Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hãy yêu thương và luôn thân thiện với trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ 1: Đừng trừng phạt thân thể các em

Giáo viên Trường THPT Trần Phú đang thảo luận về việc loại trừ hành vi trừng phạt thân thể học sinh

Đó là thông điệp của lớp tập huấn “Đổi mới phương pháp quản lý lớp học bằng các biện pháp giáo dục kỉ luật tích cực” vừa diễn ra trong ba ngày tại nhiều điểm học nằm trên địa bàn quận Tân Phú (TP.HCM). Đối tượng tham gia là cán bộ quản lý, giáo viên tất cả các trường THCS của quận Tân Phú và Ban giám hiệu, giáo viên hai trường THPT Trần Phú và Tây Thạnh. Lớp học nằm trong dự án của Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) được sự tài trợ của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển.
Nỗi đau dai dẳng
Những năm qua, có không ít người với cách nhìn bi quan đã cho rằng: đạo đức học sinh đang xuống cấp trầm trọng. Năm 2008, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam đã tổ chức hội thảo hai ngày tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) để cảnh báo về thực trạng này nhằm tìm ra nguyên nhân, đồng thời chọn những biện pháp tối ưu hầu đẩy lùi và triệt tiêu. Ngoài ra, nhiều trường học cũng đã tổ chức những buổi sinh hoạt, tọa đàm với nội dung cũng xoay quanh vấn đề rèn luyện đạo đức học sinh. Tại các buổi hội thảo hay sinh hoạt hoặc tọa đàm, chúng tôi nhận thấy những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trẻ em hư thường được mọi người nói đến nhiều nhất: bị ảnh hưởng và tác động cái xấu của xã hội; gia đình thiếu quan tâm; nhà trường chưa làm tốt vai trò của mình… Trong khi đó ít người đề cập đến trách nhiệm và thái độ của người lớn đối với trẻ. Trong bài viết này chúng tôi chỉ khép lại trong phạm vi trường học. Không ai phủ nhận vai trò quan trọng của nhà trường trong việc giáo dục, rèn luyện nhân cách học sinh. Đặc biệt là vai trò của người thầy.
Trong bút ký “Đêm trắng” của nhà văn quân đội Hoàng Hữu Các đăng trên tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) có kể về câu chuyện một anh công an xã đã xông vào lớp bốn của một trường tiểu học tại làng quê tác giả để “lôi” một em học sinh ra giữa sân trường đánh vì nghi em này viết bậy trên tường của đình làng. Đâu đó gần đây, chúng ta cũng bắt gặp những chuyện tùy tiện bắt học sinh đưa về trụ sở công an để lấy lời khai cũng do bị tình nghi ăn cắp, thậm chí có em còn bị đánh đập dẫn đến hoảng loạn mà báo chí đã thông tin. Ở một trường THCS, một cô giáo khi bước vào lớp nhìn thấy ghế và bàn của giáo viên bị vẽ bậy đã bực tức. Cô hỏi không em nào nhận, bỏ phiếu kín cũng không tìm ra thủ phạm. Vậy là cô giáo bắt 47 học sinh lần lượt lên liếm sạch chiếc ghế? Tại Đồng Tháp, một cô giáo (THCS) đã tiến hành khám xét cặp tất cả học sinh vì một học sinh của lớp bị mất 100.000 đồng. Lục soát cặp không đạt kết quả, cô giáo chuyển sang xét “nội y” từng nữ sinh trước mặt đông đảo nam sinh. Khi phát hiện tờ giấy bạc 100.000 đồng nằm dưới chân một nữ sinh, cô giáo vội vàng kết luận em nữ sinh này là kẻ ăn cắp. Bị xúc phạm thân thể ngay giữa lớp học lại còn bị quy chụp tội ăn cắp, em không chịu nổi sức ép nên đã tìm đến cái chết! Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, một giáo viên đã bắt một học sinh lớp 7 đeo bảng ghi rõ tội trạng đi quanh các lớp học vì tình nghi em này ăn cắp tiền. Tại Đồng Nai, một giáo viên đã dùng compa và cây tầm vông đánh học sinh vì nghi em này đốt diêm trong lớp…
Không thể trừng phạt thân thể các em
Dẫn chứng vài sự việc buồn ở trên, chúng ta đều thấy sự sai trái của người lớn, của thầy cô đối với các em học sinh. Đây là một thực trạng đau lòng, điều đó cho thấy một bộ phận giáo viên chưa trang bị đầy đủ cũng như chưa được đào tạo kỹ lưỡng về tâm lý giáo dục cũng như phương pháp giáo dục. Không ít thầy cô giáo thiếu kềm chế, kỹ năng sư phạm yếu kém dẫn đến xử phạt học sinh còn nặng cảm tính, theo hướng chủ quan. Tệ hơn nữa, có người còn mang nặng suy nghĩ rằng mình là người có quyền phán xét các em. Nhà bác học Albert Einsten cho rằng: “Đối với hiệu trưởng một trường học, điều tồi tệ nhất có lẽ là làm việc theo phương pháp tạo ra sự sợ hãi, áp lực và uy quyền giả tạo. Cách làm việc như vậy hủy hoại những tình cảm lành mạnh, sự chính trực và lòng tự trọng của học sinh”. Nhà thơ Dorothy Law Notle trong tập thơ “Chúng ta có thể làm được: Dạy con với cả tự tin” có đoạn thơ sau: “Nếu sống với chỉ trích, em biết cách chê bai; Nếu sống với thù hận, em biết cách gây gổ; Nếu sống với bao dung, em học lòng kiên nhẫn; Nếu sống trong khích lệ, em có lòng tự tin; Nếu sống trong ca ngợi, em biết cách tặng khen; Nếu sống trong công bằng, em có lòng độ lượng; Nếu sống trong bình an, em học lòng tin cậy; Nếu sống trong tình thương, em biết yêu chính mình”. Sự yêu thương và quan tâm của thầy cô, của cha mẹ là điều kiện tốt nhất giúp cho trẻ thay đổi thái độ và hành vi. Chúng ta hãy tích cực lắng nghe các em để hiểu những khó khăn cũng như những yêu cầu, từ đó chia sẻ và có thể giúp các em tháo gỡ.
Trần Thanh Quang 

Bình luận (0)