“Trẻ đường phố có nguy cơ mắc bệnh xã hội rất cao. Dù chúng ta hỗ trợ điều trị cho các em thì đó cũng chỉ là phần ngọn, vì các em rất dễ tái bệnh. Cái gốc là phải đưa các em về với gia đình”.
Đó là nhận định của bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn tại diễn đàn Vì cuộc sống mạnh khoẻ cho thanh thiếu niên đường phố do Trung tâm Thực hành công tác xã hội (Đại học Mở) tổ chức ngày 14/8 tại TPHCM.
Trẻ em đường phố tham dự diễn đàn
Tại đây, những trẻ sống lang thang ở TPHCM do các bạn sinh viên khoa Xã hội học trường ĐH Mở vận động tham gia chương trình đã hỏi rất nhiều các vấn đề mà các em quan tâm như làm sao để phòng tránh các bệnh xã hội, nếu mắc thì phải làm sao khi các em không có tiền,…
Có em gái chỉ chưa đầy 20 tuổi mang thai gần 7 tháng mạnh dạn đứng lên hỏi: “Nếu tụi em lỡ dính thai nhưng người bạn trai đã bỏ đi thì có ai trợ giúp khi sinh nở không?”. Có em thì thắc mắc là bạn gái mình có HIV, khi lỡ mang thai thì có nên giữ lại đứa trẻ hay không?
Ngoài giải thích thắc mắc của các em, các bác sĩ còn chiếu phim thực tế với những hình ảnh kinh hoàng về hậu quả của những căn bệnh xã hội mà trẻ sống lang thang trên đường phố rất dễ mắc phải do đời sống tình dục không an toàn, tiêm chích ma tuý như lậu, giang mai, mồng gà… đặc biệt là HIV/AIDS.
Với những hình ảnh đau đớn, kinh hoàng của người bệnh khiến các em hoảng sợ và lo lắng: “Tụi em cũng biết là nguy hiểm lắm nhưng chẳng biết làm sao mà tránh”- một bạn tên Hiệp cho biết.
Sau khi chiếu các hình ảnh kinh hoàng đó, các bác sĩ nhấn mạnh với các em: “Hầu hết các trường hợp nghiêm trọng đến mức này đều là do các em để bệnh quá lâu, khi không chịu nổi mới đến các cơ sở y tế chữa trị nên bệnh rất phức tạp. Nhiều em đến quá trễ nên không thể chữa trị được.
Do đó, các bác sĩ kêu gọi các em hãy mạnh dạn đến các cơ sở y tế chữa trị ngay khi có dấu hiệu bệnh. Nếu các em không có tiền có thể đến các trung tâm hỗ trợ cộng đồng, các phòng khám nhân đạo để chữa trị.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lê, cán bộ bệnh viện Nhân ái (thuộc Sở Y tế TPHCM) cũng kêu gọi các em có HIV hoặc biết bạn mình có HIV thì cũng nên nhanh chóng đến và khuyên nhủ bạn mình đến BV Nhân ái điều trị miễn phí, để bảo vệ sức khoẻ cho mình và tránh lây nhiễm cho các bạn khác.
Bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn hướng dẫn thêm: “Các em cũng có thể đến các cơ sở y tế nhân đạo của các tôn giáo, các phòng khám từ thiện khám để họ giới thiệu đến các bệnh viện điều trị miễn phí. Nếu không được nữa thì hãy trở về với chúng tôi, các cơ sở y tế từ thiện sẽ hết sức tìm kiếm sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân để chữa trị miễn phí cho các em”.
Tuy nhiên, trao đổi bên lề diễn đàn, bác sĩ Phấn cho biết: “Dù chúng ta hết sức hỗ trợ điều trị cho các em thì đó cũng chỉ là giải quyết phần ngọn. Vì các em rất dễ tái mắc bệnh. Sống trên đường phố mà, nhiều khi các em không làm chủ được bản thân mình. Có khi bị bản bè rủ rê, lôi kéo; cũng có khi là bị cưỡng bức. Do vậy, cái gốc là phải đưa các em về với gia đình”..
Và thông điệp “Hãy trở về với gia đình” được bác sĩ Phấn liên tục nhắc đi nhắc lại tại diễn đàn không dưới 10 lần khi nói về cách phòng tránh khỏi những căn bệnh này cho các em hiểu.
Bác sĩ nhìn thẳng vào gần trăm em thanh thiếu niên đường phố tụ tập tại diễn đàn gửi gắm: “Các em là lực lượng rất quan trọng của thành phố. Vì các em am hiểu những kiến thức phòng tránh các bệnh này, hiểu được hậu quả khủng khiếp của nó. Vậy các em hãy giúp chúng tôi hướng dẫn các bạn khác những điều mà mình biết để bảo vệ mình, bảo vệ bạn. Nhưng tốt nhất, các em hãy về với gia đình!”.
Tùng Nguyên (dan tri0
Bình luận (0)