Học trong một môi trường mà quá nhiều bạn học giỏi, bản thân em lúc nào cũng thấy chưa thỏa được ước muốn. Từ đó bắt đầu áp lực. Nếu cứ tiếp tục áp lực thì mục tiêu đặt ra cũng chưa chắc đạt được chứ đừng nói bằng bạn bằng bè. Và thế là lo lắng, trầm cảm…
Đấy là nhận định có cơ sở của nhóm tác giả khi thực hiện đề tài Khảo sát và dự phòng rối loạn trầm cảm ở học sinh THPT. Nhóm tác giả mong muốn nhà trường quan tâm đúng mức về bệnh trầm cảm trong học đường.
Đề tài đã giành được giải ba lĩnh vực khoa học xã hội hành vi trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia 2017.
Từng bị trầm cảm
Hai tác giả là Phan Thanh Nhật Trang và Lý Trần A Khương, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM.
Nói về lý do thực hiện đề tài này, Trang ngại ngùng chia sẻ về giai đoạn mà chính mình cũng bị trầm cảm.
“Khoảng thời gian đó em thấy mình có dấu hiệu trầm cảm nhưng lúc đầu không gọi tên được nó là gì. Cùng một lúc có quá nhiều chuyện xảy ra khiến em cảm giác mệt mỏi, buồn bã và thấy khó nói chuyện hay ngại tiếp xúc với người khác. May mắn phát hiện và điều trị kịp thời bằng những liệu pháp tâm lý cộng với chế độ ăn uống và tập thể dục nên em đã lấy lại được cân bằng”, Trang chia sẻ.
Sau đó, Trang bắt đầu nhận ra nhiều bạn bè xung quanh cũng có những dấu hiệu tương tự nhưng không hề biết vấn đề của mình là gì. Từ đấy, Trang quyết tâm cùng Khương thực hiện đề tài nghiên cứu nhằm cung cấp những kiến thức nền tảng, những biểu hiện cũng như biện pháp dự phòng cho thực trạng rối loạn trầm cảm trong độ tuổi học đường hiện nay.
|
Cần có sự đồng hành
Khảo sát hơn 3.000 học sinh THPT ở TP.HCM, kết quả cho thấy 25% có dấu hiệu trầm cảm. Trong đó, khối THPT chuyên chiếm tỷ lệ rối loạn trầm cảm cao hơn rất nhiều so với khối THPT không chuyên.
Theo nhóm tác giả, môi trường học tập tác động phần nào đến việc rối loạn trầm cảm của học sinh. Tuy nhiên, trước tiên mỗi học sinh phải biết tự cứu lấy bản thân và tự lượng sức mình, đừng quá tạo áp lực cho mình.
Trang liên hệ cụ thể: “Học trong một môi trường mà quá nhiều bạn học giỏi, bản thân em lúc nào cũng thấy chưa thỏa được ước muốn. Trước đây em quyết tâm học được 110/120 điểm TOEFL. Thế nhưng, khi đi học thấy bạn bè xung quanh sao giỏi quá, đạt đến 117, 118 rồi thậm chí 120/120. Từ đó bắt đầu áp lực. Nếu cứ tiếp tục áp lực như thế thì mục tiêu đặt ra là 110 điểm cũng chưa chắc đạt được chứ đừng nói gì bằng bạn bằng bè”.
Qua khảo sát, Trang hiểu rằng khi rơi vào những hoàn cảnh này, việc duy nhất hữu ích là mình phải nói ra được điều đó và phải có người nghe mình nói, có người đồng hành cùng mình.
“Phải làm thế nào để xã hội nói nhiều hơn về trầm cảm, nhắc đến trầm cảm nhiều hơn. Để những đối tượng khi mắc phải trầm cảm không trở nên xa lánh mọi người và thu mình lại làm bệnh tình ngày càng nghiêm trọng”, Khương mong muốn.
Từ thực trạng này, nhóm tác giả đã đưa ra nhiều sản phẩm là những giải pháp dự phòng cho rối loạn trầm cảm ở học sinh, như: phần mềm theo dõi sức khỏe và trạng thái tâm lý, những bài tập được thiết kế theo nhu cầu, bộ cẩm nang “28 ngày quan tâm”, bảng thiết kế về phòng tham vấn tâm lý được kết hợp hài hòa giữa nội thất, màu sắc và ánh sáng với không gian thoáng mát giúp người đi tư vấn cảm thấy thoải mái hơn…
Bác sĩ Ngô Tích Linh, Chủ nhiệm bộ môn tâm thần Trường ĐH Y Dược TP.HCM, người đã tiếp xúc và nhận xét về đề tài của nhóm tác giả, cho hay: “Tỷ lệ rối loạn trầm cảm hiện nay là khá cao. Với đề tài này, các em đã tìm ra được một số yếu tố nguy cơ, từ đó liên hệ đến tỷ lệ trầm cảm cao ở một số đối tượng nhất định rồi có những lưu ý về biện pháp dự phòng phù hợp”.
Nữ Vương (TNO)
Bình luận (0)