Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hè đến, “hàng nóng” lại nóng

Tạp Chí Giáo Dục

Đến hẹn lại lên, kỳ nghỉ hè bắt đầu cũng là thời điểm đồ chơi bạo lực, “hàng nóng” tung ra thị trường và được rao bán công khai trên mạng.

Băng đạn kim loại trang bị cho súng bắn đạn bi được chào bán tràn lan trên mạng

Khách hàng của những món đồ chơi chết người nói trên không ai khác ngoài thanh thiếu niên, tập trung nhiều ở lứa tuổi học sinh (HS) trung học. Không ít HS vốn ngoan hiền, học giỏi, chỉ vì một phút nông nổi muốn chứng tỏ bản thân mà đã đánh hỏng cả tương lai…

Mua súng dễ như mua rau

Trên một số trang mạng, ngoài đăng tải hình ảnh về các loại “hàng nóng”, tại đây còn có các đường link dẫn vào xem chi tiết về giá cả, cách sử dụng. Việc tiếp cận xem hàng, tư vấn về cách sử dụng… quá dễ dàng, thậm chí chỉ việc ngồi nhà nhấp chuột là có ngay một món hàng như ý.

Và bằng cách này tôi đã có một cuộc hẹn với Tuấn – một tay chuyên cung cấp các dụng cụ hỗ trợ và súng các loại. Biết tôi có ý định mua một khẩu súng mang trong người để phòng thân, Tuấn tỏ ra mình là một nhà cung cấp chuyên nghiệp: “Ông nên có một khẩu để phòng thân cũng như bảo vệ gia đình. Thời buổi giờ chuyện gì cũng có thể xảy ra, mỗi ngày ra đường với biết bao bất trắc, có nó trong người cũng đỡ lắm. Bỏ thêm chút đỉnh để mua một khẩu coi được là không thừa”.

Khi tôi đề nghị được xem một khẩu xài được, giá lại mềm, Tuấn lấy từ chiếc túi xách ra một chiếc hộp đựng khẩu súng mới cáu màu đen sậm rất bóng. “Đây. Nhè nhẹ thì chỉ cần khẩu này, đụng chuyện ông lấy nó ra có khối đứa không dám hắt hơi”, Tuấn tiếp. Theo Tuấn, đây là một kiểu súng tự vệ thiết kế khá chuẩn như súng thật được nhiều người chọn mua. Hỏi về độ sát thương, Tuấn khẳng định: “Không vừa đâu nhé”. Vừa nói anh ta vừa lắp đạn, nheo mắt, họng súng chỉa thẳng vào gốc cây bồ đề như để xác tín lời quảng cáo của mình. Âm thanh phát ra đùng đoàng, súng giật mạnh cho thấy độ rung, giật của loại súng này chẳng khác nào súng thật. Tuấn bồi thêm: “Khẩu từ 1,5 triệu đồng trở lên có thể gây sát thương nặng trong bán kính đến 80m. Ngoài ra, các loại thau nhựa, nhôm, vỏ lon bia… đều có thể bị đạn bắn thủng trong cự ly từ 10-20m”.

Mới đây, một trường THCS ở Q.Gò Vấp, TP.HCM đã phải kỷ luật hạ bậc hạnh kiểm đối với một nam HS vì em đã lên mạng đặt mua súng bắn đạn bi kim loại cho người bạn cùng khối. Khi giáo viên chủ nhiệm phát hiện, HS này khai đã lên mạng tìm hiểu và hẹn người bán đến gần trường để giao hàng rồi đưa tiền. Mục đích sở hữu súng, theo các em là vì muốn có nó… 

Phóng viên thử “hàng nóng”

Theo tìm hiểu của tôi, súng mà Tuấn cho tôi xem là súng hơi loại nhẹ nhưng điểm khác biệt là có trọng lượng, kiểu dáng và bắn đạn bi như súng thật. Tuấn chắc nịch: “1,5 triệu đồng/khẩu, khuyến mãi bao đạn 50 viên. Giá này không dễ kiếm đâu nhé, thấy ông anh mau mắn mới gả để làm quen”.

Chơi súng giả nhưng chết thật

Một ngày trung tuần tháng 4, từ thông tin mà chúng tôi có được qua những tay chơi “hàng nóng”, trong vai người mua hàng, chúng tôi gặp Nguyễn Văn Long (Q.Tân Phú, TP.HCM) tại một quán cà phê sân vườn trên đường Lũy Bán Bích. Bật chiếc iPad, Long mở hết trang này đến trang khác nhằm giới thiệu mẫu mới. Ngoài súng nhựa hơi loại nhẹ Arisoft, Long còn cung cấp nhiều mặt hàng, công cụ hỗ trợ khác như roi điện, súng bắn điện và vũ khí thô sơ khác. Hỏi về nguồn gốc các mặt hàng này, Long khẳng định: “Hàng qua từ các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Giá của nó cao hơn so với mua tại Hà Nội là vì vận chuyển vào Nam rất nhiêu khê”.

Khi chúng tôi đề nghị được xem hàng trước, Long hẹn hai ngày nữa hàng mới vào. Tuy nhiên, theo lời Long, cứ xem hàng thích món nào thì đặt cọc trước khoảng 30-50% giá trị của món hàng, khi giao hàng sẽ đưa tiền đủ. Long khoe, trước đây chỉ bán vài món như roi điện, nắm đấm sắt, kim chích điện và súng bắn cao su, nay có đầu mối ký gửi súng nên bán thêm kiếm chút lời.

Hầu hết các món hàng mà chúng tôi tìm hiểu, bao bì có ghi rõ bằng tiếng Anh là xuất xứ từ Trung Quốc và cảnh báo an toàn, khoảng cách gây sát thương. Ngoài ra, bao bì còn thể hiện rõ cấm người dưới 18 tuổi sử dụng.

Tại một số trang mạng quảng cáo là súng nhựa đồ chơi nhưng thực chất được làm bằng kim loại, có băng đạn với kiểu dáng không khác nào súng thật. Chúng tôi mang khẩu hiệu K-6 có xuất xứ Trung Quốc đã mua được đến gặp Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu. Nhìn súng, ông khẳng định: “Không khác gì súng thật”. Ông cầm lên xem và tháo lắp băng đạn, tiếp: “Kẻ xấu có thể dùng nó để uy hiếp bất kỳ ai. Với mức độ gây sát thương như đã cảnh báo, thì khó tránh khỏi những tai nạn nghiêm trọng”.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu lo lắng, nếu không có biện pháp quản lý con đường đi của “hàng nóng”, một ngày nào đó, lớp trẻ sẽ “nói chuyện” bằng “hàng nóng” khi cần giải quyết mâu thuẫn.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM thừa nhận: Cứ vào dịp hè, đồ chơi bạo lực, “hàng nóng” lại được tuồn ra thị trường. Thời gian qua, chi cục phối hợp với nhiều đơn vị rà soát, kiểm tra và đã phát hiện nhiều lô hàng không nguồn gốc,  không hóa đơn chứng từ. Đó là các mặt hàng súng, dao, kiếm… nguy hại đến sức khỏe, tâm lý và kích thích bạo lực.

Giảng viên xã hội học Nguyễn Vĩnh Hải (TP.Hà Nội) cũng cho biết: Việc sở hữu “hàng nóng” của các cá nhân xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như giải quyết khâu oai, phòng thân (khi bị bắt nạt nhiều lần) và cả việc sở hữu để dọa, xin đểu… Tuy nhiên, không ai có thể kiểm soát được hành vi bản thân, dễ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật…

Bài, ảnh: T.Anh

Bình luận (0)