Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hãy lắng nghe con trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc thi "Bố mẹ ơi, con muốn nói" do Công ty cổ phần sách Thái Hà tổ chức trên toàn quốc đã thu hút gần 1.000 bài viết của các học sinh. Có đến 87% nội dung của bức thư là bày tỏ "ấm ức" trong lòng các em với cha mẹ.
"Nụ cười của con cứ thưa dần…"
Đọc những tâm sự của các em, chắc hẳn bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng sẽ thấy cần tự nhìn lại cách ứng xử của mình với con trẻ. Từ những bức thư gửi cha mẹ của các em có thể thấy hiện lên đầy đủ những vấn đề, những câu chuyện của cuộc sống gia đình hiện nay. Rất nhiều bậc làm cha, làm mẹ chưa biết yêu thương con mình đúng cách. Nhiều khi, cái mà cha mẹ nghĩ rằng như thế là tốt, là cần thiết cho con trẻ nhưng chưa hẳn đã mang lại hiệu quả như mong muốn.
Cha mẹ phải tạo cơ hội để cùng con trò chuyện – Ảnh: Đ.N.T
Một trong những bức xúc của học sinh hiện nay là áp lực học hành, áp lực phải đạt điểm cao, phải thi đỗ mà các bậc phụ huynh vô tình hoặc hữu ý đặt lên vai con trẻ. Nguyễn Nhật Trang Anh, học sinh lớp 8A1, trường THCS Giảng Võ, Hà Nội tâm sự trong thư: "Sao mày lúc nào cũng đi ngủ sớm thế? Mày nhìn con cái nhà người ta kia kìa, nó học tận 1, 2 giờ sáng. Đằng này, con nhà mình lo cho bao nhiêu tiền của, học chẳng ra đâu vào đâu… Những lúc con có nhiều điểm tốt, mẹ chỉ ầm ừ được vài câu rồi cho qua. Còn những lúc điểm kém… Nào mắng mỏ dọa đánh đập, chì chiết… đều dồn vào để con hứng chịu".
N.H.T (đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Văn Mỗ, Hà Đông, Hà Nội) thì kể câu chuyện về không khí nặng nề bao trùm gia đình khi một người con thi trượt vào trường THPT chuyên, biết đó là điều khiến bố mẹ vô cùng thất vọng nhưng "con không khóc vì con biết nếu khóc sẽ chỉ làm bố mẹ thêm thất vọng". Nhưng người mẹ đã không hiểu được tâm trạng ấy của con mình, mẹ đã nói: "Mày trượt mà không biết ân hận còn trơ mặt ra như thế à?"; và bố cũng nói: "Nhục lắm con ạ, rồi đời mày còn nhục nhiều"; rồi thì "chúng nó vào hết trường này trường kia, toàn trường chuyên lớp chọn, mày không biết xấu hổ với bạn bè à? 3 năm nữa nhanh lắm, lúc đấy thì chỉ có cúi mặt mà đi thôi con ạ". Và rồi, trong bức thư của mình, em viết: "Nụ cười của con cứ thưa dần theo những lời nói của bố mẹ…".
"Con muốn ‘mua’ vài giờ làm việc của mẹ"
Mỗi bức thư là một câu chuyện mà dù rất muốn nhưng các em khó có thể mở lòng với bố mẹ. Nguyễn Thị Hải (lớp 11A4, trường THPT Lương Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) tâm sự: "Hiện tại con đang là học sinh lớp 11 rồi. Ai cũng muốn con sẽ thi khối A theo nguyện vọng của cả nhà trong khi con đang học khối C… Con bảo sau này con sẽ làm MC hoặc phát thanh viên thì bác gái nói phải đi sư phạm để sau này bác còn dễ dàng xin việc… Con thấy mình bị gò ép nhiều quá, con thấy mình chẳng được tự do trong bất cứ việc gì cả, bất cứ việc lớn hay nhỏ mọi người đều coi con như một đứa trẻ con mẫu giáo chỉ bảo từng bước một, mặc dù những điều đó con biết".
Tâm lý chung của lứa tuổi học sinh phổ thông là muốn khẳng định cái tôi của mình, muốn tỏ ra rằng mình đã là "người lớn" chứ không còn bé bỏng dại khờ như các bậc phụ huynh vẫn nghĩ. Vậy nên dễ hiểu vì sao Nguyễn Nhật Trang Anh lại tỏ ra vô cùng bức xúc khi phát hiện cha mẹ đọc trộm nhật ký của mình. Hơn thế nữa, những ông bố bà mẹ trong câu chuyện này lại không nhận ra rằng việc làm của mình là sai, họ còn mang những gì đọc được ra để mỉa mai con mình. Trang Anh viết: "Con bắt gặp mẹ đang ở trong phòng riêng của con, trên tay là cuốn nhật ký cùng chiếc cặp sách đã bị mở toang. Con sững sờ… mẹ lại gọi bố vào để hai người cùng đọc cuốn nhật ký ấy. Con lao vào phòng, hét như điên như dại. Mọi bức bối, ấm ức từ lâu nay đã có dịp để tuôn trào. Vậy mà mẹ vẫn không xin lỗi con hay tỏ ra một thái độ gì. Ngược lại còn nói: "Mày mang mấy cái linh tinh vớ vẩn này đến lớp, thảo nào học như…".
Rất nhiều những tâm sự của các em cho thấy, dù đầy đủ điều kiện vật chất nhưng lại bị "bỏ đói" tình cảm, khiến các em thèm khát những lời yêu thương, hỏi han chia sẻ, thèm một người lắng nghe và hiểu mình. Hà Thị Loan (lớp 8A, trường THCS Phấn Mễ I, Phú Lương, Thái Nguyên) thì bày tỏ: "Con cũng như bao đứa trẻ khác luôn mong muốn những người lớn biết quan tâm, chia sẻ và hãy cố hiểu xem chúng con đang nghĩ gì, muốn làm gì"…
Nguyễn Thị Thu Hiên (trường THCS Nguyễn Du, Tam Kỳ, Quảng Nam) đã nói lên những khao khát rất chính đáng của mình, khi gia đình lúc kinh tế còn khó khăn thì ngập tràn tình yêu thương nhưng đến khi kinh tế khá giả thì cha mẹ quá mải mê kiếm tiền và xao nhãng việc quan tâm đến con cái. Em viết: "Mẹ có biết con mặc cảm như thế nào khi cô giáo bảo chỉ có mình con là không có phụ huynh đi họp không? Con xin mẹ đấy! Hãy quan tâm đến con một chút, một chút thôi cũng được. Con biết một giờ làm việc của mẹ có thể kiếm được một số tiền khá lớn. Nhưng xin mẹ hãy dành một ít thời gian cho con. Nhưng nếu đối với mẹ, tiền vẫn là trên hết, thì con muốn "mua" một vài giờ làm việc của mẹ, được không ạ?".
Chia sẻ với các em, bà Nguyễn Thị Lan Minh – chuyên viên cao cấp – Trưởng ban truyền thông, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam – Giám đốc chương trình "Cửa sổ tình yêu" cho rằng: "Để cha mẹ gần gũi hơn với con cái thì chính con cái cũng phải có nghệ thuật gợi mở chuyện. Phải tạo cho cha mẹ cơ hội để cùng nhau trò chuyện, chia sẻ. Cha mẹ chính là chỗ dựa tin cậy nhất để con cái có thể chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình".
Tuệ Nguyễn/TNO

Bình luận (0)