Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Hè lãng du

Tạp Chí Giáo Dục

Bốn mặt của huyện được bao bọc bởi nhiều dãy núi trùng điệp nên thường được gọi là thung lũng An Lão. Là huyện vùng cao nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 100km về phía Tây Bắc tỉnh Bình Định, An Lão có bề dày lịch sử và văn hóa đậm đà bản sắc của ba dân tộc Kinh, H’rê và Ba Na. Nơi đây, cuộc sống con người hòa quyện với thiên nhiên thuần khiết, hoang dã…

Khám phá một con suối hoang sơ ở khu rừng nguyên sinh An Toàn

Bức tranh chỉ tìm thấy trong ký ức

“An Lão là địa điểm phượt mới được khám phá trong thời gian gần đây. Mùa hè đến, núi rừng đại ngàn khoác lên vẻ đẹp tươi tắn, bình yên, là điểm đến tuyệt vời, ẩn chứa bao điều thú vị”, Thành Vinh, sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn mở đầu cho chuyến phượt lần thứ hai đến An Lão cảm nhận.

Nghe câu ca: “Đường lên An Lão cheo leo. Thương em anh mới băng đèo tới đây”, không biết khởi nguồn của câu ca từ bao giờ, nhưng bất kỳ ai cũng muốn một lần khám phá miền đất hẻo lánh còn chưa được nhiều người biết đến này.

Đúng như nhà thơ Yến Lan từng ca ngợi:

Tên mảnh đất – non cao che lũng thấp

Ôm nương rẫy nắng vàng theo màu sáp

Vị hồ tiêu trát ấm cả trung châu

Tỏa hơi say rời bến những thuyền trầu

                                    (An Lão)

Bản làng người H’rê ở thung lũng An Lão

“Không ngoa, khi đặt chân đến đây, điều đập vào mắt mình đầu tiên là phong cảnh núi non hoang sơ, hùng vĩ. Không phải chỉ ở Tây Bắc mới có, ở đây những khoảnh ruộng bậc thang thấp thoáng sau những ngọn đồi (người H’rê và Ba Na ở An Lão gọi là hóc ruộng), những cung đường khúc khuỷu, dốc núi ngoằn ngoèo, dựng đứng sẽ là thử thách đặc biệt cho các phượt thủ, những ai đam mê mạo hiểm, khám phá, trải nghiệm”, Nguyễn Ngọc Hải, thành viên của nhóm bạn trẻ từ huyện Hoài Nhơn hào hứng kể. Về An Lão, du khách thỏa sức leo núi, trèo đèo, khám phá những gộp đá (An Quang), ngắm thác (Đá Ghe), suối đá (Cây Số Bảy, Cây Số Mười), đắm mình trong làn nước trong xanh, mát lành của những dòng sông Xang, sông Đinh, sông Pajê…

Chúng tôi được thưởng thức những đặc sản của núi rừng An Lão: Những trái cây rừng như xay, ươi, sim… Những món ăn dân dã như cá niên (loài cá chỉ sống ở những dòng nước chảy xiết và bơi ngược dòng) ăn kèm rau dớn, ốc đá nấu rau ranh, các món được chế biến từ ngóe… “Mật ong rừng, rượu cần hay rượu sim rừng của người H’rê, Ba Na làm đắm say lòng người. Tất cả mọi thứ ở đây dường như đều rất “xa xỉ” với người dân thành thị, có chăng đó chỉ là hoài niệm trong ký ức của người dân chốn thị thành”, Lê Thị Minh Thư, học sinh đến từ thị xã An Nhơn, khẳng định.

Khám phá, tìm hiểu không gian cồng chiêng hay hòa mình vào những làn điệu dân ca của người Ba Na, H’rê… sẽ là điều thôi thúc không nguôi đối với giới trẻ – nhất là học sinh, sinh viên – khi đặt chân đến vùng đất này. Người Ba Na, H’rê còn lưu giữ nhiều cồng chiêng và những loại nhạc cụ độc đáo như ta lía, ra ngói, ra oát, proác, đinh preng…, những làn điệu ta lêu, ca choi mượt mà, trong trẻo xao động núi rừng.

