Đang là sinh viên (SV) năm thứ 3 của một trường ĐH danh tiếng tại Hà Nội, và cũng có một công việc làm thêm ngoài giờ với thu nhập khá ổn, vậy mà Hoài đã bỏ cái công việc làm thêm với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng kia để chạy theo sự giới thiệu của người bạn vào làm cho Công ty A. (một công ty kinh doanh đa cấp của Mỹ). Mặc dù vẫn đi học, nhưng thời gian Hoài dành để lên giảng đường ngày càng thưa thớt dần, thậm chí còn bỏ bê triền miên, vì khoảng thời gian trong tuần Hoài dành để đến văn phòng của công ty đa cấp kia gần kín lịch mất rồi. Khi thì đến để nghe thuyết trình hội thảo, lúc lại đi gặp gỡ lôi kéo thành viên mới nhằm xây dựng hệ thống tuyến dưới trong mạng lưới kinh doanh… Hoài say mê kinh doanh đa cấp đến mức quên tất cả, chấp nhận vất vả với mong muốn là làm giàu nhanh chóng, bởi trước khi đến với công ty này người bạn của Hoài đã “vẽ” ra biết bao những hình ảnh, những định hướng của con đường thành công. Không chỉ bỏ thời gian, công sức, mà tiền bạc Hoài cũng không ngần ngại bỏ ra hơn chục triệu đồng để đi Thái Lan dự hội thảo tìm hiểu kinh doanh đa cấp của công ty cùng những người tuyến trên. Không đủ tiền, Hoài đi vay bạn bè, người thân để gom đủ số tiền chi phí cho chuyến đi…
Từ ngày Hoài tham gia vào Công ty A. đã hơn nửa năm vậy mà vẫn chưa kiếm được đồng tiền nào, thậm chí còn mất đi kha khá. Đó còn chưa nói tới nếu 6 tháng này Hoài đi làm thêm với mức lương 4 triệu đồng/tháng như trước thì số tiền bị “mất” còn rất lớn. Chịu khó như vậy nhưng Hoài chẳng xây dựng, lôi kéo được mấy thành viên tuyến dưới, mà có vài người tham gia mở thẻ thì cũng chẳng hoạt động, vì vậy mà sự thăng tiến trong kinh doanh của Hoài vẫn ở ngưỡng con số… 0! Chán nản vì cơ hội kinh doanh khó có thể thành công đối với mình, Hoài đã bỏ và coi như mất đứt bao công sức và cả tiền bạc. Đó còn chưa kể tới khoảng thời gian Hoài đi làm cho công ty này sức học bị giảm sút trông thấy. Âu đó cũng là bài học cho sự suy nghĩ không được chín chắn…
Đoàn kiểm tra niêm phong hàng hóa không có chứng từ hóa đơn của một công ty bán hàng đa cấp. Ảnh: I.T |
Thực ra Hoài chỉ là một dẫn chứng khá điển hình trong thực trạng chung của rất nhiều các bạn trẻ nói chung và SV nói riêng hiện nay đua nhau lao vào các công ty bán hàng, kinh doanh đa cấp với hi vọng làm giàu. Tôi không có ý nói tất cả các công ty đa cấp đều lừa đảo, đều không chính đáng, minh bạch, mà vẫn có nhiều công ty đa cấp thực sự tốt, nếu chịu khó vẫn có thể thành công. Thế nhưng, với một số công ty đa cấp thì những người trẻ làm sẽ rất khó thành công – nhất là các bạn SV. Nguyễn Thị Nga, SV ĐH Thương mại – từng theo bám Công ty A. gần 1 năm – tâm sự: “Với SV thì sự thành công ở A. là khá khó vì họ không có tiền, hơn nữa khi lôi kéo, xây dựng được mạng lưới tuyến dưới thì những người ấy cũng không có tiền để đi làm…”. Nghe sự giãi bày của Nga tôi cũng thấy đúng, vì thông thường người tham gia vào các công ty đa cấp phải có tiền để dùng thử sản phẩm của công ty, mà các sản phẩm đa cấp đâu có rẻ tiền nên SV lấy đâu ra mấy triệu bạc đây?! Sự thành công trong kinh doanh đa cấp không chỉ lôi kéo, xây dựng mạng lưới mà còn phải cần tới bán được nhiều hàng hóa, sản phẩm cũng như kích cầu tuyến dưới cũng năng động và đa năng như mình. Chẳng vậy mà khi SV tham gia công ty đa cấp được một thời gian là họ nghỉ hết, khiến cho những người trẻ khác ở tuyến trên dù nỗ lực, cố bám trụ cũng khó có thể thành công nên trước sau cũng “bật bãi” là điều khó tránh khỏi.
Thói quen tiêu dùng của người dân còn theo cách truyền thống vì thế số người thành công trên thương trường kinh doanh đa cấp còn chưa được nhiều. Chính vì thế mà mọi người nói chung, và các bạn trẻ nói riêng trước khi bước vào lĩnh vực kinh doanh đa cấp cần phải suy tính cho kỹ lưỡng để tránh mất tiền bạc, thời gian vô ích…
Trịnh Viết Hiệp
(Học viện Báo chí &Tuyên truyền)
Bình luận (0)