Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hãy mở cho mình thêm cơ hội bằng sự nỗ lực, quyết tâm

Tạp Chí Giáo Dục

Còn chưa đy mt tháng, các em hc sinh lp 12 trên cc bưc vào k thi quan trng, đánh du chng đưng 12 năm hc tp. Thi đim này cũng là thi gian tăng tc đ các em tp trung ôn tp, vi nhng mc tiêu đt ra cho bn thân.


Theo tác gi, vi cách ra đ thi hin nay đã hn chế khá nhiu vic hc sinh “khoanh li”, “đánh ba”, do vy các em cn ôn tp nghiêm túc (nh minh ha). Ảnh: Anh Khôi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có nhiều ý nghĩa đặc biệt. Phương án tổ chức thi tốt nghiệp vẫn được giữ ổn định như các năm trước và là năm cuối cùng thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Sau hơn 15 năm áp dụng chương trình phân ban, việc đổi mới trong dạy học và thi cử đem lại những hiệu quả nhất định. Phương án thi tốt nghiệp chuyển từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm đáp ứng yêu cầu đổi mới, bắt kịp với xu hướng giáo dục tiên tiến. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế có thể dẫn tới phát sinh tiêu cực trong quá trình triển khai đã được Bộ GD-ĐT đưa ra các biện pháp khắc phục, ban hành quy định mới sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh việc gấp rút ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh, thầy cô giáo cũng đang có những sự chuẩn bị cho năm học sau, hướng tới kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong giai đoạn nước rút này, việc ôn tập là rất quan trọng. Các em học sinh cần có kế hoạch và phương pháp ôn tập hiệu quả, sắp xếp thời gian hợp lý, cũng như chú ý chế độ ăn uống, nghỉ ngơi… Để ôn tập tốt môn toán, chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm sau: Khi ôn tập, học sinh cần phân dạng câu hỏi theo chủ đề, theo các mảng kiến thức liên quan như phần giải tích gồm khảo sát và vẽ đồ thị hàm số; hàm số lũy thừa, hàm số mũ và hàm số lôgarit; nguyên hàm, tích phân và ứng dụng; số phức; phần đại số tổ hợp gồm tổ hợp, xác suất; cấp số cộng – cấp số nhân; nhị thức Niu-tơn… Phần hình học có các chủ đề như khối đa diện; mặt nón, mặt trụ, mặt cầu; phương pháp tọa độ trong không gian… Với 35 câu đầu trong đề thi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, các em cần đọc kỹ câu hỏi, nhất là những câu hỏi lý thuyết, cần gạch chân các từ khóa, dữ liệu trong đề bài. Các em có thể sử dụng phương pháp loại suy để kiểm tra các phương án, dùng công thức hoặc các tính chất thông thường để tìm nhanh được đáp án đúng, dùng máy tính cầm tay để hỗ trợ tính toán. Ví dụ, dạng toán nhận diện đồ thị của hàm số; tìm tập xác định của hàm số lũy thừa; các công thức nguyên hàm cơ bản… Từ câu 35 trở đi, câu hỏi của đề thi có độ phân hóa khá rõ nét. Trong số các câu hỏi đó là những câu ở mức độ từ vận dụng thấp đến vận dụng cao, tập trung chủ yếu kiến thức lớp 12, đòi hỏi học sinh phải tư duy linh hoạt và thành thạo kỹ năng giải toán. Để có thể giải quyết được các câu hỏi ở mức độ vận dụng thì học sinh phải làm quen với các dạng đề và rèn luyện tư duy phân tích, đánh giá, tổng hợp, dựa trên kiến thức nền thực sự vững chắc. Với cách ra đề thi hiện nay đã hạn chế khá nhiều việc học sinh “khoanh lụi”, “đánh bừa”, do vậy các em cần ôn tập một cách nghiêm túc. Song song đó, học sinh cần tập thói quen ghi chú, giúp các em có thể nhớ nhanh, nhớ sâu các kiến thức, cũng như thói quen tự học. Trong thời gian ôn thi, các em nên hạn chế sử dụng điện thoại di động và các trang mạng xã hội để có thể tập trung nhiều nhất cho việc học. Các em có thể dành thời gian để làm các bài thi thử, bổ sung những kiến thức bị hổng hoặc biết thêm các cách giải mới. Với các bài toán hình học không gian, các em có thể dùng phương pháp tọa độ hóa để chuyển bài toán hình học thuần túy về dạng tọa độ trong không gian, từ đó sử dụng các công thức liên quan. Với các bài toán thực tế, học sinh cần đưa các yếu tố của bài toán, các đại lượng… về các biểu thức toán học.