Một “Đà Lạt trong lòng Bình Định”

Các phượt thủ giao lưu cồng chiêng với dân tộc Ba Na

Đến An Lão, điểm nhấn tuyệt vời cho các phượt thủ là Khu bảo tồn thiên nhiên xã An Toàn rộng hơn 20.000ha, với khoảng 10.000ha rừng giàu, rừng nguyên sinh đa dạng, phong phú, chưa qua khai thác. Theo thống kê, khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có 300 loài động vật, hơn 500 loài thực vật. Trong đó, có những loài động, thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam như vượn má hung, voọc chà vá chân xám…

Nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, khí hậu ở An Toàn quanh năm ôn hòa, mát mẻ, được ví như “Đà Lạt trong lòng Bình Định”. Con đường từ tỉnh lộ 629 từ xã An Hòa lên xã vùng cao An Toàn ví như đường lên “cổng trời”, dài hơn 40km uốn lượn, vắt mình qua những ngọn núi xanh thẳm, được xem là cung đường đẹp nhất tỉnh.

Trần Hoàng Sơn, sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn hào hứng, giọng không giấu nổi niềm say mê: Trên hành trình khám phá “Đà Lạt trong lòng Bình Định”, chúng tôi đã dừng lại ở khu vực suối đá Cây Số Bảy và Cây Số Mười (xã An Quang). Tại đây, chúng tôi đã được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú với những tảng đá có hình thù lạ mắt, xếp chồng lên nhau như những bậc thang. Dòng nước trong vắt chảy qua những nấc thang thiên tạo ấy thành những thác nhỏ mềm mại nằm nép mình dưới những thân cây cổ thụ đổ bóng. Từ trên đỉnh núi, thu vào tầm mắt suối đá Cây Số Mười, những ruộng bậc thang, những nếp nhà sàn ẩn hiện trong những tán cây rừng… quyện vào nhau như một bức tranh tuyệt mỹ. Kế đến, chúng tôi cũng đã trải nghiệm cảm giác chênh vênh, choáng ngợp trên chiếc cầu treo của người H’rê ở làng An Hậu (An Quang) mà không phải ai cũng may  mắn đến được.

Ấn tượng đặc biệt trong hành trình khám phá “Đà Lạt trong lòng Bình Định”, An Toàn, là thiên nhiên còn vẹn nguyên dáng vẻ hoang sơ, núi non trập trùng, cây rừng bạt ngàn, vách đá cheo leo, tiếng chim rừng lảnh lót, những con suối trong veo, róc rách đêm ngày, khí trời se lạnh trong khi dưới kia đang là mùa hè… Buổi sớm mai hay chiều về, sương mù bảng lảng, bồng bềnh trên những triền đồi, lưng núi, cảnh vật càng trở nên thơ mộng, huyền ảo. Vào những ngày hè này, bạn trẻ sẽ còn được dịp quay về với những kỷ niệm tuổi thơ khi thả hồn, lạc bước vào những đồi sim nơi thâm sơn này.

Cầu dây văng dẫn vào rừng nguyên sinh

Từ Trụ sở xã An Toàn, đi về hướng Tây Nam bằng xe máy và đi bộ đường rừng khoảng 2 giờ, ta sẽ đến với thác K50. Vị trí thác tại tọa độ 14031’10” N; 108036’23” E; Cao độ 831m.

Thác K50 ẩn mình giữa rừng già thuộc khu bảo tồn Kon Chư Răng, nằm trong ranh giới giữa hai huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) và An Lão (tỉnh Bình Định). Chị Lê Thiên Bảo (Công ty Hoa Cúc Xanh TP.HCM), từng trải nghiệm K50 cho biết: Để có thể đến được thác K50, tận mắt ngắm thác nước kỳ vĩ này, phượt thủ phải trải qua một hành trình đầy thử thách. Đường lên thác rất hiểm trở, ta phải xuyên rừng, trên con đường mòn ngoằn ngoèo, dốc đứng. Chưa có nhiều người đặt chân đến đây nên thác nước vẫn còn nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ của nó. “Ta sẽ rung động thực sự khi được đắm chìm trong khung cảnh vừa kỳ vĩ, vừa nên thơ của tuyệt tác nghệ thuật mà đất trời đã kiến tạo. Có thể đó sẽ là chuyến trải nghiệm về đúng với núi rừng hoang dã thuần khiết của tôi và các phượt thủ. Và có lẽ đây cũng là nơi các nhà làm du lịch hay lưu tâm”, Thiên Bảo đúc kết.

Phương Thảo

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)