Trước đây các cụ thường nói, “nữ thập tam, nam thập lục”, nghĩa là phải 13 tuổi trẻ em gái mới dậy thì, còn trẻ em nam là 16 tuổi. Nhưng bây giờ, do môi trường sống có nhiều thay đổi nên tuổi dậy thì của trẻ cũng có phần sớm hơn. Nhiều em nữ mới 9 – 10 tuổi đã bước vào tuổi dậy thì. Vậy cha mẹ phải làm gì trước những đứa con có “cái thân” người lớn nhưng “cái đầu” lại là của một đứa trẻ?
Những sai lầm của cha mẹ
Gần một tháng nay, chị Hoa, tiểu thương chợ Thái Bình, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, luôn trong tâm trạng “đứng ngồi không yên”. Chị không hiểu thằng con trai 11 tuổi “hiền như cục bột” đã uống nhầm “thuốc” hay sao mà trở nên thay tính đổi nết nhanh như vậy. Chị nói gì nó cũng cãi lại hoặc vờ như không nghe thấy. Trước đây, mỗi buổi sáng nó đều phụ chị dọn hàng nhưng nay thì “mẹ tự làm một mình đi”. Mỗi lần nghe Minh nói như vậy, chị Hoa đau lòng lắm. Chồng bỏ đi khi bé Minh mới 3 tuổi, chị Hoa ở vậy nuôi con với hy vọng sau này sẽ được nhờ. Nào ngờ… “Nó rồi cũng như ba nó, sớm muộn rồi cũng bỏ tôi mà đi”, chị Hoa nghĩ vậy nên bắt đầu tỏ ra thờ ơ với con.
Đó chính là sai lầm của chị Hoa và cũng là sai lầm của rất nhiều ông bố, bà mẹ khác. Trên thực tế, sự thật không nghiêm trọng như những gì chị Hoa nghĩ. Minh vẫn là một đứa trẻ ngoan, học hành chăm chỉ nhưng không còn là “cục bột” nữa. Bởi Minh đã lớn, ria mép đã lún phún mọc, giọng cũng bắt đầu ồm ồm, người cao lớn hẳn lên… Sự thay đổi về cơ thể kéo theo sự thay đổi tâm lý nhưng chưa ổn định nên biến Minh thành kẻ “dở ông, dở thằng”. Tuy vậy, thời gian dậy thì sẽ không kéo dài…
Không tỏ ra thờ ơ với con như chị Hoa, chị Thắm (P.3, Q.Bình Thạnh) chọn giải pháp “thương là cho roi cho vọt”. Cứ mỗi lần bé Nhật cãi lời là vớ được cái gì chị quất túi bụi vào con. Một lần kiểm tra góc học tập của con, chị Thắm phát hiện có rất nhiều đồ chơi và truyện tranh. Chị gọi Nhật lại hỏi tiền ở đâu mà mua những thứ này, Nhật nói của một bạn gái học chung lớp tiếng Anh tặng. Chị vội nghĩ hay con mình mới 12 tuổi mà đã bày đặt yêu đương nhăng nhít nên chị xé hết mấy quyển truyện tranh, ném hết đồ chơi vào thùng rác. Bé Nhật cự lại, đang tức giận, chị Thắm lấy ngay cái thước trên bàn quất tới tấp vào người con.
Một buổi sáng, vợ chồng chị Thư vô cùng hoảng hốt khi thấy bé My khóc lóc thảm thiết trong phòng. Hai người vội vã chạy vào phòng con. Thấy mẹ, bé My ôm trầm lấy và mếu máo: “Mẹ ơi, con sắp chết rồi”. Không biết có chuyện gì nên chị Thư cuống quýt ôm cứng lấy con. Anh Thanh – chồng chị từ tốn hỏi con: “Thực ra là có chuyện gì, con nói cho ba mẹ nghe”. Chỉ vào vết máu trên giường, My nói: “Con bị chảy máu”… Vợ chồng chị Thư nhìn nhau, họ rất ngạc nhiên vì bé My mới học hết lớp 3, qua hè mới lên lớp 4. Nhỏ xíu như vậy thì làm sao đã có kinh nguyệt. Không lý giải được nên vợ chồng chị tất tả đưa con tới bệnh viện… Ở bệnh viện, các bác sĩ cho biết bé My đã dậy thì.
Luôn lắng nghe và thấu hiểu
Đó là lời khuyên của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt dành cho các ông bố, bà mẹ có con bước vào tuổi dậy thì. Theo bà Tâm, cha mẹ phải dành thời gian trò chuyện với con để hiểu tâm tư, tình cảm và những thay đổi tâm sinh lý của con. Khi bước vào tuổi dậy thì, hoóc môn phát triển, sinh lý cũng phát triển nên trẻ rất khó khăn trong việc hội nhập. Dẫn đến là có những hành động, cử chỉ khiến người khác bất ngờ. Song, cha mẹ cần phải thông cảm chứ không được làm tổn thương trẻ như la mắng, đánh đập. Điều đó sẽ khiến trẻ dễ bị sang chấn tâm lý, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của trẻ…
Riêng với trẻ em gái thì có phần “cực” hơn cho các ông bố, bà mẹ. Nếu việc giáo dục trẻ vào thời điểm này không đúng thì có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Bà Tâm khuyên các bà mẹ khi thấy con mình bỗng nhiên phổng phao thì hãy bắt đầu nói với con về chuyện giữ gìn và vệ sinh trong những “ngày ấy”.
Hãy nói với con: “Đừng quá lo lắng, hoảng hốt, bởi đó là chuyện tất yếu phải xảy ra đối với phái yếu. Điều đó là một minh chứng để chứng minh con đã trở thành thiếu nữ. Khi “ngày ấy” đến gần, cơ thể con thường có những dấu hiệu như đau bụng, đau ngực, hay cáu gắt vô cớ… Lúc đó, con nên đem theo băng vệ sinh trong cặp sách. “Ngày ấy” đến, con phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, trung bình từ 4 -5 giờ đồng hồ phải thay băng vệ sinh/lần”, bà Tâm nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia tư vấn cho rằng, làm cha mẹ cũng cần phải học. Bởi giáo dục trẻ vừa là sứ mạng vừa là một nghệ thuật. Cha mẹ cần xây dựng nhân cách trong việc dạy con thành nhân trước khi thành công. Theo đó, ở nhiều trung tâm tư vấn đã tổ chức các lớp học làm cha mẹ. Những lớp học như thế này có đủ thành phần cha mẹ, từ những bà mẹ buôn bán ở chợ, đến những bà mẹ là cô giáo, những ông bố là kĩ sư, bác sĩ…
Kim Anh
Bình luận (0)