Một số lỗi sai học sinh cần tránh khi giải các câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp THPT môn toán. Thứ nhất, cần xét điều kiện đối với các dạng toán giải phương trình hoặc tìm tập xác định của hàm số. Thứ hai, cần hiểu rõ các khái niệm “tương đồng” như điểm cực trị của hàm số, điểm cực trị của đồ thị hàm số; định nghĩa đường tiệm cận đứng, đường tiệm cận ngang; công thức tính diện tích xung quanh của hình trụ, của hình nón; điều kiện để hàm số luôn đồng biến trên tập số thực R… Thứ ba, các lỗi thường gặp khi sử dụng máy tính cầm tay như chỉ giải được một nghiệm của phương trình; khoảng chạy của biến trong bảng (TABLE) chưa quét được giá trị cần tìm… Để có thể tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp và đạt kết quả tốt nhất, các em cần lưu ý một số điều sau đây. Thứ nhất, các em cần nắm rõ những mốc thời gian quan trọng được quy định trong lịch thi để chủ động đến sớm và chuẩn bị cho mình một tinh thần tốt nhất trước khi vào làm bài thi. Các em đem theo đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết và các vật dụng được phép mang vào phòng thi. Thứ hai, các em cần đọc kỹ quy chế và lưu ý phần trách nhiệm của học sinh khi dự thi; thực hiện đúng theo sự hướng dẫn và yêu cầu của cán bộ phòng thi. Thứ ba, khi làm bài, các em cần kiểm dò thông tin cá nhân, điền đúng và tô đủ các mục trong bài làm, phiếu trả lời. Thứ tư, sau mỗi buổi thi, các em không nên tra đáp án vì điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt tới tâm lý trong những buổi thi tiếp theo. Hãy giữ tinh thần thoải mái, tự tin để hoàn thành tốt bài thi. Thứ năm, các em đừng chủ quan vì nghĩ rằng rủi ro bị điểm “liệt” là rất thấp.

Nhiều học sinh ở các tỉnh/thành có điều kiện, học lực tốt… đã trúng tuyển vào các trường ĐH trước khi tốt nghiệp THPT. Thế nhưng, kỳ thi nào cũng có những giá trị nhất định của nó, dù các em đã có tấm vé vào ĐH hay chưa? Với một kỳ thi đánh giá kết quả học tập 12 năm học phổ thông của các em thì kỳ thi tốt nghiệp THPT đương nhiên có ý nghĩa rất quan trọng. Sự chủ quan, coi thường có thể để lại những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Các em hãy mở cho mình thêm cơ hội, thêm những lựa chọn tốt hơn bằng sự nỗ lực, quyết tâm. Sự kiên trì theo đuổi ước mơ sẽ dẫn đến thành công. Mọi nỗ lực, cố gắng sẽ được đền đáp. Mục tiêu đậu vào trường ĐH không hẳn là đích đến cuối cùng. Nó chỉ khép lại chặng đường 12 năm cắp sách tới trường và mở ra một chặng đường mới cho những định hướng tương lai.

Từ năm 2025 trở đi, phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn sau: Ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Điều này nhằm giảm áp lực cho học sinh, gọn nhẹ trong việc tổ chức thi, giảm tốn kém cho phụ huynh, xã hội, cũng như thuận lợi cho học sinh trong việc học tập và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện, hoàn cảnh của bản thân. Tuy vậy vẫn còn nhiều băn khoăn của phụ huynh, học sinh trước việc lựa chọn các môn học cho tổ hợp hướng tới tổ hợp thi tuyển hoặc xét tuyển ĐH sau này. Một số môn học được cho là khó, học sinh “né” tổ hợp có môn đó có làm cán cân của các ngành học ở bậc ĐH bị lệch hay không và những sự thay đổi có mang đến hiệu quả như mong muốn vẫn là những điều đón đợi phía trước.

Lâm Vũ Công Chính

 

 

Bình luận (0)