SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong một buổi sinh hoạt kỹ năng tại trường
|
Ngay cả khi không khởi nghiệp bằng lòng yêu nghề thì vẫn có những lý do để người ta đam mê và gắn bó cả đời với nghề sư phạm.
Vấn đề “tiếp lửa” để sinh viên (SV) sư phạm ngày càng yêu nghề, tự tin theo đuổi con đường họ chọn đã nhận được nhiều sự quan tâm.
Khơi dậy niềm đam mê
Tại tọa đàm “Đổi mới phương pháp giảng dạy trong học chế tín chỉ và tiếp lửa lòng yêu nghề” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức mới đây, giảng viên Nguyễn Thị Thu Huyền (Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhìn nhận: “Ngày càng có nhiều SV sư phạm bày tỏ với tôi những băn khoăn về nghề nghiệp, những tiêu cực trong giáo dục và tương lai ảm đạm của những người theo nghiệp dạy học”. Chính vì vậy, giảng viên Thu Huyền cho rằng, vấn đề cốt lõi của việc “truyền lửa” cho SV sư phạm chính là chỉ cho các em những con đường, những ngã rẽ sau khi tốt nghiệp. “Các em phải nhìn thấy ánh sáng tương lai mới tự tin theo đuổi đến cùng nghề dạy học” – chị Thu Huyền khẳng định.
Ngay chính bản thân giảng viên Thu Huyền, 7 năm gắn bó với nghề không phải lúc nào chị cũng tràn trề nhiệt huyết. Có những lúc chị đã hoang mang, nghi ngại trước con đường mình chọn. Thậm chí chị từng muốn bỏ nghề khi không tìm thấy niềm vui đứng lớp, không đem được cho học trò những bài giảng hay. “Cứ thử hình dung nếu tôi đến lớp với tâm trạng uể oải, giảng bài như “nhai cơm nguội” thì SV sẽ không tránh khỏi suy nghĩ rằng đến cô cũng chán môn này thì làm sao mà SV thích nổi hoặc cô cũng ghét đi dạy thì hẳn công việc này không có gì thú vị. Và quan trọng, nhìn vào tôi, SV sẽ chẳng còn hứng thú học tập, có thể hoang mang trước sự lựa chọn của mình” – giảng viên Thu Huyền chia sẻ. Và chị đã tự làm mới mình để bài giảng thu hút được SV. Giờ học của chị không còn rập khuôn theo giáo án mà “tươi tỉnh” hẳn bởi những câu chuyện vui. Chị cho rằng, nếu SV không còn hứng thú trước bài giảng thì cố gắng nhồi nhét cũng không hiệu quả. Dần dần, sự đón chờ, hưởng ứng của SV vào mỗi giờ dạy đã khơi dậy tình yêu nghề trong chị.
Từ yêu… thử đến yêu thật!
ThS. Nguyễn Hữu Long (giảng viên Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM) cũng từng bước vào nghề giáo mà không có niềm say mê. Con đường thực sự anh muốn theo chính là hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Thậm chí, thời gian học ĐH, anh từng khủng hoảng tinh thần vì không “yêu” được ngành nghề mình đang theo đuổi. Ngay cả khi đi dạy, anh thú nhận rằng đã có những thời điểm anh hết sức… lung lay. Nhìn thấy bạn bè có nhiều thành đạt, trong khi mình chưa thể sống đủ bằng công việc dạy học, anh đã tính đến một hướng đi khác.
Theo ThS. Long, nhà giáo cũng chịu áp lực rất lớn từ chuyện “cơm áo gạo tiền” và một khi đồng lương chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống thì lòng yêu nghề cũng sẽ đứng trước những thử thách lớn. Việc làm thêm “nghề tay trái” giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống giáo viên, làm giàu được vốn kiến thức thực tiễn tạo sự sinh động cho bài giảng nhưng lại có thể gây giảm lòng yêu nghề bởi những tác động từ “kinh tế thị trường”. Thực tế, với lối sống ngày càng theo xu hướng trọng vật chất, vai trò của người giáo viên đôi khi bị xem nhẹ. Ngay cả trong vấn đề lựa chọn nghề nghiệp hiện nay, rất nhiều bạn trẻ đang chạy đua vào những ngành dễ kiếm việc, nhanh chóng tạo ra của cải vật chất. Ít ai chọn nghề giáo với đủ đam mê để “sống chết” với nghề.
Từ bài học bản thân, ThS. Long cho rằng, việc học cách chấp nhận và thử yêu lấy ngành nghề mình đang theo đuổi là cách để “bám trụ” được lâu dài với lựa chọn của mình. Đối với nghề sư phạm, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, thử yêu học trò, yêu trường lớp, đồng nghiệp… thì sẽ đến lúc chúng ta “yêu thật” nghiệp giáo lúc nào không biết. “Chọn nghề giáo, dẫu phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nếu chúng ta biết vun đắp lòng yêu nghề thì sẽ tìm được niềm hạnh phúc” – ThS. Long tin tưởng.
Bài, ảnh: Mê Tâm
“Đặc trưng của nghề giáo là phải luôn song hành giữa kiến thức và kinh nghiệm thực tế, thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà SV sư phạm hiện nay ít được va chạm thực tế. Khi ra trường, chính các em đã gặp nhiều khó khăn trong phát triển chuyên môn hoặc thăng tiến. Điều này ảnh hưởng lớn đến “tâm tư, tình cảm” của nhà giáo về định hướng nghề nghiệp”, ThS. Nguyễn Hữu Long (giảng viên Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM) lý giải. |
Bình luận (0)