Nhân đọc bài Vì sao học sinh chưa thích thú với môn văn của tác giả T.H (Q.9) trong mục “Nhịp cầu sư phạm” (Báo Giáo Dục TP.HCM số 630), tôi xin được tiếp lời như sau:
Nguyên nhân học sinh (HS) chán học môn ngữ văn không phải bây giờ mới biểu hiện mà nó đã có hàng chục năm nay. Nguyên nhân có rất nhiều nhưng tựu trung lại có những nguyên nhân cơ bản sau đây:
Một là: Khoa học kỹ thuật ngày nay tiến mạnh như vũ bão, nhiều phương tiện thông tin, giải trí ra đời. Tất cả hình thành nên một công nghệ giải trí, một thị trường giải trí hấp dẫn mọi người. Thí dụ như ngồi xem một bộ phim thoải mái hơn là ngồi xem một cuốn sách, ngẫm nghĩ về một câu chuyện trong sách… Hơn nữa xem phim thì không cần phải động não, chỉ việc ngồi xem đến khi kết thúc phim.
Hai là: Đầu vào thi vào đại học, cao đẳng của bộ môn khoa học xã hội nói chung, của ngữ văn nói riêng rất hẹp, không được “rộng đường” như các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Học ngành sư phạm toán, lý có thể ra trường dạy thêm “bù lại vốn” còn chọn ngành văn khó dạy thêm vì chẳng mấy ai ham thích học văn!
Theo ý kiến riêng của tôi, muốn học tốt môn ngữ văn – tất nhiên là học say mê, học có kết quả là phải có năng khiếu đặc biệt! Từ sự say mê học sẽ dẫn đến say mê đọc, say mê nghiền ngẫm, say mê tìm hiểu… Đành rằng học văn không mang lại “lợi nhuận” tức thời nhưng nó có thể mang lại cho người học những cảm xúc thẩm mỹ; biết rung động trước cái đẹp, biết sống đẹp và có nhân cách đẹp.
Ba là: Chương trình văn các cấp hầu hết quá nặng, không phù hợp với lứa tuổi học trò. Học đủ thứ từ xưa đến nay, từ Tây sang Tàu, từ cổ chí kim; thành ra nhìn vào chương trình văn như một cánh rừng không lối ra! Học sinh chán học, thầy cô dạy mong cho hết bài, ký sổ đầu bài là “hoàn thành nhiệm vụ” (!).
Bốn là: Trước thực trạng ấy, nhiều cuộc hội thảo đã diễn ra nhằm vực dậy môn ngữ văn trong nhà trường. Nào là ứng dụng công nghệ thông tin, nào là đổi mới cách dạy, lấy học sinh làm trung tâm; thầy thiết kế, trò thi công… Nhưng xem ra vẫn chưa chuyển biến đáng kể.
Dù sao, yếu tố con người vẫn là quyết định. Một giờ văn muốn hấp dẫn cần rất nhiều yếu tố, trong đó vai trò người thầy rất quan trọng. Thầy phải say mê, phải hết lòng vì bộ môn thì HS mới được truyền ngọn lửa nhiệt tình. Thầy phải học rộng, hiểu sâu vấn đề; phải có vốn sống, vốn văn học phong phú thì mới dẫn dắt HS đi từ cái mới này qua cái mới khác (còn dạy theo trong sách hướng dẫn thì quá dễ, cứ ghi bảng, HS chép vào, giảng một vài ý là xong!).
Tôi có trực tiếp dạy môn văn và HS vẫn thích, vẫn làm bài tốt vì tôi có cách dẫn dắt vấn đề cộng với năng lực sư phạm, năng lực chuyên môn của bản thân.
HS vẫn thích học văn, vẫn háo hức chờ bài giảng mỗi ngày một mới, mỗi đối tượng một mới. Hãy tự làm mới mình khi chuẩn bị cho một bài giảng văn!
LÊ ĐỨC ĐỒNG
Bình luận (0)