị chó cắn, bị lây bệnh dại,…). Bên cạnh đó, thông qua mức phạt nặng vừa được ban hành ở Nghị định 90 sẽ góp phần răn đe đối với những người có hành vi vi phạm, nâng cao ý thức cộng đồng. Với quy định này thì tình trạng chó thả rông nói riêng và súc vật nói chung sẽ được hạn chế và chấm dứt, qua đó giảm thiểu nguy cơ gây mất an toàn đối với người dân cũng như xã hội.
Do đó, là một người nuôi chó văn minh, mỗi người cần tìm hiểu và trang bị cho mình vốn hiểu biết cần thiết để thực hiện đúng luật. “Để quy định pháp luật đi vào cuộc sống, nếu chỉ tập trung vào việc đặt ra mức phạt hoặc tăng mức phạt thì chưa đủ mà quan trọng nhất là khâu thực thi. Vì vậy, trước tiên cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân nắm rõ quy định pháp luật, từ đó giúp nâng cao ý thức, góp phần vào việc họ sẽ tự giác chấp hành pháp luật thay vì tìm cách đối phó”, luật sư Bách nhấn mạnh.
Quyên Hà – Vũ Phương
Bình luận (0)