Trong thế giới này, mọi thứ có thể biến mất, kể cả tiền tài và địa vị, chỉ có cảm xúc yêu thương sẽ được lưu giữ mãi. Trong xã hội hiện đại, uy tín của người thầy gặp nhiều thử thách nhưng đã chọn nghề giáo thì lấy niềm vui, hạnh phúc của HS làm niềm vui cho mình. Vì vậy, để tạo dựng được hình ảnh đẹp trong lòng học trò và uy tín người thầy trong xã hội ngày nay là thách thức không nhỏ đối với nhà giáo…
TS. Phan Hải Hồ (Học viện Cán bộ TP.HCM) chia sẻ về nghề giáo |
Không đủ yêu thương đừng chọn nghề giáo
Theo tôi, cuộc đời, không phải do mình chọn nghề – mà nghề chọn mình. Và khi nghề chọn mình mà mình cảm thấy vui vẻ, thoải mái thì mình phải cống hiến và làm bất cứ điều gì cũng phải cống hiến. Rõ ràng, các nghề bình thường khác cống hiến một nhưng nghề nhà giáo phải cống hiến hai, ba và có thể còn phải cống hiến nhiều hơn nữa. Vì nghề giáo là nghề “trồng người”, phải trăn trở, phải suy nghĩ, phải chia sẻ.
Mới đây khi PGS. Văn Như Cương về với cõi vĩnh hằng, biết bao tình cảm, nước mắt của học trò, của phụ huynh và đồng nghiệp tiếc thương người thầy đáng kính. Bởi ông thực sự là nhà giáo mẫu mực với sự nghiệp “trồng người”. Hoặc như những hình ảnh HS Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) mới đây bịn rịn, bật khóc khi chia tay thầy hiệu trưởng đáng kính khiến nhiều người, kể cả những người thầy đều xúc động. Có lẽ ít nơi mà một người thầy hiệu trưởng, lại nhận được nhiều tình cảm lớn lao như vậy từ trò.
Nghề giáo là một nghề cao quý nên rất nhiều người mong ước được trở thành thầy cô giáo, một trong rất ít nghề mà tất cả đều gọi là Thầy và chữ Thầy này không phải ai cũng có được. Có thể người đó làm chức to quyền lớn nhưng cũng chỉ được gọi ông này, bà kia…
Như hôm nay các bạn tới lớp tôi đang dạy, trước khi dạy tôi có chia sẻ với học viên: Để giảng bài này, cả đêm qua thầy phải suy nghĩ, tìm ra dù chỉ một ý nhỏ nhất trong bài giảng thường xuyên này để “kích thích, đổi mới” ham mê môn học cho lớp. Không thể nói, bài giảng đó nay đem dạy cho lớp này, mai lại rập khuôn cho lớp khác. Vì ngày hôm nay, phần lý thuyết không thay đổi nhưng thực tế cuộc sống hàng tuần, hàng tháng lại có sự thay đổi nhanh chóng. Điều đó đòi hỏi GV phải luôn tìm tòi, lồng nghép được những diễn biến của thời sự trong tuần, trong tháng lồng nghép vào lý thuyết của bài giảng mới mang tính thực tế.
Bên cạnh đó, cũng không thiếu những hình ảnh người thầy “bạo lực” với trò. Cùng với những vấn đề bức xúc vô tận, ngành giáo dục còn phải hứng chịu những hình ảnh vô cùng xấu xí từ cách hành xử không đúng mực của một bộ phận GV. Bạo hành xảy ra tại trường học mà người bạo hành không ai xa lạ, chính là những người được xã hội, học trò tôn kính gọi là thầy, là cô khiến dư luận xã hội không khỏi hoang mang, những người làm cha, làm mẹ không khỏi lo lắng. Thậm chí có những người thầy được nhìn nhận là GV dạy giỏi, thương học trò, chưa từng đánh học trò cũng có lúc nổi giận mà trút xuống đầu đám trẻ.
Tôi nghĩ rằng, đã là thầy cô giáo thì phải tự hào – cống hiến và làm sao đó để truyền đạt được những kiến thức tốt nhất. Đó phải là kiến thức tốt nhất cho người học vì nhận thức, tư duy, vì nỗ lực cống hiến. Nếu ai đó, không đủ yêu thương, xin đừng chọn đi theo nghề giáo bởi để dạy một đứa trẻ nên người, vào khuôn phép, cần sự nghiêm khắc trong tình yêu thương học trò.
