Trẻ em là những mầm non của xã hội, là tương lai của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế – xã hội, số lượng trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi ngày càng gia tăng, dẫn đến nhiều vấn đề cần phải được xem xét và giải quyết kịp thời.
Đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM đã nêu rõ: “Sự gia tăng về số lượng trẻ mồ côi không chỉ làm phát sinh những vấn đề liên quan đến sức khỏe, dinh dưỡng mà còn cả về giáo dục, kỹ năng sống và các nhu cầu vật chất khác, đòi hỏi sự quan tâm sâu sát hơn từ phía Nhà nước và cộng đồng xã hội”.
Thực trạng và thách thức trong việc chăm sóc trẻ em mồ côi tại TP.HCM
Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, trong những năm gần đây, TP đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng trẻ mồ côi, nhất là sau đại dịch Covid-19. Theo số liệu thống kê, chỉ trong năm 2023, có tới 512 trẻ em mồ côi đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội với tổng số tiền trợ cấp lên đến hơn 983 triệu đồng.
Số lượng này cao gần 1,6 lần so với số trẻ mồ côi đang sống trong cộng đồng, thể hiện nhu cầu ngày càng lớn về việc chăm sóc trẻ mồ côi tại các cơ sở nuôi dưỡng.
Mặc dù đã có nhiều chính sách trợ giúp dành cho trẻ mồ côi, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe.
Nhiều trẻ mồ côi hiện tại không nhận được đầy đủ dinh dưỡng cần thiết để phát triển thể chất, điều này có thể dẫn đến những khiếm khuyết về sức khỏe sau này.
Hầu hết trẻ mồ côi sống trong các cơ sở nuôi dưỡng Nhà nước hoặc tại cộng đồng đều đối mặt với nguy cơ không được chăm sóc đúng mức, đặc biệt về dinh dưỡng, sức khỏe và giáo dục.
“Mức trợ cấp cho trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi tại các cơ sở nuôi dưỡng của Nhà nước khó có thể bảo đảm đủ năng lượng sống phát triển của các cháu. Những cháu ở cộng đồng thì đời sống còn nhiều bấp bênh, không ổn định. Điều kiện và khả năng học hành, tiếp cận và tiếp thu các yêu cầu về giáo dục – đào tạo có nhiều cháu bị hạn chế”, ông Nhựt nhận định.
Sự hỗ trợ thiết thực cho trẻ em mồ côi
Để giải quyết những vấn đề trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP vào ngày 15-3-2021 về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có trẻ em mồ côi và trẻ em không nơi nương tựa.
Theo đó, trẻ mồ côi tại Việt Nam được chia thành hai nhóm chính: “trẻ em mồ côi cả cha và mẹ” và “trẻ em không nơi nương tựa”. Cả hai nhóm này đều được hưởng một trong hai chính sách: “Chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội” hoặc “chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng”.
Mức trợ cấp cho trẻ mồ côi cũng linh hoạt, tùy thuộc vào độ tuổi và hình thức nuôi dưỡng. Đối với trẻ dưới 4 tuổi, nếu được nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, mức trợ cấp định kỳ hàng tháng là 2.400.000 đồng/trẻ. Đối với trẻ từ 4 đến 16 tuổi, mức trợ cấp này là 1.920.000 đồng/trẻ. Nếu trẻ được chăm sóc tại cộng đồng, mức trợ cấp sẽ giảm, với 1.200.000 đồng/tháng cho trẻ dưới 4 tuổi và 720.000 đồng/tháng cho trẻ từ 4 đến 16 tuổi.
Tuy nhiên, chính sách trợ giúp xã hội tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các khoản trợ cấp tài chính. Trẻ em mồ côi còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí, và tiếp cận các chương trình đào tạo nghề nghiệp. Những hỗ trợ này không chỉ giúp đảm bảo quyền lợi cơ bản của trẻ mà còn tạo điều kiện để các em phát triển trong một môi trường an toàn và hòa nhập.
Điểm sáng trong công tác trợ giúp trẻ em mồ côi
TP.HCM, với vai trò là một trong những thành phố lớn và phát triển nhất cả nước, đã luôn đi đầu trong việc triển khai các chính sách chăm sóc và bảo trợ trẻ em mồ côi. Cùng với Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, TP.HCM đã ban hành các nghị quyết đặc thù nhằm chăm lo tốt hơn cho nhóm trẻ em này. Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 7-4-2022 và Nghị quyết số 35/2023/NQ-HĐND ngày 8-12-2023 của HĐND TP.HCM đã đưa ra các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho trẻ em mồ côi, người cao tuổi và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.
Những chính sách này không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tài chính mà còn mở rộng sang các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và hỗ trợ tâm lý. Việc trẻ em mồ côi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và nhận trợ cấp hàng tháng đã giúp các em có thêm cơ hội để đến trường, tiếp tục học tập và chuẩn bị cho một tương lai tươi sáng hơn.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, trong năm 2023, có 321 trẻ mồ côi được hưởng chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng, với tổng số tiền trợ cấp hơn 231 triệu đồng. Còn tại các cơ sở trợ giúp xã hội, con số này là 512 trẻ với tổng số tiền trợ cấp lên tới hơn 983 triệu đồng.
Sự chênh lệch giữa hai hình thức chăm sóc này phản ánh thực tế rằng việc nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội vẫn đang được ưu tiên hơn, do điều kiện chăm sóc và hỗ trợ tại các cơ sở này thường tốt hơn so với tại cộng đồng.
Mặc dù đã có nhiều chính sách thiết thực và linh hoạt dành cho trẻ em mồ côi, nhưng vẫn cần có những điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Đồng thời, các chương trình giáo dục và đào tạo nghề cần được mở rộng và nâng cao chất lượng, nhằm giúp trẻ mồ côi có cơ hội phát triển toàn diện và hòa nhập tốt hơn vào xã hội.
Việc triển khai chính sách trợ giúp xã hội dành cho trẻ em mồ côi tại TP.HCM đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện cuộc sống của nhóm đối tượng yếu thế này.
Tuy nhiên, để đảm bảo một tương lai bền vững cho các em, không chỉ cần sự nỗ lực từ phía Nhà nước mà còn cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Cùng với sự quan tâm của cộng đồng và sự cải tiến của các chính sách, trẻ em mồ côi tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ có thêm cơ hội để vươn lên, vượt qua khó khăn và kiến tạo một tương lai hạnh phúc.
Thủy Phạm
Bình luận (0)