Một nghề cao quý
Công chức là ba cọc ba đồng, ai đó quan điểm vào công chức, viên chức để làm giàu. Tôi cho rằng đó là quan điểm sai lầm. Cũng giống như làm một thầy giáo để giàu là không có. Như đi giảng ở một đâu đó, có “thông tin” phải phong bì cho thầy hay tiêu cực về điểm, thi cử… những điều này là ở xã hội, có xuôi có ngược nó xảy ra. Vì vậy, khi thầy cô đã đứng trên bục giảng phải xứng đáng là một người thầy. Xứng đáng ở đây không chỉ là kiến thức mà còn là phẩm chất, đạo đức.
Thầy có thể nhận từ học trò phong bì để thầy cho học trò thêm điểm. Trước mặt người học trò đó “cám ơn, nhớ ơn” nhưng cả đời đó, người học trò này sẽ suy nghĩ “ông thầy này không xứng đáng làm thầy. Bởi ông thầy này không chuẩn mực về đạo đức”. Thầy đứng trên bục giảng, muốn có uy tín, muốn giảng được người khác nghe thì đầu tiên đạo đức – phẩm chất phải tốt.
Vậy hiện tượng, nhất là cán bộ, công chức, viên chức đi học, có hiện tượng “phong bì” cho thầy để trốn học, nâng điểm… hay đâu đó người thầy gợi ý máy tính của thầy cũ, điện thoại của thầy hư, hiện tượng này là có. Nhà giáo khi đứng trên bục giảng hãy gạt bỏ “tư duy” rằng dạy là để nhận phong bì từ trò.
Tôi đặt vấn đề: “Lỡ lớp đó, phụ huynh đó tặng thầy một chiếc cà vạt – vật chất đấy. Thầy có được nhận không?”. Xét theo phong tục tập quán của người Việt, khi người ta tặng cho mình quà. Của không nhiều nhưng cái tình thì nặng. Như vậy, quà bánh là một trong những phong tục tập quán của người Việt – trường hợp này nó không mang giá trị vật chất nhiều, mà mang giá trị tinh thần. Nhận hay không là do suy nghĩ, cảm nhận của người thầy để tránh giá trị vật chất nhiều nhưng giá trị tinh thần ít.
Còn hiện tượng, nhân những ngày lễ như ngày 20-11 phụ huynh “bao thơ”, quà cáp đến tặng thầy mục đích trong sáng có nhưng cũng không phải không có “ẩn ý” bên trong. Tự mặc định trong đầu mình rằng phải tặng quà cho thầy cô rồi sau đó lại ngồi than thở với nhau rằng “không tặng không được”, hành động và suy nghĩ đó của phụ huynh đã thể hiện thiếu sự tôn trọng đến nhà giáo.
Đừng đánh đồng tất cả GV đều là người tham lam, chỉ chực chờ lễ, Tết để “thắng quả đậm” như nhiều phụ huynh đã nói. Nhà giáo không đòi hỏi được nhận quà, càng không bao giờ bắt ép phụ huynh phải tặng quà cho GV. Thế nhưng cứ những ngày lễ, phụ huynh không bao giờ quên mang quà đến tặng. Người GV luôn ở vào thế bị động và khó xử. Không nhận quà thì mang tiếng kiêu căng, nhận quà rồi thì lại bảo tham lam. Dù nhận hay không nhận quà, đều bị gán cho những tiếng xấu. Rõ ràng, thêm vài món quà của phụ huynh không giúp nhà giáo giàu lên, mà bớt đi những món quà đó người thầy cũng không nghèo đi.
Nghề giáo vì cái tâm và lòng yêu nghề, yêu trẻ. Có ai giàu lên bằng cách làm nghề gõ đầu trẻ hay không? Nếu thực sự tham lam hay ham tiền, có lẽ họ đã chọn một nghề khác dễ làm giàu hơn. Tất nhiên, trong nghề cũng có đồng nghiệp nay thế này, mai thế khác. Nhưng đừng bao giờ đánh đồng tất cả. Bởi người thầy không chỉ đi dạy để trông chờ vào phong bì hay quà tặng ngày lễ.
Bác Hồ đã dạy: “Đạo đức là cái gốc của mọi vấn đề. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó nhưng có tài mà không có đức thì là kẻ vô dụng”. Rõ ràng làm một người thầy giáo, đứng trên bục giảng phải có phẩm chất – đạo đức rồi mới đến kiến thức. Hai vấn đề này song hành và không tách rời nhau.
TS. Phan Hải Hồ
Bình luận (0)